Cải cách bảo hiểm hưu trí và vấn đề đặt ra
24/09/2020 02:56 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa XII) đã thông qua Nghị quyết 28-NQ/TW về Cải cách chính sách BHXH (gọi tắt là Nghị quyết 28) với chủ trương: từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Nhấn mạnh, cải cách chính sách BHXH vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và phải đặt trong mối tương quan với đổi mới, phát triển các chính sách xã hội khác, nhất là chế độ tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội để mọi công dân đều được bảo đảm an sinh xã hội. Trong các chế độ BHXH ở Việt Nam thì bảo hiểm hưu trí là chế độ bảo hiểm dài hạn có vai trò đặc biệt quan trọng. Vì vậy, cải cách bảo hiểm hưu trí là then chốt trong cải cách chính sách xã hội của đất nước. Vì cải cách bảo hiểm hưu trí có liên quan đến toàn bộ hệ thống chính sách xã hội của Việt Nam.
(Ảnh minh họa)
Nghị quyết 28 với chủ trương thực hiện BHXH đa tầng, bổ sung thêm tầng “Trợ cấp hưu trí xã hội” tích hợp vào hệ thống BHXH có đóng góp cụ thể: Ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hằng tháng nhằm cụ thể hóa một bước quy định tại Khoản 2 Điều 59 Hiến pháp 2013, như sau: Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác. Mô hình bảo hiểm hưu trí đa tầng lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam là một bước đột phá trong chính sách BHXH, là sự kết hợp giữa BHXH có đóng góp là chủ yếu với một phần BHXH không đóng góp đuợc tài trợ từ thuế, nhằm đảm bảo cho người già đều có thu nhập tối thiểu đủ sống, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, mô hình này hoàn toàn phù hợp với Khuyến nghị Sàn an sinh xã hội của ILO, 2012 (R202), phù hợp với những người không có hoặc ít có khả năng tham gia BHXH khi còn trẻ với các lý do chính đáng (mất khả năng lao động...).
Nghị quyết 28 đặt ra chỉ tiêu đến năm 2021, 2025 và 2030 tương ứng sẽ có 45%, 55% và 60% số người trên độ tuổi nghỉ hưu được đảm bảo thu nhập tối thiểu đủ sống không phải lệ thuộc vào gia đình và xã hội. Vấn đề đặt ra đối với các cơ quan nghiên cứu cụ thể hóa chủ trương này thành quy định của pháp luật có tính khả thi cao thì cần thiết phải rà soát, đánh giá, hệ thống lại toàn bộ các chính sách xã hội đã ban hành cùng với các nguồn tài chính để làm rõ hơn tính hiệu quả, đâu là sự đóng góp của người tham gia, đâu là sự hỗ trợ của Nhà nước, mô hình tổ chức, cơ chế quản lý, đối tượng thụ hưởng, diện bao phủ của chính sách đã phù hợp chưa, cần mở rộng hay thu hẹp, nguồn tài chính bảo đảm để chính sách đi vào cuộc sống.
Hiện nay, Việt Nam đang bước vào thời kỳ già hóa dân số với tốc độ nhanh nhất thế giới. Theo tính toán của ILO, năm 2017, Việt Nam có khoảng 10,1 triệu người từ đủ 60 tuổi trở lên, trong đó có tới 8,3 triệu người không được nhận hưu trí, chiếm khoảng 83% số người cao tuổi. Mặt khác, mức trợ cấp rất thấp, hiện nay là 270 ngàn đồng (khoảng 11,6 USD/người/tháng), bằng khoảng 33,75% mức thu nhập chuẩn nghèo khu vực nông thôn (800.000 đồng) hay bằng 27% mức thu nhập chuẩn nghèo khu vực thành thị (1.000.000 đồng) chưa đủ mức sống tối thiểu; quy định độ tuổi hưởng chung đối với cả nam và nữ đều 80 tuổi là khá cao, số người từ 61 đến 79 tuổi chưa được trợ cấp nên rất khó khăn. Cũng theo tính toán của ILO, năm 2015, Việt Nam có 6,6 người trong độ tuổi lao động (15-59 tuổi) trên một người già trên 60 tuổi, dự kiến đến năm 2055 thì chỉ còn 2,1 người trong độ tuổi lao động trên một người già. Đây là một thách thức vô cùng lớn đối với hệ thống bảo hiểm hưu trí của Việt Nam.
Mặt khác, các chính sách xã hội của nước ta hiện nay đang dàn trải, phân tán, trùng chéo, hiệu quả thấp, tạo nên gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Cần thiết phải có sự chỉ đạo tập trung nghiên cứu phân tích, tổng hợp để tích hợp, liên thông các chính sách xã hội có cùng bản chất, cùng đối tượng, cùng nguyên tắc, cùng cơ chế tài chính để quản lý chặt chẽ và hiệu quả.
