BH thất nghiệp: Công cụ quản trị thị trường lao động
14/04/2023 08:56 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chính sách BH thất nghiệp sẽ không chỉ là chính sách chi trả cho NLĐ mà ngày càng trở thành công cụ quản trị thị trường lao động; giúp sự phối hợp hiệu quả các chính sách, nguồn lực để kiểm soát tình trạng thất nghiệp.
Thông tin về tình hình lao động hưởng BH thất nghiệp, ông Ngô Xuân Liễu- Giám đốc TT Dịch vụ quốc gia về việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Quý 1/2023, số lao động hưởng trợ cấp thấp nghiệp khoảng 146.000 hồ sơ. Số NLĐ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp cao là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến DN thiếu đơn hàng, nguyên liệu sản xuất dẫn đến giãn việc, cắt giảm lao động; công ty giải thể. NLĐ cảm thấy công việc không còn phù hợp; khi NLĐ hết hạn hợp đồng không được DN ký lại.
Theo ông Liễu, số người nộp hồ sơ hưởng BH thất nghiệp phản ánh hết sức khách quan tình hình của thị trường lao động. Tín hiệu này cho thấy “sức khỏe” của DN đang gặp vấn đề và cơ quan chức năng cần tiến hành các giải pháp, chính sách chủ động để giúp DN đối đầu với những cú sốc lớn. Bởi các ngành thâm dụng lao động, sản xuất các mặt hàng xuất khẩu đã và đang bị ảnh hưởng từ Quý 4/2022 đến nay và dự kiến tiếp tục chịu tác động không mong muốn đến quý 2 này. Bản thân các doanh nghiệp bị ảnh hưởng cũng đã hết sức nỗ lực, cố gắng trong việc tìm kiếm đơn hàng, thị trường mới. Do đó, để thích ứng với tình hình trong từng giai đoạn cụ thể, việc doanh nghiệp phải cơ cấu lại lực lượng lao động là vấn đề hết sức bình thường, đặc biệt ở một số ngành liên quan đến xuất khẩu. Vì vậy, số lượng NLĐ nộp hồ sơ hưởng BH thất nghiệp có thể tăng trong đầu năm 2023, song yếu tố này cũng không đáng lo ngại và cũng không phải điều bất ngờ.
Theo Tổng cục Thống kê, báo cáo nhanh của các địa phương nêu Quý 1/2023, các địa phương có hiện tượng giãn việc, nghỉ việc nhiều là Thanh Hóa (62.400 người), Bình Dương (khoảng 36.400 người), TP.HCM (khoảng 19.800 người), Bắc Giang (16.000 người)… Tính chung Quý I/20213, tổng số lao động bị mất việc là gần 149.000 người. Trong đó, 55,2% lao động bị mất việc thuộc các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Đồng Nai (khoảng 32.600 người), Bình Dương (khoảng 21.700 người), Bắc Ninh (khoảng 14.000 người), Bắc Giang (khoảng 7.700 người). “Như vậy, hoạt động tuyển dụng lao động đã bị ảnh hưởng, chúng ta cần có những chính sách “nóng” để thị trường lao động ổn định, tránh tình trạng sa thải, thiếu việc làm lan rộng”- ông Liễu cho hay.
Từ thực tế thị trường lao động đã cho thấy, các chế độ BH thất nghiệp hiện còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp. Do đó, với tinh thần quản trị rủi ro nhằm chủ động, phòng ngừa, hạn chế thất nghiệp, Việt Nam cần sớm hoàn thiện chính sách để BH thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động. Hiện, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) theo 4 nhóm chính sách: Phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, thống nhất, có sự quản lý, kiểm soát, điều tiết của Nhà nước; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp hướng tới là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Việc bổ sung, sửa đổi Luật Việc làm theo 4 nhóm chính sách trên hầu như đều có tác động đến việc phòng ngừa thất nghiệp, vì một thị trường lao động mà cung- cầu lao động gặp nhau là yếu tố then chốt của một thị trường lao động cạnh tranh hoàn hảo. NLĐ, người SDLĐ có đầy đủ thông tin về thị trường lao động sẽ dễ dàng kết nối với nhau. Sự kết nối này không những giúp cho thị trường lao động vận hành tốt, mà còn hỗ trợ cho chính sách đào tạo và kích thích nhu cầu học nghề và học chuyên môn phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đương nhiên, quỹ BH thất nghiệp, hỗ trợ cho NLĐ khoản thay thế thu nhập khi họ bị mất việc làm vẫn là điều cơ bản trong chính sách, nhưng khi quỹ BH thất nghiệp chú ý tới các biện pháp chủ động phòng ngừa thất nghiệp cho NLĐ (bằng cách giúp kết nối cung- cầu lao động, tạo ra việc làm đầy đủ; tập trung phát triển lao động có kỹ năng cao, hỗ trợ DN đào tạo lại do yêu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; tạo ra sự liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để xác định đúng nhu cầu doanh nghiệp, đến chất lượng đào tạo), thì đó cách bảo đảm quyền lợi chính đáng của NLĐ, người SDLĐ hiệu quả nhất. Thực chất, đó cũng là các mục tiêu của một thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập mà chúng ta đang xây dựng, phát triển.
Vì thế, chính sách BH thất nghiệp hướng đến phòng ngừa thất nghiệp luôn gắn chặt với chính sách phát triển thị trường lao động. Khi nói để BH thất nghiệp trở thành công cụ quản trị thị trường lao động cũng hàm ý hướng tác động của Quỹ BH thất nghiệp, giúp thị trường lao động hoàn thiện hơn, quan hệ cung- cầu lao động tốt hơn, chất lượng việc làm, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được hoàn thiện, nâng cao hơn. Sửa đổi Luật Việc làm với 4 nhóm vấn đề trên sẽ phát huy đầy đủ các chức năng của BH thất nghiệp, bảo đảm BH thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động.
Nguyệt Hà
https://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình