Bảo hiểm hưu trí - Trụ cột của An sinh xã hội lâu dài

27/04/2017 09:09 AM


Chế độ bảo hiểm hưu trí nói riêng và các chế độ BHXH nói chung gắn liền với các chính sách kinh tế-xã hội của đất nước suốt chặng đường hình thành và phát triển, từ khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Các quy định ban đầu hết sức sơ khai với một số chế độ hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản tiếp thu giản đơn từ thời Pháp thuộc, áp dụng chủ yếu đối với viên chức lưu dung và một số chức danh trong bộ máy chính quyền suốt quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp đến ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc.


Năm 1957 và  năm 1960 - cùng với cải cách chính sách tiền lương, các chế độ BHXH, trong đó có chế độ bảo hiểm hưu trí, đã được quy định đầy đủ, toàn diện hơn bằng các văn bản quy phạm dưới luật, áp dụng cho cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước, lực lượng vũ trang hưởng lương với mức đóng BHXH chỉ là 3,7% từ ngân sách nhà nước và đối với nhà máy, xí nghiệp, công, nông, lâm trường (thời kỳ đó chỉ có của Nhà nước) được hạch toán vào giá thành hoặc phí lưu thông. Từ năm 1985, mức đóng tăng lên 4,7%, trong đó có 1% dành cho bảo hiểm hưu trí. Quá trình hình thành, phát triển các chính sách kinh tế - xã hội, chính sách BHXH, trong đó có chế độ bảo hiểm hưu trí, cũng dần được hoàn thiện cả về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nội dung quy định cũng như hình thức văn bản quy phạm. Năm 1995, BHXH được điều chỉnh bằng Bộ luật Lao động, bao gồm các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất. 

Đến năm 2006, chương BHXH trong Bộ luật Lao động được tách ra thành Luật BHXH, trong đó quy định thêm chế độ BHTN và bảo hiểm hưu trí tự nguyện, nghĩa vụ tham gia BHXH không chỉ có người sử dụng lao động, ngân sách nhà nước mà còn gồm cả người lao động. 

Thực tế cho thấy, quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, tính chất, nguyên tắc đóng-hưởng, cân đối quỹ của mỗi chế độ BHXH ngắn hạn (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, nghề nghiệp, thất nghiệp - không bao gồm BHYT) và dài hạn (hưu trí, tử tuất) là hoàn toàn khác nhau; do đó, có những thay đổi, điều chỉnh, đưa nội dung quy định cụ thể BHTN vào Luật Việc làm; đưa bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vào Luật An toàn, vệ sinh lao động. Luật BHXH hiện hành thực chất chỉ còn điều chỉnh chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí và tử tuất. 

Tính đến năm 2017, tổng các khoản đóng BHXH bắt buộc (bao gồm cả BHYT) là 33%; trong đó, bảo hiểm ngắn hạn (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, nghề nghiệp, thất nghiệp, BHYT) là 12%, người lao động đóng 3%, người sử dụng lao động đóng 9%; bảo hiểm dài hạn (hưu trí, tử tuất) là 22%, người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 14%. 

Vậy bảo hiểm hưu trí là gì và quy định về mức đóng cụ thể như thế nào?

Đây là nội dung mà các cơ quan có thẩm quyền, các nhà khoa học, chuyên gia và những người hoạch định chính sách của Nhà nước đã xác định ngay từ đầu khi hình thành, quy định chế độ bảo hiểm hưu trí (tử tuất chỉ là chế độ chi trả của bảo hiểm hưu trí). Theo cách hiểu chung ở Việt Nam và thế giới, mục đích của bảo hiểm hưu trí là việc Nhà nước điều chỉnh bằng pháp luật tạo nguồn tài chính nhằm bảo đảm cuộc sống, nghỉ ngơi, được chăm lo sức khỏe cho người lao động tham gia bảo hiểm khi suy giảm khả năng lao động bởi tuổi tác, già yếu theo tâm, sinh lý lao động chung của đại đa số người lao động ở một quốc gia cụ thể, chứ không phải là tuổi của những người trong khu vực Nhà nước làm việc theo ngành, nghề, làm công việc nặng nhọc, độc hại, đến lúc nào đó không còn đủ sức khỏe bảo đảm được yêu cầu công việc của mình đang làm; hoặc tuổi do sinh sống, làm việc ở khu vực, địa bàn xa xôi, hẻo lánh, cơ sở hạ tầng thấp kém; hoặc tuổi hạn chế bởi chế độ thăng quân hàm trong lực lượng vũ trang. Tuổi suy giảm khả năng lao động (tuổi nghỉ hưu) chính là “trần trên” của độ tuổi lao động, là giới hạn giữa quyền, nghĩa vụ của người lao động theo Hiến pháp và pháp luật lao động và để tránh nhầm lẫn, tranh chấp, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn gọi đây là bảo hiểm tuổi già. 

