Lương, thưởng thỏa đáng để giữ chân người lao động
11/10/2022 02:02 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Xu hướng tăng lương của thị trường Việt Nam có dấu hiệu tăng trở lại do tình hình kinh tế hồi phục hậu Covid-19. Dự đoán xu hướng tăng lương năm 2023 của DN đa quốc gia và DN Việt Nam sẽ không có sự chênh lệch, đều ở mức 7,1%.
Báo cáo Kết quả khảo sát lương, thưởng phúc lợi 2022 của Talentnet Corporation (Công ty CP Kết nối nhân tài) cho thấy, năm 2022, kinh tế Việt Nam khởi sắc trên mọi lĩnh vực nhờ vào sự trở lại của các DN sau dịch Covid-19 với mức tăng trưởng GDP gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam cũng được ghi nhận là quốc gia thu hút vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ (đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á). Đây là một tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế nói chung và thị trường lao động nói riêng.
Theo kết quả khảo sát 2022, mặt bằng chung mức trả lương ở các công ty Việt Nam thấp hơn các công ty đa quốc gia là 31%, trong khi nếu so sánh tổng thu nhập thì khoảng cách này thu hẹp lại với 22% do các DN Việt Nam linh hoạt hơn trong việc bổ sung các chính sách cổ phần, cổ phiếu… vào các hoạt động nhân sự nhằm giữ chân nhân tài.
Về tỷ lệ thưởng, tương tự năm 2020 và 2021, các DN trong lĩnh vực Tài chính bao gồm: ngân hàng và phi ngân hàng (gồm các công ty cho vay tiêu dùng, quỹ đầu tư, chứng khoán, quản lý quỹ…) là nhóm ngành có tỷ lệ thưởng dự kiến cao nhất trong năm 2022, tỷ lệ thưởng dao động từ 43% đến 20,8% lương cơ bản năm. Lĩnh vực có mức thưởng dự kiến cao thứ 3 là nông nghiệp với tỷ lệ thưởng là 20.3% lương cơ bản năm. Đáng chú ý, tỷ lệ thưởng của nhóm phi ngân hàng tăng 1,7 lần so với năm 2021, nằm ở mức rất cao 43% lương cơ bản năm vì nhu cầu vay tiêu dùng tăng cao hậu Covid-19. Trong khi đó, nhóm ngành có tỷ lệ thưởng dự kiến thấp nhất là bán lẻ (10,9%), tái tạo năng lượng (14,2%) và vận tải & hậu cần (15,4%). Vận tải & hậu cần cũng là ngành có tỷ lệ thưởng nằm trong nhóm thấp nhất năm 2020 và 2021.
Báo cáo kết quả khảo sát 2022 cũng chỉ ra top 3 nhóm ngành có mức lương tăng lương cao là Công nghệ cao (tăng 8,88%), Bảo hiểm (tăng 8,2%) và Dược phẩm (tăng 7,6%). Điều này đã phản ánh rõ nét nhu cầu của nền kinh tế Việt Nam đặc biệt sau đại dịch Covid-19 khi mối quan tâm của người tiêu dùng và DN nghiêng về việc bảo vệ sức khỏe và ứng dụng công nghệ. Trong khi đó, nhóm 3 ngành có mức tăng lương thấp nhất vẫn là Dầu khí (tăng 3,6%), Sản xuất (6,1%) và Bán lẻ (tăng 6,2%). Cả 2 ngành Bán lẻ và Sản xuất đang thuộc nhóm ngành nghề có tỷ lệ nghỉ việc cao nhưng mức tăng lương vẫn chưa cạnh tranh so với các ngành nghề khác.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương- Phó Tổng Giám đốc Talentnet chia sẻ, thu hút và giữ chân nhân tài chưa bao giờ là bài toán cũ đối với DN. Tuy nhiên “đề bài này” sẽ được thay đổi liên tục theo bối cảnh kinh tế và xã hội. Trong bối cảnh mới, NLĐ không chỉ mong muốn lương cao hay công việc ổn định mà họ mong mỏi một chính sách toàn diện, bình đẳng giữa tất cả nhân viên nhưng cũng được cá nhân hóa theo đúng nhu cầu của họ. Chính vì thế, DN càng hiểu rõ về thị trường lao động, cập nhật xu hướng nhân sự khu vực và tái thiết kế được những chính sách lương thưởng hiệu quả và bền vững sẽ là chìa khóa giúp DN có được một chiến lược nhân tài thức thời hơn.
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...