“Công thức” vận hành của doanh nghiệp né đóng BHXH

17/04/2025 08:19 AM


Nhiều doanh nghiệp chây ỳ, né tránh nghĩa vụ đóng BHXH của NLĐ bằng cách lập ra hàng loạt Chi nhánh, Văn phòng “ảo”, hay pháp nhân mới ở các tỉnh lẻ. Vẫn người đại diện pháp luật, chủ DN đó nhưng hoạt động “loằng ngoằng” khiến cả NLĐ và cơ quan chức năng không thể tìm ra manh mối đòi nợ…

Đăng ký một nơi, nhà xưởng một nẻo

Từ đầu năm 2025 đến nay, liên tục xuất hiện các vụ việc công nhân ở một số địa phương tụ tập ngừng việc vì DN chây ỳ tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Trong đó, điểm nóng gây chú ý là tại Công ty TNHH May Vạn Hà (Thanh Hóa) và Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 (Quảng Nam). Tổng số tiền BHXH mà cả 2 DN này nợ của NLĐ lên đến gần 25 tỷ đồng và kéo dài trong nhiều năm.

Rất trùng hợp bất ngờ, vì May Minh Hoàng và May Vạn Hà đều là những DN quá “quen mặt” tại TP.HCM khi thường xuyên trong nhóm nợ BHXH từ hàng chục năm nay. Nhiều lần công nhân đình công đòi lương, đóng BHXH nhưng do các DN hoạt động dưới hình thức "nhà xưởng một nơi, trụ sở đăng ký một nẻo" khiến không chỉ lao động, mà ngành chức năng cũng bế tắc. Đặc biệt, điểm chung là 2 DN này đều cùng đăng ký trụ sở tại địa chỉ số 9, đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.

Lật lại câu chuyện từ khoảng chục năm trước, vào thời điểm năm 2016 khi quận Gò Vấp còn là nơi trú đóng của nhiều DN dệt, may mặc thì cả May Vạn Hà và May Minh Hoàng đều có trụ sở nhà xưởng ở đây. Tuy nhiên, do thường xuyên để nợ đọng BHXH nên quan hệ lao động bất ổn, công nhân ngừng việc. Thời điểm này, May Vạn Hà nợ hơn 2 tỷ đồng của 127 lao động còn May Minh Hoàng số tiền nhiều năm lên tới 4,5 tỷ đồng. Cơ quan BHXH quận 1 đã đề nghị thanh kiểm tra, đồng thời tập hợp hồ sơ để LĐLĐ khởi kiện nhưng do trụ sở giao dịch “ảo” nên tìm không ra chủ DN.

Cùng nổi khổ, ông Hồ Hải Luận – Nguyên Giám đốc BHXH quận Gò Vấp (nay là Trưởng phòng Thanh tra-Kiểm tra, BHXH TP.HCM) cho hay, Công ty May Vạn Hà khi còn trú đóng trên địa bàn quận Gò Vấp đã bị cơ quan BHXH khởi kiện ra tòa. Thua kiện, phải truy đóng tiền cho công nhân, nhưng đáng nói ngay sau đó DN này mở Chi nhánh và chuyển toàn bộ việc đóng BHXH qua quận 1. Cho nên dù nhà xưởng vẫn hoạt động tại Gò Vấp thì DN cũng không còn quan hệ với BHXH Gò Vấp nữa. Theo ông Luận, đơn cử vào cuối tháng 10/2017 công nhân May Vạn Hà đình công, cơ quan chức năng quận Gò Vấp giải quyết nhưng không có số liệu vì BHXH Gò Vấp là đơn vị trực tiếp quản lý vấn đề BHXH lại đứng ngoài cuộc vì DN tham gia ở BHXH quận 1. Nhưng ngành chức năng qua quận 1 thì Văn phòng đóng cửa, chủ không có mặt.

Như vậy, từ cả chục năm trước thì cách thức hoạt động “lòng vòng” của các DN thực tế đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi BHXH cho lao động.

