Thực hiện tốt nghĩa vụ BHXH góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững
27/02/2017 02:34 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hiện nay, một trong những nội dung được nhiều người quan tâm đó là tính tuân thủ pháp luật BHXH chưa nghiêm, tình trạng trốn đóng, chây ỳ, nợ đọng BHXH đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi muốn đề cập đến nghĩa vụ BHXH, ý nghĩa của khoản đóng góp BHXH làm cơ sở cho việc tuân thủ Luật BHXH.
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Điều 34 nêu rõ: “Công dân có quyền được bảo đảm An sinh xã hội”. Đây là một bước phát triển cao về quyền con người, làm nền tảng cho việc pháp triển luật pháp về An sinh xã hội ở nước ta. Những sự trợ giúp kịp thời của hệ thống An sinh xã hội theo các phương pháp, hình thức khác nhau có tác dụng duy trì và đảm bảo ổn định cuộc sống của các thành viên trong xã hội, góp phần đảm bảo sự ổn định chung cho toàn xã hội. Đến nay, BHXH là một hệ thống dự phòng do Nhà nước lập nên và dựa trên nghĩa vụ BHXH (đã bao hàm cả chế độ BHYT, BHTN), có nhiệm vụ ngăn ngừa rủi ro nhất định và điều tiết cân bằng toàn bộ hoặc từng phần mất mát về thu nhập, những khoản chi phí khi gặp phải rủi ro không lường trước, nhằm bảo đảm mục tiêu bình ổn xã hội. Rủi ro được xã hội bảo hiểm là bệnh tật, ốm đau, thai sản; tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; tuổi già, mất mát thu nhập do người nuôi dưỡng bị chết (tuất); thất nghiệp và cả khi mất mát thu nhập do doanh nghiệp bị phá sản. Như vậy, đối với lĩnh vực BHXH, quyền phải đi đôi với nghĩa vụ.
Đặc trưng cơ bản của các chế độ BHXH là dựa trên nghĩa vụ BHXH, mang tính bắt buộc. Tính bắt buộc thể hiện ở chỗ việc tham gia BHXH không xem xét đến mong muốn của riêng cá nhân người lao động hoặc ý muốn của người sử dụng lao động. Nói cách khác, cả người chủ sử dụng lao động và người lao động đều cùng có nghĩa vụ về BHXH. Quyền được hưởng các chế độ BHXH cũng giữ vai trò tương tự như nghĩa vụ tham gia đóng góp BHXH về mặt pháp luật. Ở đây, nghĩa vụ BHXH bao hàm cả nghĩa vụ phải chi trả các quyền lợi BHXH. Đặc trưng của BHXH là bảo hiểm mang tính bắt buộc ở chỗ người thuộc diện đối tượng BHXH nghĩa vụ khi tham gia BHXH sẽ hình thành nên quan hệ bảo hiểm và quan hệ thành viên của tổ chức BHXH. Những quan hệ này mang tính hành chính, mặc nhiên được hợp pháp bằng hiệu lực của pháp luật trong suốt quá trình từ khi bắt đầu tham gia đóng góp cho đến khi hội tụ đủ các điều kiện để được hưởng các chế độ BHXH theo quy định của pháp luật.
Khởi đầu của quan hệ BHXH là nghĩa vụ đóng góp của người tham gia BHXH. Sau khi đóng góp BHXH, người lao động có quyền đòi hỏi các chế độ BHXH nếu gặp phải rủi ro tương ứng (đòi hỏi về khám, chữa bệnh khi bị ốm đau, bị tai nạn lao động, khi đủ tuổi nghỉ hưu, mất việc làm...). Mỗi một chế độ BHXH riêng biệt cũng có quy định riêng về điều kiện hưởng ví dụ chế độ bảo hiểm hưu trí về cơ bản phải có khoảng thời gian đóng góp, tuổi đời nhất định mới được hưởng. Quan hệ BHXH được điều chỉnh theo Luật BHXH. Nội dung này bao trùm lên toàn bộ các quan hệ pháp lý của Luật BHXH và có quan hệ chặt chẽ với các Luật pháp khác có liên quan nhằm tác động đến các chức năng hoạt động đặc biệt của Luật BHXH, ví dụ Bộ luật Lao động, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Hình sự...