Xét về mục đích, tính chất, các chế độ bảo hiểm ngắn hạn hoàn toàn mang tính chia sẻ, số đông cho số ít, chỉ cân đối quỹ trong thời hạn một vài năm, thôi đóng thì không được hưởng. Còn bảo hiểm hưu trí là chế độ đóng cho chính mình trong nhiều năm, đã đóng là được hưởng dù có ngừng hoặc thôi đóng, cân đối dài hạn và có tính chia sẻ không nhiều. Cũng vì tính chất quan trọng, khác biệt và mục đích An sinh xã hội lâu dài của bảo hiểm hưu trí mà pháp luật BHXH quy định bảo hiểm hưu trí có tỷ lệ đóng cao nhất, chiếm đến 2/3 tổng số tiền đóng BHXH hiện nay, trong đó người sử dụng lao động, ngân sách nhà nước phải đóng đến 14% trong tổng số 22% tiền lương của người lao động, của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, lực lượng vũ trang cho quỹ bảo hiểm hưu trí.

Thực tế Luật BHXH đang quy định chế độ bảo hiểm hưu trí ra sao?

Từ tư duy bảo hiểm hưu trí là chế độ phúc lợi xã hội của thời kì kế hoạch hóa tập trung, bao cấp do ngân sách nhà nước chi trả, cho nên qua nhiều năm quy định, đến Luật BHXH năm 2014, điều kiện hưởng lương hưu vẫn không có gì thay đổi lớn: người làm công-hưởng lương trong điều kiện bình thường, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu nếu nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì được hưởng lương hưu nếu nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi, hoặc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò thì được hưởng lương hưu nếu người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi. Đối với lực lượng vũ trang điều kiện về tuổi nghỉ hưu còn rút ngắn hơn nữa, đặc biệt trong giới hạn bởi việc thăng quân hàm theo quy định của Luật Sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân, Luật Cơ yếu.

Thực tế là, người lao động không còn đủ sức khỏe để bảo đảm được yêu cầu công việc của mình đang làm chứ không phải đã suy giảm khả năng lao động bởi tuổi tác, già yếu theo tâm, sinh lý lao động chung của đại đa số người lao động. Cũng như phụ cấp khu vực là khoản phụ cấp lương chủ yếu nhằm bù đắp cho người lao động sống, làm việc ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều khó khăn, có điều kiện hạ tầng cơ sở, phúc lợi xã hội thấp kém, thiệt thòi hơn so với các địa bàn khác, chứ không phải do ảnh hưởng đến sức khỏe, tuổi thọ, không đảm nhận được công việc mà người lao động phải về hưu sớm. Với chế độ quy định hiện hành, tuổi bình quân về nghỉ hưu của người lao động chỉ khoảng 54 tuổi, nhiều người phải nghỉ hưu ở độ tuổi 40, sức khỏe còn tốt hơn lao động xã hội nói chung, có kiến thức, kinh nghiệm, có thể tiếp tục làm việc hiệu quả nhưng lại phải về hưu sớm. Đây là vấn đề lớn kéo dài nhiều năm trong quy định chế độ bảo hiểm hưu trí đối với lao động trực tiếp sản xuất ở một số ngành, nghề, công việc, tạo thành thói quen không dễ gì thay đổi. Nhìn nhận toàn diện hơn, rõ ràng việc quy định điều kiện nghỉ hưu như hiện nay là không công bằng, nhiều ngành, nghề, công việc trong các đơn vị sự nghiệp, trong các bộ môn nghệ thuật, thể thao chuyên nghiệp ngày một phát triển, nhiều nghệ sĩ, vận động viên chuyên nghiệp, tuổi nghề của họ rất ngắn, tại sao không cho họ được quyền nghỉ hưu như các trường hợp làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành. Và tại sao điều kiện rút ngắn tuổi nghỉ hưu lại chỉ áp dụng đối với bảo hiểm hưu trí bắt buộc, không quy định đối với bảo hiểm hưu trí tự nguyện trong khi họ cũng là những người lao động sản xuất ra của cải, vật chất cho xã hội. Cũng chính việc quy định điều kiện rút ngắn tuổi nghỉ hưu theo công việc, ngành, nghề, địa bàn mà kéo dài thời gian hưởng lương hưu không có nguồn cân đối, bù đắp đã góp phần làm mất cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí. Đây là hậu quả của việc xa rời mục tiêu, nguyên tắc hình thành chế độ bảo hiểm hưu trí.    

