Chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được triển khai nhanh chóng, kịp thời
12/09/2022 04:53 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 12/9, Thường trực Ủy ban Xã hội họp phiên mở rộng thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; kết quả thực hiện Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ban hành chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Tham dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội; đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội cùng một số đại biểu, chuyên gia.
Về phía các Bộ, ngành có Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Thứ trưởng Lê Văn Thanh; đại diện lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Ngân hàng chính sách, BHXH Việt Nam cùng một số cơ quan hữu quan.
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thúy Anh- Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, Nghị quyết số 24/2021/QH15 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 28/7/2021. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết về việc hằng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội. Thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, ngày 20/7/2022, Ủy ban đã tổ chức cuộc họp nghe Bộ LĐ-TB&XH cùng các cơ quan liên quan báo cáo sơ bộ kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; đồng thời tổ chức các đoàn khảo sát về nội dung này tại 05 địa phương trên cả nước.
Bà Nguyễn Thúy Anh cũng cho biết, Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 và Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 ngày 1/8/2022 của Ủy ban TVQH đã thể hiện đúng đắn, kịp thời quan điểm nhất quán của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng và ban hành các chính sách nhằm góp phần hỗ trợ NLĐ, người SDLĐ vượt qua khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Ủy ban Xã hội đã tổ chức khảo sát các địa phương, tổ chức 03 cuộc Hội thảo khu vực, tổ chức Phiên họp nghe Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành liên quan báo cáo về tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với NLĐ và người SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tổ chức 07 đoàn giám sát về các biện pháp cấp bách về y tế- xã hội trong phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội trong đó có việc thực hiện 02 Nghị quyết này. “Đây là hai nội dung quan trọng, cấp bách, có tầm ảnh hưởng rộng lớn, được cử tri và nhân dân quan tâm, vì vậy, tại phiên họp này Thường trực Ủy ban sẽ thẩm tra sơ bộ các báo cáo về hai nội dung, báo cáo thẩm tra sơ bộ sẽ được trình xin ý kiến Ủy ban TVQH tại phiên họp tháng 9/2022”- bà Thúy Anh nhấn mạnh.
Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 và Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 của Ủy ban TVQH về nội dung hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ông Lê Văn Thanh- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thực hiện chính sách theo Nghị quyết, đã có 340.888 đơn vị SDLĐ được giảm đóng BH thất nghiệp, tương ứng với 11.822.638 NLĐ. Tính đến hết ngày 7/9/2022, đã thực hiện chi trả hỗ trợ cho 13.261.552 lao động thuộc đối tượng hỗ trợ và có 33.470 người đang tham gia BH thất nghiệp tự nguyện không nhận hỗ trợ. “Việc triển khai chính sách theo quy định của Nghị quyết được NLĐ, người SDLĐ đón nhận, đánh giá cao. Chính sách có độ bao phủ rộng, trực tiếp, thiết thực, kịp thời đối với NLĐ, người SDLĐ tham gia BH thất nghiệp. Việc triển khai thực hiện chính sách minh bạch, khẩn trương, đúng đối tượng, đúng mục đích (trên 99% NLĐ nhận tiền hỗ trợ qua tài khoản cá nhân), đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ quy định tại Nghị quyết của Chính phủ và điều kiện quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, việc xác định số giảm đóng cho các đơn vị SDLĐ thuộc đối tượng hỗ trợ và việc giải quyết hỗ trợ cho NLĐ đang tham gia BH thất nghiệp và NLĐ đã dừng tham gia BH thất nghiệp đề nghị hỗ trợ đã hoàn thành, tuân thủ các quy định tại Nghị quyết”- ông Thanh nhấn mạnh.
Tại phiên họp, Thường trực Ủy ban cho rằng, việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ của NLĐ và người SDLĐ đã được thực hiện nhanh chóng, thủ tục nhanh gọn, tạo sự đồng thuận và củng cố niềm tin của NLĐ vào chính sách BH thất nghiệp, từ đó, khuyến khích NLĐ tham gia và chấp hành các quy định của pháp luật về chính sách BH thất nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh các địa phương triển khai nhanh chóng, kịp thời, một số địa phương vẫn còn thực hiện chậm, một bộ phận NLĐ vẫn chưa được thực hiện chính sách hỗ trợ mặc dù đã hết thời hạn thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021. Do đó, làm mất đi tính cấp thiết, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ đối với một số NLĐ ở thời điểm gặp khó khăn, cần được hỗ trợ.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai cũng phát sinh một số bất cập. Cụ thể, sau thời điểm hoàn thành việc hỗ trợ đối với NLĐ, còn rất nhiều lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ đúng thời hạn theo quy định tại Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg nhưng chưa được chi trả do số tiền chi trả hỗ trợ đã vượt mức kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 của Ủy ban TVQH. Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân của hạn chế này là do đánh giá tác động khi xây dựng chính sách còn hạn chế. Trong quá trình xây dựng chính sách do các quy định về đơn vị sự nghiệp tự chủ rất phức tạp nên khó xác định chính xác đối tượng được hưởng chính sách trong các đơn vị sự nghiệp.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng cho rằng, việc xây dựng cơ sở dữ liệu, CNTT là hết sức cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng chính sách, xác định đối tượng hỗ trợ, triển khai chính sách kịp thời. Vì vậy, cần quan tâm, tăng cường đầu tư vào CNTT, quản lý dữ liệu lao động việc làm, BHXH, BH thất nghiệp, thúc đẩy công tác xây dựng các cơ sở dữ liệu để thực hiện công tác dự báo chính xác, nhanh và kịp thời.
Kết luận nội dung phiên họp, bà Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, các chuyên gia. Đồng thời, ghi nhận sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành trong việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên các Bộ, ngành tiếp tục rà soát văn bản; thực hiện hiệu quả các tiểu dự án; hoàn thành việc giải ngân vốn hiệu quả. “Các ý kiến của các đại biểu, các chuyên gia sẽ được tổng hợp đầy đủ để hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ trình xin ý kiến Ủy ban TVQH tại phiên họp tháng 9/2022. Sau đó, Ủy ban Xã hội sẽ tổ chức thẩm tra chính thức báo cáo của Chính phủ tại Phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ 7. Báo cáo thẩm tra sẽ được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban TVQH, các đại biểu thành viên Ủy ban và được trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 4”- bà Thúy Anh khẳng định.
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...