Tham gia bảo hiểm y tế không nên để gián đoạn

24/08/2023 10:54 AM


Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách xã hội mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn và chia sẻ cộng đồng, được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm với nhiều giải pháp hỗ trợ và vận động người dân tham gia hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân. Thực hiện chính sách BHYT góp phần chia sẻ nguy cơ bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người, mỗi gia đình khi không may bị ốm đau phải khám chữa bệnh, tạo nguồn tài chính hỗ trợ cho hoạt động y tế, thực hiện công bằng trong bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Hiện nay, nhà nước ta đã hỗ trợ hoàn toàn mức đóng BHYT cho rất nhiều đối tượng, như: Người thuộc hộ gia đình nghèo, bảo trợ xã hội, người trên 80 tuổi… Hỗ trợ một phần mức đóng cho Người thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình, học sinh,sinh viên.

Tuy nhiên, thực tế có nhiều người chưa hiểu đầy đủ giá trị chia sẻ rủi ro và tính cộng đồng của chính sách BHYT; không ít trường hợp người tham gia BHYT theo hộ gia đình khi phát hiện mình có bệnh cần điều trị mới tham gia BHYT; thậm chí sau khi điều trị xong khỏi bệnh lại dừng đóng, không tiếp tục tham gia. Đặc biệt, nhiều trường hợp nữ chỉ tham gia BHYT để được hưởng chế độ khi nằm viện thai sản rồi dừng đóng cho đến khi gần kỳ thai sản tiếp theo lại tham gia.

Trước hết, chúng ta cần hiểu chính sách BHYT là chia sẻ rủi ro, mang tính cộng đồng, người khỏe giúp người ốm, người may mắn không bệnh giúp người có bệnh. Vì vậy, việc chủ động và tự giác tham gia BHYT vừa thể hiện trách nhiệm với cộng đồng vừa bảo vệ và phòng ngừa rủi ro cho bản thân và gia đình. Người tham gia cần tiết kiệm chi phí để tham gia liên tục không nên để thẻ BHYT bị gián đoạn.

Khi tham gia BHYT không liên tục, đối với người tham gia BHYT theo hộ gia đình sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi, cụ thể như sau:

Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật BHYT, người tham gia BHYT theo hộ gia đình tham gia BHYT lần đầu và tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên trong năm tài chính thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày, kể từ ngày đóng BHYT. Điều này có nghĩa, trường hợp người tham gia phát hiện có bệnh hoặc bị rủi ro không mong muốn phải chờ sau 30 ngày mới được khám chữa bệnh bằng BHYT.

Đồng thời, theo khoản 5 Điều 12 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT quy định: “….Thời gian tham gia bảo hiểm y tế liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp lần trước. Người tham gia bảo hiểm y tế 05 năm liên tục là người có thời gian tham gia BHYT gián đoạn không quá 03 tháng”. Như vậy, tất cả đối tượng tham gia BHYT trong trường hợp thẻ BHYT bị gián đoạn quá 3 tháng thì thời gian để tính 05 năm liên tục được tính từ ngày thẻ BHYT có hiệu lực gần nhất.

Về quyền lợi trong khám chữa bệnh khi thẻ BHYT có thời hạn 05 năm liên tục, cụ thể như sau: Được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở (hiện nay là 10.800.000 đồng), trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến.

Tham gia BHYT là giải pháp phòng ngừa rủi ro cho bản thân và gia đình, là “phao cứu sinh” những lúc ốm đau bệnh tật, vì vậy đừng quá tính toán thiệt hơn; chỉ là đóng góp khi lành, để dành khi ốm.

Văn Tài