Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được tính thế nào?

29/11/2021 11:18 AM


Pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp hiện hành (Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn thi hành) không có quy định thời gian đơn vị sử dụng lao động và người lao động không đóng bảo hiểm thất nghiệp mà vẫn được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho người lao động đang bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: MAI TÚ

Hỏi: Theo quy định hiện hành, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được tính như thế nào? Thời gian người lao động nghỉ hưởng chế độ ốm đau dài ngày hoặc chế độ thai sản (không đóng bảo hiểm thất nghiệp) có được tính là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp không, hay bị xem là thời gian gián đoạn?

NGUYỄN VĨNH HỒ (Yên Bái)

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 43, Điều 44 Luật Việc làm, thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp là thời gian mà đơn vị sử dụng lao động và người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ ba tháng đến dưới 12 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì tháng đó người sử dụng lao động và người lao động không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp và không được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp hiện hành (Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn thi hành) không có quy định thời gian đơn vị sử dụng lao động và người lao động không đóng bảo hiểm thất nghiệp mà vẫn được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Mức xử phạt hành vi lập hồ sơ bệnh án, kê khống đơn thuốc bảo hiểm y tế 

Hỏi: Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh một số trường hợp nhân viên y tế lập khống hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc bảo hiểm y tế để trục lợi. Xin hỏi, những hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính ở mức nào?

TRẦN THANH HÀ (Hải Phòng)

Trả lời:

Theo Điều 85 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hành vi vi phạm quy định về lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc bảo hiểm y tế sẽ bị xử phạt như sau:

1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc mà thực tế không có hoặc không đúng người bệnh với mức vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng.

2. Phạt tiền đối với hành vi lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc mà thực tế không có hoặc không đúng người bệnh theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 2.000.000 đồng;

b) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;

c) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

d) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 15.000.000 đồng;

đ) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 15.000.000 đồng đến dưới 25.000.000 đồng;

e) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 25.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

g) Từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 80.000.000 đồng;

h) Từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với mức vi phạm có giá trị từ 80.000.000 đồng trở lên.

Bên cạnh đó, đối tượng vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hoàn trả số tiền đã vi phạm vào tài khoản thu của quỹ bảo hiểm y tế (nếu có) đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

 
 
 
 

Theo https://nhandan.vn/