Phạm vi đối tượng có nghĩa vụ tham gia BHXH được xác định căn cứ vào mục tiêu của xã hội và tác động của hệ thống chính trị đang thống trị trong xã hội đó. Ở nước ta, nghĩa vụ BHXH được áp dụng cho mọi thành viên trong xã hội vì hầu như mỗi cá nhân đều không đảm bảo đủ điều kiện để chống lại tất cả các rủi ro thông thường. Mức độ được bảo đảm (phạm vi chế độ được hưởng) một mặt phụ thuộc vào khả năng đóng góp, mặt khác có thể hạn chế trong phạm vi mức sống tối thiểu hoặc có thể bảo đảm theo mức sống bình quân chung toàn xã hội. Tuy nhiên, mức độ bảo đảm sẽ đi từ việc đảm bảo mức sống tối thiểu và cùng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội phát triển đến trình độ bảo đảm mức sống chung (tiêu chuẩn sống chung) trong xã hội.
Trong nhiều năm qua, BHXH Việt Nam đã thực hiện với nhiều hình thức, phương pháp khác nhau nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ về chính sách, pháp luật BHXH cho chủ sử dụng lao động, người lao động. Nhưng trong thực tế, việc thực hiện đóng góp BHXH cho người lao động phần nhiều phụ thuộc vào ý thức tuân thủ pháp luật của chủ sử dụng lao động. Nếu chủ sử dụng lao động tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của chính sách, pháp luật BHXH thì người lao động sẽ được tham gia BHXH đúng quy định. Nhìn nhận khoản đóng góp BHXH cho người lao động dưới góc độ kinh tế thì đây là một khoản chi phí sản xuất, làm tăng giá thành sản phẩm và đương nhiên sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Nếu theo nhìn nhận ban đầu, việc đóng góp BHXH cho người lao động có thể sẽ làm tăng chi phí sản xuất, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp nhưng thực chất, về lâu dài, phương thức BHXH đã chuyển giao trách nhiệm bảo vệ nguời lao động khi gặp phải rủi ro về phía xã hội, rủi ro được điều tiết trên phạm vi toàn xã hội, giúp cho chủ sử dụng lao động bớt khó khăn, lo lắng về nguồn lao động, yên tâm tổ chức sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa, việc tính đúng, tính đủ các chi phí sản xuất nói chung, trong đó có tiền lương, các khoản phụ cấp lương và khoản đóng góp BHXH – được coi là các khoản chi phí mang tính xã hội cho người lao động vào giá thành sản phẩm sẽ phải trở thành một trong những đòi hỏi hàng đầu đối với hoạt động của doanh nghiệp. Đã đến lúc xã hội phải chấp nhận việc mua các sản phẩm tiêu dùng trên thị trường với giá cao hơn mức giá trước đây, nếu mức giá đó đã bao gồm cả các chi phí nhằm đảm bảo về mặt xã hội cho yếu tố lao động. Xét một khía cạnh nào đó, cũng có thể giải thích phần nào về quan điểm cho rằng “Việt Nam có nguồn nhân công rẻ”, tức là một phần chi phí đáng lý phải chi trả để đóng góp BHXH cho người lao động đã không được tính đúng, tính đủ và thậm chí đã không được thực hiện. Ở đây, tạm tách các yếu tố về trình độ kỹ thuật, về năng suất lao động, cũng như yếu tố giá cả sức lao động do tác động cung cầu của thị trường lao động trong việc phân tích, đánh giá tiền lương, thu nhập của người lao động trong việc xác định khoản đóng góp BHXH của cả chủ sử dụng lao động và người lao động. Và cũng từ góc độ xã hội, khi mọi sản phẩm tiêu dùng đã được tính toán đầy đủ tiền lương, thu nhập và các khoản đóng góp BHXH trước khi tính đến lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tạo ra một mặt bằng giá cả mới trong đó có giá cả hàng hóa tiêu dùng và giá cả sức lao động. Nếu hàng hóa được tiêu dùng, giá cả đó của hàng hóa được coi là hợp lý và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã được thực hiện. Vì vậy, khi tất cả chủ sử dụng lao động đều coi khoản chi phí đóng BHXH là khoản chi phí tất yếu, không thể trốn tránh được trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khoản chi phí ấy phải được xã hội thừa nhận thì ý thức tự giác tuân thủ pháp luật về BHXH của chủ sử dụng lao động sẽ trở thành một hành vi đương nhiên, cần thiết, thậm chí trở thành nếp sống, thành văn hóa kinh doanh của người Việt.
