Rút bảo hiểm xã hội một lần, người lao động mất nhiều quyền lợi
17/04/2023 03:12 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hiện nay, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, một bộ phận người lao động thất nghiệp lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần để có khoản chi tiêu, trang trải cuộc sống trước mắt. Thực trạng đáng lo ngại này ảnh hưởng lớn về quyền an sinh xã hội của người lao động sau này.
Người lao động có thể đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp để bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội. (Ảnh: NHẬT QUANG)
Hiện nay, với tình trạng nhiều lao động mất việc sau đại dịch, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn khiến một số người lao động thất nghiệp lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần để có khoản chi tiêu, trang trải cuộc sống.
Đồng thời, một số lao động vì lợi ích trước mắt, muốn rút bảo hiểm xã hội một lần để có được một khoản “tiền mặt” đáng kể.
Với nhiều người, số tiền rút bảo hiểm xã hội một lần có thể “ra tấm, ra món” nhưng rồi cũng chỉ đủ trang trải trong vài tháng ngắn ngủi. Và sau đó, họ lại tiếp tục nỗi lo mưu sinh cho tuổi già.
Thực trạng này rất đáng lo ngại, không chỉ gây thiệt thòi lớn về quyền lợi của người lao động mà còn tạo hệ lụy cho hệ thống an sinh xã hội quốc gia khi dân số nước ta đang chuẩn bị bước vào giai đoạn già hóa.
Khi lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, các quyền lợi của người lao động khi về già sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu. Cụ thể như:
Thứ nhất, người lao động không còn trong hệ thống bảo hiểm xã hội được Nhà nước bảo hộ, mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng.
Đây là nguồn thu nhập ổn định, hữu ích khi người lao động hết tuổi lao động. Khi người tham gia bảo hiểm xã hội về già và đã hưởng lương hưu, mức lương hưu sẽ được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế.
Chỉ tính riêng từ năm 2003 đến nay, Nhà nước đã điều chỉnh tăng lương hưu 17 lần, với mức tăng từ khoảng 7,5% đến 9,3% cho mỗi lần điều chỉnh, tùy theo nhóm đối tượng.
Thứ hai, người lao động mất đi cơ hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già. Đây cũng là độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe nhất của mỗi người.
Thứ ba, thân nhân của người lao động không được hưởng chế độ tử tuất khi không may họ qua đời.
Nếu lĩnh bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội sau năm 2014.
Nguyên nhân là nếu người đang hưởng lương hưu không may qua đời, người lo mai táng sẽ được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người hưởng lương hưu qua đời. Thân nhân của người lao động được hưởng trợ cấp tử tuất hằng tháng hoặc một lần.
Thứ tư, số tiền người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần thiệt hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Theo quy định hiện hành, tổng mức đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội hằng năm bằng 2,64 tháng lương.
Nếu người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần, mức hưởng mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Như vậy, nếu lĩnh bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội sau năm 2014.
Thứ năm, khi không rút bảo hiểm xã hội một lần, khoản tiền đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội là “của để dành” quý giá của người lao động. Số tiền này không mất đi mà ngược lại vẫn được cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý và đầu tư tăng trưởng.
Nên bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội
Trong trường hợp gặp những khó khăn trước mắt (do mất việc làm, giảm thu nhập), người lao động hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Khi có điều kiện, người lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để có thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội khi hết tuổi lao động.
Cũng cần nói thêm, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đều được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, với các mức hỗ trợ 10%, 25%, 30% tính trên chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn với 3 nhóm đối tượng khác nhau.
Ngoài ra, trong giai đoạn bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, nếu không may người lao động qua đời, gia đình được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở.
Thân nhân tùy theo điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng (tối đa 4 người) đến khi trưởng thành (nếu là con), hoặc hưởng đến khi qua đời (nếu là vợ, chồng hoặc cha, mẹ đã hết tuổi lao động và không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng thấp hơn mức lương cơ sở).
Trường hợp nhận trợ cấp tuất một lần thì mức trợ cấp được tính như bảo hiểm xã hội một lần.
Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XV vào tháng 10 năm 2023, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đưa ra đề xuất mới về quy định với bảo hiểm xã hội một lần.
Theo đó, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này đã bổ sung nhiều quy định nhằm mở rộng, gia tăng lợi ích cho người lao động để họ có thêm cơ hội để được hưởng lương hưu.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định nhằm khuyến khích người lao động lựa chọn tham gia, hoặc bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng.
Một là, người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ có thêm lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng bằng mức trợ cấp xã hội.
Hai là, người hưởng trợ cấp hằng tháng được hưởng bảo hiểm y tế, kinh phí do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Đối với quy định về bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo đưa ra 2 phương án.
Phương án 1 (giữ nguyên quy định hiện hành của Luật và Nghị quyết 93/2015/QH13) là: "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm".
Phương án 2 quy định thay đổi theo hướng vẫn cho phép người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần để trước mắt đáp ứng nhu cầu của bản thân, gia đình song vẫn bảo lưu phần còn lại để có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Cụ thể, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu, ghi nhận trên sổ bảo hiểm xã hội để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Dù quy định phương án, mục tiêu cuối cùng cũng là khuyến khích người lao động ở lại hệ thống để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại bất lợi khi họ hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Cách hữu hiệu nhất để có tuổi già an yên, không phụ thuộc vào con cháu là có nguồn tài chính ổn định qua lương hưu hằng tháng khi về già và được cấp thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe trong suốt thời gian hưởng lương hưu.
Trong thực tế, đã có rất nhiều trường hợp khi đã nhận bảo hiểm xã hội một lần muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia bảo hiểm xã hội cho đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhưng pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa quy định về trường hợp này.
Vì vậy, người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Cách hữu hiệu nhất để có tuổi già an yên, không phụ thuộc vào con cháu là có nguồn tài chính ổn định qua lương hưu hằng tháng khi về già và được cấp thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe trong suốt thời gian hưởng lương hưu.
Trong thời điểm này, nếu không may bị thất nghiệp, người lao động nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề để vượt qua khó khăn với các quyền lợi hưởng như: Được hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc 5 lần mức lương tối thiểu vùng; được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế khi không may ốm đau; được hỗ trợ học nghề (tối đa 1 triệu đồng/người/tháng); được hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Qua đợt khó khăn, người lao động có cơ hội trở lại thị trường lao động, tiếp tục được đóng bảo hiểm xã hội để cộng nối thời gian tính hưởng lương hưu sau này.
Nếu vẫn chưa thể đóng tiếp bảo hiểm xã hội, người lao động có quyền bảo lưu và sau đó đóng tiếp bằng cách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ điều kiện nhận lương hưu.
Thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trong 5 năm qua, bình quân hơn 800 nghìn người rút bảo hiểm một lần mỗi năm.
Riêng năm 2022, cơ quan này đã giải quyết hơn 1,1 triệu người hưởng trợ cấp một lần, trong đó khoảng 895 nghìn người nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Trong giai đoạn 2016-2021, toàn quốc có hơn 4 triệu người được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Số liệu này chưa tính số người lao động do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an giải quyết.
Trong 5 năm qua, bình quân hơn 800 nghìn người rút bảo hiểm một lần mỗi năm.
Hà Dung
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình