Triển khai đồng bộ các giải pháp, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ

25/07/2022 09:02 AM


Từ nay đến cuối năm 2022, để hoàn thành mục tiêu đặt ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải phát triển thêm 1,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, 954 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và 5,2 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, giảm tỷ lệ nợ xuống còn 2,78%... Ðây là nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi toàn ngành phải quyết liệt triển khai các giải pháp tăng cường thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị tập huấn công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm y tế. (Ảnh MINH ÐỨC)

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến ngày 30/6/2022, cả nước đã có 16,821 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó: bảo hiểm xã hội bắt buộc là 15,498 triệu người, đạt 91,7% kế hoạch; bảo hiểm xã hội tự nguyện 1,323 triệu người, đạt 58,1% kế hoạch, đạt khoảng 34% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; 86,537 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt 94,3% kế hoạch và đạt tỷ lệ 87,4% dân số tham gia...

Đổi mới tư duy hành động

Tại hội nghị tập huấn công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2022 khu vực phía bắc được Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức ngày 19-20/7 tại Hải Phòng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số văn bản quy định mới liên quan công tác thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, như: Quyết định số 546/QÐ-TTg về việc giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế giai đoạn 2022-2025, Nghị quyết số 69/NQ-CP về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, Nghị định số 38/2022/NÐ-CP quy định mức lương tối thiểu,...

Trên cơ sở đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành văn bản thay thế, sửa đổi, bổ sung các quy định về công tác thu, quản lý tiền chậm đóng; xây dựng lộ trình phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố triển khai công tác thu, giảm nợ, phát triển đối tượng tham gia...

Bên cạnh kết quả đạt được, còn một số khó khăn, hạn chế, khi trong sáu tháng đầu năm, có tới 15 tỉnh, thành phố giảm số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc so tháng 12/2021; việc tổ chức thanh tra đột xuất các đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên đạt kết quả thấp; nhiều đại lý thu còn chậm trễ trong việc nộp hồ sơ, tiền đóng cho cơ quan Bảo hiểm xã hội dẫn đến người tham gia chậm có thẻ bảo hiểm y tế...

Với mục tiêu phấn đấu phát triển 1,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, 954 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; 5,2 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ nợ giảm còn 2,78%, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu các Giám đốc, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố phải thống nhất trong nhận thức, tư tưởng và hành động, đổi mới tư duy công tác vì nhiệm vụ chung để quán triệt, chỉ đạo cán bộ, viên chức tập trung, phối hợp các đơn vị liên quan để triển khai đúng hướng dẫn của bảo hiểm xã hội Việt Nam về công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... “Các tổ chức ủy quyền thu phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo hiểm xã hội triển khai thực hiện; củng cố, hoàn thiện mạng lưới, cơ sở vật chất để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu.

Quyết liệt, đồng bộ các giải pháp

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn trong việc mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Trưởng ban Quản lý thu-sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Dương Văn Hào đề nghị Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thu, phát triển người tham gia. Với nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, cần thường xuyên cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đơn vị, số lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc để xây dựng kế hoạch khai thác, phát triển. Tăng cường mở hội nghị tư vấn, đối thoại với đơn vị chưa đóng, chưa đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc cho người lao động.

Theo đó, quán triệt, thông tin đến đơn vị sau 10 ngày kể từ ngày tham dự hội nghị mà cố tình không tham gia thì sẽ tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng, hoặc kiến nghị cơ quan thẩm quyền thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, xử lý vi phạm, yêu cầu khắc phục hậu quả vi phạm... Về bảo hiểm xã hội tự nguyện, thực hiện rà soát, phân loại đối tượng tiềm năng chưa tham gia ở từng xã; tổ chức hội nghị khách hàng để tuyên truyền, vận động. Mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Tại Hội nghị, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn chi tiết, lưu ý một số vấn đề mới trong quá trình triển khai thực hiện quy chế quản lý hoạt động của tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (theo Quyết định số 1155/QÐ-BHXH) cho các địa phương và các tổ chức dịch vụ thu. Ðại diện các tổ chức dịch vụ thu phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam Chu Quang Hào khẳng định cam kết sẽ nỗ lực đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Triển khai quy chế mới về quản lý tổ chức dịch vụ thu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Hiện Bưu điện Việt Nam đã mở rộng hơn nữa các điểm thu tại địa bàn các xã trên cả nước. Cùng với việc tăng số tham gia mới, Bưu điện Việt Nam cũng sẽ chú trọng duy trì người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình một cách bền vững...

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, có 9 Bảo hiểm xã hội tỉnh có số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng so năm 2021. Một số tỉnh tăng nhiều, như: Thái Bình (tăng 5.716 người), Bắc Giang (tăng 4.996 người), Phú Thọ (tăng 2.388 người), Hà Nam (tăng 2.013 người)... Tuy nhiên, với việc điều chỉnh mức đóng tăng lên, khu vực phía bắc cũng ghi nhận 17 Bảo hiểm xã hội tỉnh giảm số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

 

Theo https://nhandan.vn/