Với mục tiêu BHXH toàn dân của Việt Nam cho thấy quyết tâm chính trị mạnh mẽ, bảo đảm rằng: mọi người dân đều có quyền và cơ hội được tham gia và thụ hưởng BHXH, Nhà nước tạo hành lang pháp lý bảo đảm các quyền của người dân được thực hiện “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhưng quyền lợi bao giờ cũng đi đôi với nghĩa vụ. Nhằm khắc phục hạn chế của chính sách cần phải có các giải pháp đồng bộ vận động để người dân tự giác tham gia, xây dựng để người dân có niềm tin, có thói quen, hình thành văn hóa tự an sinh xã hội, cùng chia sẻ, tham gia BHXH khi còn trẻ, khi có điều kiện để về già được hưởng BHXH mà không ỷ lại vào Nhà nước.
Ngoài ra, đã đến lúc cần phải nghiên cứu mở rộng chính sách cho phù hợp với xu thế thời đại như: chế độ chăm sóc gia đình (đặc biệt chăm sóc người già) đã được ILO khuyến nghị trong Công ước số 102 từ tháng 6 năm 1952 đến nay đã có rất nhiều quốc gia thực hiện phù hợp với xu hướng già hóa dân số và thiết chế gia đình trong thời đại 4.0. Về mở rộng diện bao phủ BHXH, trước hết cần thay đổi nhận thức về việc bắt buộc tham gia BHXH theo hợp đồng lao động “hướng tới chính sách BHXH bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết” theo nội dung cải cách chính sách BHXH đã nêu trong Nghị quyết 28, nhưng để cụ thể hóa thành pháp luật cần nghiên cứu, xây dựng thể chế, cơ chế kiểm soát thu nhập, công khai, minh bạch về thu nhập, đồng thời với việc cải cách mạnh mẽ chế độ bảo hiểm hưu trí theo hướng linh hoạt thì sẽ huy động được nhiều người tham gia BHXH, mục tiêu BHXH toàn dân sẽ thành hiện thực. Khi đã kiểm soát, quản lý được thu nhập thì việc thu BHXH cũng như thu các khoản đóng góp khác sẽ trở thành đơn giản thông qua việc tự động trích nộp BHXH từ tài khoản cá nhân của người tham gia vào tài khoản chuyên thu BHXH, cũng như các nghĩa vụ công dân khác sẽ được tự động trích nộp vào các quỹ tương ứng, giúp giảm thiểu rất nhiều chi phí phát triển đối tượng và thu các khoản đóng góp như một số quốc gia tiên tiến đã và đang thực hiện rất có hiệu quả.
Nghị quyết 28 đã chỉ rõ một số quy định cụ thể trong chế độ hưu trí cần phải cải cách mạnh mẽ như:
Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cách tính lương hưu, bảo đảm công bằng giữa nam và nữ, giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ giữa người có mức lương cao với người có mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập trong các đối tượng hưởng chế độ hưu trí. Thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ. Rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt. Đây là những nội dung cốt lõi trong cải cách chế độ bảo hiểm hưu trí đề nghị các cơ quan được Chính phủ phân công chủ trì các đề án cần đẩy nhanh tiến độ và chất lượng xây dựng chính sách, khẩn trương triển khai nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản đã thực hiện có hiệu quả các cuộc cải cách chế độ bảo hiểm hưu trí như: Về việc tăng độ tuổi hưởng lương hưu cho phù hợp với thông lệ quốc tế, theo Điều 169, Bộ luật Lao động sửa đổi số 45/2019/QH14 đã có quy định về tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, cụ thể : Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định. Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định. Giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.Hiện nay, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang tích cực nghiên cứu để trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Điều 169, Bộ luật Lao động 2019, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021.
Về giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu và thực hiện nguyên tắc chia sẻ trong chế độ bảo hiểm hưu trí. Hiện nay, một số quốc gia quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu để được nhận lương hưu rất thấp như Hàn Quốc quy định là 10 năm và trong công thức tính lương hưu của Hàn Quốc cũng thể hiện rất rõ nguyên tắc chia sẻ. Đối với Việt Nam, để cụ thể hóa chủ trương này của Đảng cần nghiên cứu thực tiễn và học tập kinh nghiệm của các nước để vừa bảo đảm quyền lợi của người laođộng vừa bảo đảm khả năng chi trả bền vững của quỹ hưu trí và tử tuất. Tuy nhiên, đây là nội dung mới và rất khó nên cần đầu tư, nghiên cứu một cách công phu.
Nghị quyết 28 chủ trương quy định chặt chẽ hơn điều kiện hưởng BHXH một lần nhằm khắc phục tình trạng rút BHXH một lần đang có xu hướng gia tăng trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành. Trước mắt, cần bãi bỏ ngay hoặc sửa đổi cho phù hợp quy định cho phép người lao động được ủy quyền cho người khác làm đơn xin nhận BHXH một lần, bởi quy định này đang bị kẻ xấu lợi dụng, chiếm dụng quyền lợi của người lao động thông qua thủ đoạn mua, bán sổ BHXH. Lâu dài, cần phải nghiên cứu để cụ thể hóa nội dung này theo đúng tinh thần Nghị quyết 28 nhằm hạn chế số người ra khỏi hệ thống BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
Theo http://baobaohiemxahoi.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Phú Yên: Đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc về ...
Huyện Tuy An: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham ...
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...
BHXH tỉnh: Nỗ lực khắc phục khó khăn để sớm “cán đích” năm ...