Trở lại sự cố Formosa về việc xả thải gây ra sự cố môi trường và chôn lấp rác thải trái quy định, đặc biệt gây thiệt hại lớn cho môi trường với một khoảng không gia rộng lớn ở biển miền Trung, thực tế cho thấy, Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển bền vững, không chấp nhận sự tăng trưởng thuần túy về kinh tế mà không đi đôi với bảo vệ môi trường. Một góc nhìn khác, ví dụ nhiều doanh nghiệp dệt may ở Mỹ phải phá sản bởi ở đó giá thành sản phẩm quá cao, mà chủ yếu là do khoản chi phí cao cho người lao động. Đây là những chi phí đầy đủ theo quy định của pháp luật cho yếu tố lao động trong quá trình sản xuất. Ở Việt Nam, sự nhìn nhận về sản phẩm cạnh tranh trên thị trường trong nước, thị trường thế giới do nguồn “nhân công rẻ” đã trở lên lỗi thời. Chúng ta đang tiếp cận, làm chủ và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trên thế giới; tiến hành giải quyết nhiều đến vấn đề về đổi mới cơ cấu kinh tế, đổi mới tổ chức quản lý nhằm mang lại hiệu quả cao cho nền kinh tế quốc dân; phát triển những sản phẩm do lợi thế về tự nhiên mang lại, có khả năng xuất khẩu sang các “thị trường khó tính” nhưng mang lại lợi nhuận cao; tích cực tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm mang tính toàn cầu nhằm phát huy lợi thế của các nguồn lực có sẵn trong nước, trong đó có nguồn lực con người; đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư, khuyến khích thành lập mới doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến việc đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật, chuyên môn cho người lao động để nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm... Như vậy, đã bỏ qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá để chuyển sang giai đoạn phát triển bền vững nhằm giữ gìn sự bền vững cả về môi trường sống tự nhiên lâu dài cho không chỉ thế hệ hiện tại mà còn cho cả nhiều thế hệ mai sau. Tương tự, cũng phải gìn giữ, bảo vệ giá trị sức lao động của mọi người lao động trong suốt cuộc đời sống và làm việc của họ.
Trong thực tế, khi doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động, đóng đúng, đóng đủ, đóng kịp thời theo quy định sẽ có ý nghĩa nhiều hơn đối với chủ sử dụng lao động vì sự yên tâm, tin tưởng của người lao động sẽ giúp chủ sử dụng lao động hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh, mang lại lợi nhuận bền vững, minh bạch hơn cho doanh nghiệp. Có thể việc đóng BHXH làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp đến mức doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, thậm chí là phá sản thì điều đó cũng là tất yếu của sự chọn lọc trong nền kinh tế thị trường. Điều đó đòi hỏi chủ sử dụng lao động phải có những suy tính khác hơn để duy trì và phát triển sản xuất, tìm kiếm lợi nhuận chứ không thể đưa ra lý do vì phải đóng đủ BHXH cho người lao động, làm tăng chi phí mà doanh nghiệp phải ngừng hoạt động. Mọi lý do trốn đóng BHXH của chủ sử dụng lao động đều không thể bao biện cho hành vi không tuân thủ pháp luật cũng như hành vi đối xử như vậy của họ đối với người lao động. Ngược lại, khi sự đồng thuận và tự giác tuân thủ pháp luật BHXH của mọi chủ sử dụng lao động và người lao động sẽ làm cơ sở cho tính minh bạch, tăng tính cạnh tranh, bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với người lao động, được tuyển dụng vào làm việc trong doanh nghiệp, có hợp đồng lao động và được tham gia BHXH điều đó một mặt được hiểu là hoạt động lao động của họ được công nhận là một bộ phận lao động xã hội, đã được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Với những quyền lợi của người lao động khi tham gia BHXH đã góp phần thu hút nguồn lao động vào nền sản xuất xã hội, giữ gìn và nâng cao thể lực cho người lao động trong suốt quá trình lao động, sản xuất. Mặt khác, với tâm lý của người Việt Nam, luôn tin tưởng vào các chế độ, chính sách của Nhà nước, vì vậy khi làm việc được tham gia BHXH và nhất là sau này sẽ được hưởng lương hưu đã tạo ra cho họ sự phấn khởi, tâm lý ổn định, an tâm vào việc làm mà họ đang thực hiện. Thực tế là nhiều doanh nghiệp, khi tuyên truyền quảng cáo tuyển dụng lao động, thì tiêu thức được tham gia BHXH cũng là một quyền lợi quan trọng thu hút được nhiều lao động. Sự an tâm của người lao động cũng như sự bảo vệ sức lao động của họ thông qua chính sách BHXH đã trở thành một chính sách thu hút nguồn lao động vào nền sản xuất xã hội, đảm bảo sự ổn định và thúc đẩy sản xuất phát triển.