Về việc chưa đủ điều kiện nhưng muốn nhận bảo hiểm  hưu trí một lần:

Trong quá trình thực hiện Luật BHXH, có một bộ phận công nhân, người lao động và tổ chức công đoàn đòi hỏi phải được nhận BHXH một lần để giải quyết đời sống khó khăn, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng trước mắt hoặc để có một số vốn trở về quê tăng gia, sản xuất với lập luận chỉ có vài năm đóng BHXH mà hàng chục năm sau mới được nhận thì lâu quá, không biết có sống được đến ngày đó để nhận bảo hiểm hay không; có giữ và nhớ sao được Sổ BHXH, ai sẽ quản lý, thông báo, chi trả và lĩnh tiền hưu trí ở đâu,…. Việc đòi hỏi đó đúng hay sai đặt ra với nhiều tổ chức, cá nhân có trách nhiệm. Vậy cần nhận thức ra sao về vấn đề này.

Thứ nhất, cần khẳng định rõ, đây chỉ có thể là đòi trả bảo hiểm hưu trí một lần chứ không thể trả BHXH một lần, bởi vì BHXH gồm các chế độ ốm đau, thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí, tử tuất. Không thể trả các chế độ bảo hiểm kể trên một lần. 

Thứ hai, mỗi một chế độ BHXH đều có một mục tiêu, ý nghĩa khác nhau. Không vì mục tiêu chăm lo cho tuổi già, không vì mục đích An sinh xã hội lâu dài thì không thể có chế độ bảo hiểm hưu trí (tuổi già) và không thể có cơ sở để pháp luật nhà nước bắt buộc người sử dụng lao động phải đóng đến 14% trong tổng số 22% quỹ bảo hiểm hưu trí của người lao động. Người lao động chưa đủ điều kiện về tuổi mà đòi lấy bảo hiểm hưu trí một lần, có khác nào không ốm đau, thai sản, không tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp lại đòi được trả bảo hiểm ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.  

Bảo hiểm hưu trí là một chế độ An sinh xã hội dài hạn, rất quan trọng nhưng cũng rất phức tạp, không chỉ liên quan đến hiện tại mà còn liên quan đến cả thời gian quá khứ và tương lai của nhiều người lao động có quá trình đóng góp và cống hiến khác nhau. Mọi sửa đổi đều ảnh hưởng đến hàng chục năm sau chứ không phải chỉ một vài năm trước mắt. Chế độ bảo hiểm hưu trí là vấn đề phức tạp nhất trong hệ thống chế độ, chính sách BHXH và yêu cầu pháp luật đúng tuyệt đối là điều không tưởng, tuy nhiên để các nội dung quy định về chế độ bảo hiểm hưu trí được phù hợp, ổn định lâu dài, một trong những vấn đề quan trọng bậc nhất là thống nhất nhận thức, hiểu biết sâu sắc về quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, tính chất, nguyên tắc của từng chế độ BHXH, trong đó có bảo hiểm hưu trí, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn trong và ngoài nước để kiên định hoạch định và thể chế hóa chế độ bảo hiểm hưu trí một cách có căn cứ khoa học, thực tiễn và thuyết phục, bảo đảm thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp./.

 

Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/