Có công đoàn, doanh nghiệp phát triển tốt hơn

14/04/2017 07:11 AM



Công đoàn là nơi giải quyết những khúc mắc của NLĐ với doanh nghiệp. Trong ảnh: Công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Xây dựng và quảng cáo Phương Tuấn - Ảnh: NGỌC HÂN

Nhờ đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên và hoạt động khá hiệu quả nên vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở (CĐCS) trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang dần được khẳng định. Qua đó góp phần cân đối lợi ích của người sử dụng lao động và người lao động, tạo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong công ty, doanh nghiệp…

Bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động

Theo đánh giá của các cán bộ công đoàn tham gia công tác vận động, tuyên truyền thành lập CĐCS trong doanh nghiệp, hiện vẫn còn tình trạng chủ do­anh nghiệp thờ ơ hoặc ngần ngại trong việc thành lập CĐCS ở đơn vị mình; có chủ doanh nghiệp cho rằng hoạt động của công đoàn gây tốn kém thời gian, nhân lực, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, vẫn còn số ít anh chị em công nhân không mặn mà với việc tham gia công đoàn vì họ nghĩ rằng điều này chỉ mất thời gian và phải đóng đoàn phí, trong khi quyền lợi thì hầu như không có. Tuy nhiên, nếu CĐCS phát huy tối đa vai trò và năng lực của mình thì những lợi ích mang lại vô cùng lớn cho cả doanh nghiệp cũng như người lao động.

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng Long Vina (Khu công nghiệp Hòa Hiệp) hiện có 2 xưởng sản xuất phân bón với 50 dòng sản phẩm khác khau, có trên 100 công nhân lao động. Hiện công ty tham gia đóng BHXH, BHYT cho gần 80 công nhân, người lao động trong đơn vị với số tiền gần 100 triệu đồng/tháng. Theo Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng Long Vina Đặng Ngọc Cường, để bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, Ban chấp hành CĐCS luôn tham gia giám sát doanh nghiệp trong việc ký kết hợp đồng lao động, chủ động phối hợp cùng doanh nghiệp xây dựng thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, đôn đốc doanh nghiệp mua BHXH, BHYT cho người lao động… “Bên cạnh đó, công đoàn là nơi giải quyết những khúc mắc của người lao động với doanh nghiệp, tham gia ý kiến trong việc tổ chức bữa ăn ca cho công nhân, góp ý kiến với doanh nghiệp về môi trường làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động; đề nghị doanh nghiệp kiểm tra lại hệ thống thông gió, chống nóng, hạn chế tiếng ồn và trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động theo đúng công việc cho công nhân”, ông Cường cho biết.

Tại Công ty CP Vật liệu xây dựng Phú Yên (Khu công nghiệp An Phú), 100% lao động tham gia sản xuất đều được công ty đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, công nhân có mức thu nhập ổn định bình quân 5-7 triệu đồng/tháng. Ông Phan Văn Nhơn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vật liệu xây dựng Phú Yên, đánh giá: “Vai trò của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp rất quan trọng. Ban chấp hành công đoàn cơ sở đã phối hợp tốt với lãnh đạo doanh nghiệp xem xét nâng lương, nâng định mức khoán sản phẩm, xét khen thưởng kịp thời cho người lao động, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần để tạo niềm tin và sự gắn bó giữa công nhân lao động với doanh nghiệp”. Còn công nhân Phan Hữu Trọng vui vẻ nói: “Công ty thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách nên bản thân tôi cùng nhiều nhân viên, công nhân khác cảm thấy rất yên tâm trong công việc và muốn cống hiến, gắn bó lâu dài. Chỉ mong sao công ty ngày càng lớn mạnh, ngày càng cho ra đời nhiều sản phẩm, tạo được công ăn việc làm ổn định và thu nhập cao hơn cho người lao động là mừng rồi”.

Góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh

Bên cạnh chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, CĐCS còn góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. “Khi chúng tôi phải thay đổi cơ cấu hoặc cải tiến công nghệ, chính CĐCS đã giúp sắp xếp lao động một cách hợp lý để phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực lao động, chấm dứt hợp đồng lao động đối với những trường hợp không đáp ứng được yêu cầu phát triển của doanh nghiệp. Nếu có tranh chấp xảy ra như đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, đình công…, chính CĐCS sẽ cùng doanh nghiệp tổ chức đối thoại nhằm dung hòa lợi ích của người lao động với người sử dụng lao động trên tư cách là một chủ thể độc lập, trung gian giải quyết tranh chấp lao động”, ông Nguyễn Xuân Lộc, Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH Công nghiệp Semco, khẳng định.

Theo ông Tô Văn Khải, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Phú Yên, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ CĐCS ở các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã phát huy tốt vai trò của mình. Nhờ đó, quyền và lợi ích chính đáng của người lao động được chăm lo, bảo vệ; phong trào sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chưa nhận thức một cách đầy đủ, đúng đắn về vai trò của CĐCS, do đó không mặn mà trong việc tạo điều kiện để công đoàn hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ. “Đã có trường hợp do thiếu tổ chức CĐCS, hoặc có nhưng bị xem nhẹ, nhiều do­anh nghiệp đã miễn cưỡng giải quyết tranh chấp như phải nhận người lao động trở lại làm việc (trong trường hợp bị thua kiện). Nghiêm trọng hơn là có những tranh chấp, lôi kéo thêm nhiều người khác tham gia đã gây ra thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp. Để khắc phục điều này, chúng tôi vừa làm công tác vận động lãnh đạo công ty vừa tra­nh thủ sự đồng tình ủng hộ của công nhân lao động để phát triển đoàn viên. Năm 2017 này được chọn là “Năm vì lợi ích đoàn viên công đoàn”, vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động thiết thực để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động và giúp các doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật”, ông Khải nhấn mạnh.  

Theo baophuyen.com.vn