Mọi người lao động có việc làm, thu nhập đều tham gia BHXH, được xã hội bảo vệ, khi đó đã đánh dấu về “tiêu chuẩn sống” hay “chuẩn mực sống mới” cho người lao động trong xã hội. Điều này có thể nhận thấy ở các quốc gia công nghiệp phát triển mà ở đó, mọi thành viên trong xã hội đều được sự bảo vệ của mạng lưới An sinh xã hội, đều được đảm bảo cơ sở sống tối thiểu để gìn giữ nhân cách con người, tôn trọng pháp luật. Vì vậy, khi xác định những chỉ số phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam cần đưa tỷ lệ người lao động có việc làm, có thu nhập được tham gia BHXH trên tổng số nguồn lao động xã hội là chỉ số đánh giá chất lượng sống của người lao động hay đánh giá mức độ An sinh xã hội ở mối quốc gia. Tuy nhiên, để đạt được tiêu chuẩn sống chung cho mọi người lao động như vậy, cần phải có nhận thức và chung tay phấn đấu của toàn xã hội. Đồng thời, cũng phải có bước đi phù hợp mà trước hết là ý thức tuân thủ bắt đầu từ khối doanh nghiệp, trong đó quan hệ lao động giữa chủ sử dụng lao động - người lao động làm nền tảng cho sự phát triển của thị trường lao động, của nền kinh tế quốc dân nói chung.
Dựa trên cơ sở pháp lý về quyền và nghĩa vụ BHXH của người lao động trong doanh nghiệp, người lao động có quyền yêu cầu chủ sử dụng lao động thực hiện đăng ký tham gia BHXH và tuân thủ các chế độ chính sách BHXH trong quá trình lao động theo các bước sau:
- Người lao động sau 03 tháng làm việc (kể từ ngày 01/01/2016) hoặc sau 01 tháng làm việc (kể từ ngày 01/01/2018) hoặc sau khi đã hoàn thành hợp động thử việc, nếu được làm việc tiếp, có quyền yêu cầu trực tiếp chủ sử dụng lao động đăng ký tham gia BHXH.
- Trường hợp sau khi đề nghị được tham gia BHXH và tiếp tục làm việc mà chủ sử dụng lao động vẫn chưa đăng ký tham gia BHXH, người lao động báo cáo lại với tổ chức công đoàn nơi làm việc. Tổ chức này sẽ vận động, đề nghị chủ sử dụng lao động tuân thủ pháp luật và tham gia BHXH cho người lao động.
- Trường hợp chủ sử dụng lao động vẫn không tuân thủ pháp luật về BHXH, tham gia đóng góp BHXH cho người lao động theo quy định, tổ chức công đoàn của doanh nghiệp sẽ tổng hợp, báo cáo với công đoàn ngành hoặc với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Trên cơ sở đó, công đoàn ngành hoặc công đoàn cấp trên trao đổi kịp thời thông tin với cơ quan BHXH tại quận huyện nơi đơn vị đăng ký để có biện pháp xử lý.
Bên cạnh đó, cần sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng có liên quan đóng trên địa bàn quản lý nhằm thực hiên đầy đủ quyền và nghĩa vụ BHXH cho người lao động.
Theo tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Kết quả chi trả các chế độ BHXH năm 2024
Phú Yên: Đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc về ...
Huyện Tuy An: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham ...
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...