Lương hưu ở Việt Nam cao hay thấp?
08/10/2024 11:02 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nếu so sánh bình quân lương hưu của người nghỉ hưu với thu nhập bình quân của người lao động thì lương hưu tại Việt Nam không thấp.
Chia sẻ về quá trình xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi năm 2024, ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: "Trong quá trình làm luật BHXH, có ý kiến cho rằng lương hưu của Việt Nam thấp".
Tuy nhiên, theo ông Giang, nếu nói lương hưu thấp hay cao là phải có mốc so sánh.
Ông Phạm Trường Giang thông tin: "Thông lệ quốc tế, lương hưu thường so sánh với thu nhập bình quân đầu người. Như ở Việt Nam, lương hưu bình quân từ quỹ hưu trí là khoảng 6,2 triệu đồng. Thu nhập bình quân ở khu vực làm công hưởng lương hiện nay là khoảng 7,5 triệu đồng. Như vậy, lương hưu bình quân của chúng ta bằng khoảng 75%-80% thu nhập đầu người".
"Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước phổ biến chỉ khoảng 25%-30%. Cho nên, không thể nói lương hưu của chúng ta thấp mà thậm chí là ở mức cao", ông Giang nhận định.
Tỷ lệ lương hưu trung bình so với thu nhập bình quân của Việt Nam là khá cao (Ảnh minh họa: BHXH Việt Nam).
Theo ông Giang, những ý kiến cho rằng lương hưu thấp là nói đến lương hưu của một số người nghỉ hưu trước thời điểm năm 1995. Bởi vì trước 1995 có rất nhiều người lao động nghỉ hưu từ độ tuổi 40.
Ông Giang lấy ví dụ: "Như ông ngoại tôi năm nay 98 tuổi, đến nay đã hưởng lương hưu hơn 50 năm. Ông nghỉ hưu từ khi 46 tuổi. Nghỉ hưu sớm từ hơn 40 tuổi, trình độ đi làm thời điểm đó là trung cấp thì làm sao so sánh được với lao động hiện nay đóng BHXH 30-40 năm, trình độ đại học?".
Chính vì vậy, trong các đợt điều chỉnh lương hưu, nhóm lao động nghỉ hưu trước năm 1995 đều được điều chỉnh tăng cao hơn.
Lần gần nhất là đợt tăng lương hưu từ ngày 1/7/2024 theo Nghị định 75/2024/NĐ-CP, lương hưu được điều chỉnh tăng thêm 15%. Riêng nhóm lao động nghỉ hưu trước năm 1995, sau khi tăng 15% mà mức hưởng thấp hơn 3.500.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm một lần nữa.
Cụ thể, tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 3.200.000 đồng/người/tháng; tăng lên bằng 3.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3.200.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.500.000 đồng/người/tháng.
Điều 67 Luật BHXH năm 2024 cũng quy định điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ BHXH.
Riêng nhóm lao động tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 còn tiếp tục được điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đáng, bảo đảm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
Ông Phạm Trường Giang cho biết thêm: "Trong quá trình làm luật, có ý kiến đặt vấn đề tại sao không cho hưởng tỷ lệ lương hưu cao hơn, ở mức 80%-90% mà lại quy định tối đa là 75%?".
"Chúng tôi làm chính sách, nếu mà có tiền, chúng tôi mong muốn chúng ta được hưởng tối đa là 100%. Nhưng chúng ta phải hình dung, hưu trí ở đâu? Có phải từ trên trời rơi xuống không? Quỹ hưu trí là tất cả chúng ta cùng đóng vào để chi trả", ông Giang nhấn mạnh.
Ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH (Ảnh: Tùng Nguyên).
Theo ông Giang, cơ quan soạn thảo Luật BHXH đã tính toán, thế hệ trước bình quân 1 phụ nữ sinh 6 con. Hiện nay thì bình quân 1 phụ nữ sinh 2 con, tương lai còn có thể thấp hơn. Như ở TPHCM, bình quân 1 phụ nữ sinh dưới 2 con, đang khuyến khích sinh con nhưng không sinh được, tỷ lệ sinh thay thế đang giảm.
"Như vậy, tỷ lệ sinh tương lai chỉ bằng 1/3 so với trước đây. Nói cách khác, để cân đối quỹ hưu trí, con cháu chúng ta phải đóng gấp 3 lần chúng ta nếu không muốn giảm tỷ lệ hưởng lương hưu", ông Giang cho biết.
Theo ông Phạm Trường Giang, để cân đối, mức hưởng lương hưu tối đa trong Luật BHXH năm 2024 vẫn được giữ nguyên là 75% bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH như Luật BHXH năm 2014.
"Chúng tôi làm chính sách là phải cân đối cả trước mắt và lâu dài, hiện tại và tương lai, không muốn gia tăng gánh nặng cho con cháu chúng ta thì chúng ta phải chia sẻ", ông Giang cho biết.
Theo https://dantri.com.vn
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình