Chủ quan không tham gia BHYT: Coi chừng thiệt đơn thiệt kép!

28/11/2022 08:55 AM


Dẫu rằng cuộc sống chẳng mấy ai nghĩ mình đau ốm nặng hay thậm chí bệnh ngặt nghèo phải nằm viện điều trị tốn kém nhiều chi phí tiền của. Thế nên, đôi khi dẫn tới tâm lý chủ quan của nhiều người rằng “bệnh đau gì mua bảo hiểm y tế (BHYT)”. Và để rồi khi điều không mong muốn ập tới, không ít người khốn đốn không kịp trở tay.

Xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu là một trong những vựa nuôi tôm hùm lớn nhất khu vực Miền Trung. Người dân nơi đây quanh năm bám biển mưu sinh nên ít nhiều mang khí chất vùng biển “ăn sóng, nói gió”, mạnh khỏe hơn thường. Cũng bởi vậy mà vùng miền này, nhiều thanh niên luôn tỏ ra lạc quan đến mức chủ quan về sức khỏe, chẳng quan tâm tham gia BHYT để phòng ngừa rủi ro khi lỡ trái gió trở trời.

Vì suy nghĩ còn trẻ không đau bệnh gì nên vợ chồng anh Nguyễn Văn Thành vẫn chưa tham gia BHYT

Gia đình anh Nguyễn Văn Thành, 38 tuổi ở thôn Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh có 4 nhân khẩu, hai đứa con đang tham gia BHYT bắt buộc tại trường, riêng vợ chồng anh vì nghĩ mình còn trẻ, khỏe nên sợ tốn kém mà không tham gia BHYT. Không được may mắn như vợ chồng anh Thành, em Đỗ P ở cùng thôn năm nay 25 tuổi đã tham gia BHYT trở lại từ sau lần nằm viện tốn kém chi phí. Chuyện là khi không còn được Nhà nước hỗ trợ BHYT từ năm 2021, vừa qua 6 tháng khi chưa kịp mua BHYT thì không may em P bị tai nạn giao thông và được chẩn đoán gãy xương vai phải nhập viện đa khoa tỉnh Bình Định để mổ cấp cứu. Chị Võ Thị S, mẹ em cho biết: Lúc con bị tai nạn nhập viện bác sỹ báo viện phí phải đóng 25 triệu và hỏi có thẻ BHYT không? Tôi vội gọi điện cho đứa em làm đại lý thu đề nghị mua liền thẻ BHYT cho cháu nhưng mới biết quy định thẻ BHYT khi đã quá hạn 3 tháng thì 30 ngày sau mới có giá trị sử dụng được. Và thế là gia đình phải chạy mượn anh em, hàng xóm mới đủ tiền lo viện phí cho con. Thấm thía từ sau lần con bệnh nặng không có thẻ BHYT, giờ đây gia đình chị có 4 người đều tham gia BHYT định kỳ hàng năm. Thế mới biết tham gia BHYT để phòng ngừa rủi ro khi không may bệnh tật kể cả với người trẻ “sức dài vai rộng”.

Còn nhớ hồi giữa năm 2022, gia đình anh Nguyễn Văn Đạt ở thôn Dân Phước, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu lâm vào cảnh điêu đứng, phải vay mượn khắp nơi và nhờ sự đùm bọc của hàng xóm, láng giềng mới gom đủ tiền chi trả viện phí cho em trai bị tai nạn giao thông với chi phí điều trị lên đến con số hàng trăm triệu đồng cũng vì lý do không có thẻ BHYT.

Chị Phạm Thị Nhi mong muốn chất lượng khám chữa bệnh từng bước được cải thiện để người dân an tâm tham gia BHYT

Dạo quanh chợ Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu chúng tôi biết được không những người trẻ nơi đây chưa tham gia BHYT mà kể cả những người trung niên, lớn tuổi, độ tuổi thường hay đau bệnh nhưng cũng không mặn mà tham gia BHYT. Bà Nguyễn Thị Hồng Lan, năm nay ngoài 50 tuổi làm nghề buôn bán ở chợ viện lý do rằng, không có tiền mua! Còn với chị Phạm Thị Nhi, bán hàng bên cạnh tâm sự rất thật lòng: Ai cũng muốn tham gia BHYT để phòng thân lỡ có bệnh tật nặng, nhưng rất mong bệnh viên thị xã Sông Cầu phục vụ tốt hơn với bệnh nhân. Còn với bà Nguyễn Thị Mão, 60 tuổi chỉ suy nghĩ đơn giản tham gia BHYT để có bệnh đau nằm viện cũng bớt tốn kém. Mua BHYT nhưng không mong bệnh đau gì, coi như tiền đó để Nhà nước lo lại cho những người bệnh nặng khác. Chính vì vậy mà gần 2 năm nay khi không còn được cấp thẻ BHYT miễn phí, gia đình bà Mão cả 3 người đều tham gia BHYT liên tục.

Trao đổi với bà  Huỳnh Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu cho biết: Tính đến thời điểm 31/10/2022, toàn xã Xuân Thịnh mới có 6.651 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 64,2% bao phủ y tế toàn dân, thấp nhất trong tổng số 9 xã, phường của thị xã Sông Cầu. Mặc dù thời gian qua chính quyền địa phương, các cấp hội đoàn thể ở địa phương luôn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT nhưng nhận thức của người dân còn rất hạn chế, đặc biệt là tâm lý bà con miền biển còn chủ quan, trông chờ sự hỗ trợ của nhà nước như trước đây, chưa có tâm lý lo sợ bệnh tật và chưa hiểu tính chia sẻ cộng đồng của chính sách BHYT của Đảng và Nhà nước “Người khỏe giúp người yếu”, “Người không bệnh giúp người có bệnh”. Hiện nay, để thúc đẩy việc người dân tham gia BHYT, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài và bền vững, UBND xã định kỳ vào thứ 6 hàng tuần, các thành viên Ban Chỉ đạo xã chia thành các tổ do đại diện các hội, đoàn thể làm trưởng đoàn phối hợp với trưởng thôn, chi hội đi đến từng nhà người dân để tuyên truyền, vận động tham gia BHYT.

Ốm đau, bệnh tật không chừa một ai, đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết lo xa, phòng bị bằng việc tham gia BHYT thì khi không may rủi ro bệnh tật ập đến cũng bớt đi phần nào gánh nặng chi phí cho gia đình. Hơn nữa, BHYT đâu chỉ cho mình mà còn chia sẻ cả cộng đồng.

Trần Đoàn