Quyền lợi khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không đúng tuyến
14/03/2022 10:49 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thẻ Bảo hiểm y tế của tôi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện đa khoa huyện của tỉnh Ðồng Nai. Hiện tôi sống tại thành phố Hồ Chí Minh và muốn đi khám chữa bệnh tại một bệnh viện tuyến huyện ở đây (không chuyển tuyến) thì có được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế không? Trường hợp này, việc cùng chi trả được thực hiện như thế nào? Nguyễn Hải Hà (Ðồng Nai)
Ảnh minh họa.
Trả lời: Theo quy định tại Ðiều 22 Luật Bảo hiểm y tế, thì trường hợp bạn có thẻ Bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện đa khoa tuyến huyện tại Ðồng Nai, tự đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không đúng tuyến tại bệnh viện đa khoa tuyến huyện tại thành phố Hồ Chí Minh và thực hiện đầy đủ thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (xuất trình thẻ Bảo hiểm y tế và giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh) sẽ được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi chi trả của quỹ Bảo hiểm y tế và mức hưởng ghi trên thẻ Bảo hiểm y tế của bạn.
Tuy nhiên, bạn không được miễn chi phí cùng chi trả trong trường hợp đã tham gia bảo hiểm y tế đủ 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm của những lần đi khám chữa bệnh đúng tuyến vượt quá 6 tháng lương cơ sở. Bên cạnh đó, phần chi phí cùng chi trả của bạn khi đi khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện ở thành phố Hồ Chí Minh cũng không được xác định là điều kiện để cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm.
Ðể thuận tiện cho việc đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong trường hợp bạn cư trú, học tập hay công tác trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, vào đầu quý, bạn có thể đến cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi phát hành thẻ để được hướng dẫn đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu về một trong các cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã, tuyến quận, huyện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Trường hợp được đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần
Mẹ tôi đủ tuổi nghỉ hưu vào tháng 6/2022. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mẹ tôi mới đóng bảo hiểm xã hội được 21 năm nên tỷ lệ hưởng lương hưu theo tính toán là khá thấp. Tôi được biết, hiện nay người lao động có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và nhiều trường hợp được đóng một lần cho nhiều năm sau. Vậy, sau khi đủ tuổi hưu, mẹ tôi có thể đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện và đóng một lần để được hưởng lương hưu với tỷ lệ cao hơn không?
Trần Gia Huy (Sơn La)
Trả lời: Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi, không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Nghị định 134/2015/NÐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện; Thông tư 01/2016/TT-BLÐTBXH ngày 18/2/2016 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định: Người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng 1 lần cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Như vậy, trường hợp mẹ của bạn đủ tuổi hưu và đã đóng bảo hiểm xã hội được 21 năm nên không thuộc đối tượng áp dụng quy định đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện 1 lần cho đủ 20 năm theo quy định hiện hành.
Theo https://nhandan.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...