Từ 10 năm trước cả 2 DN đã đăng ký một nơi hoạt động một nẻo

Trao đổi với phóng viên về vụ này, ông Nguyễn Quốc Thanh – Phó Giám đốc BHXH khu vực II (TP.HCM) cho biết, hiện đang giao BHXH quận 1 cùng các quận liên quan rà soát kỹ lại tất cả dữ liệu tham gia BHXH của các DN. Thông tin ban đầu của cơ quan BHXH cho thấy, tại TP.HCM, May Minh Hoàng hiện vẫn đang để “treo” số tiền nợ BHXH gần 700 triệu trong hơn 8 năm qua của lao động. Còn May Vạn Hà cũng nợ số tiền hơn 1,7 tỷ đồng tính đến thời điểm tháng 4/2025. Dù hàng loạt các giải pháp đã được cơ quan BHXH đưa ra từ thanh kiểm tra đến khởi kiện…

Cần có chế tài mới

Qua rà soát thông tin đăng ký DN từ ngành chức năng cho thấy, Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 tại Quảng Nam hiện do ông Nguyễn Vĩnh Sơn làm đại diện pháp luật. Ông Nguyễn Vĩnh Sơn cũng chính là người đại diện theo pháp luật của Công ty CP May Minh Hoàng và Chi nhánh Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 (đều đăng ký trụ sở hoạt động tại số 9, đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1 TP.HCM).

Tuy nhiên, ngày 15/4, khi phóng viên tìm đến thì thực tế nơi đây đang là Cơ sở phẩu thuật thẫm mỹ và Câu lạc bộ đêm (Club). Một nữ nhân viên cho hay, đã có cả đại diện cơ quan nhà nước và một số NLĐ đến tìm hỏi nhưng từ lâu ở đây không có Công ty nào như vậy cả.

Trụ sở chính tại TP.HCM mà các DN quảng bá thực tế đang là cơ sở Phẫu thuật thẩm mỹ và Club

Mới đây, khi cao trào ngừng việc đòi BHXH của công nhân ở tỉnh Quảng Nam nổ ra, đại diện Sở Nội vụ tỉnh nói “sẽ bay vào trụ sở Văn phòng Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 tại quận 12, TP.HCM tìm gặp lãnh đạo để đòi quyền lợi BHXH cho công nhân”. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Thành Hưng – Phó Giám đốc BHXH quận 12 cho biết, đã rà soát tất cả các thông tin đăng ký nhưng không có DN hay Chi nhánh liên quan đến May Minh Hoàng tham gia BHXH tại quận 12. Đồng thời, cơ quan Thuế khu vực cũng khẳng định không quản lý đơn vị này. Vấn đề cũng đã được BHXH quận 12 báo cáo cụ thể lên cấp trên.

Hiện tại, không chỉ địa chỉ tại quận 12 là “ảo” mà các Công ty liên quan của ông Nguyễn Vĩnh Sơn tại số 9 Lê Thánh Tôn đều đã trong tình trạng “không hoạt động tại trụ sở’” hay “ngừng hoạt động và đã đóng mã số thuế” theo cơ quan Thuế. Đáng nói, đây cũng là câu chuyện lặp lại tình huống từ 10 năm trước. Khi mà các cơ quan chức năng của quận Gò Vấp và quận 1 đã từng rơi vào cảnh lúng túng, bế tắc khi tìm kiếm các ông chủ của May Minh Hoàng để đòi quyền lợi về BHXH cho NLĐ.

Vụ việc ở Công ty CP May Vạn Hà, trụ sở tỉnh Thanh Hóa cũng tương tự. DN này do bà Ngô Thị Ánh Tuyết làm đại diện pháp luật, sau này đổi qua ông Lê Văn Vinh. Đáng chú ý, bà Tuyết, ông Vinh cũng là người đại diện theo pháp luật của hàng loạt Công ty và Chi nhánh ở TP.HCM như: Chi nhánh Công ty CP May Vạn Hà và Chi nhánh Công ty TNHH May Vạn Hà (cùng địa chỉ số 9, Lê Thánh Tôn, quận 1); Văn phòng đại diện ở Gò Vấp; Chi nhánh Vạn Hà quận 12…

Liên quan đến DN này tại Thanh Hóa, ông Nguyễn Khắc Tuấn - Giám đốc BHXH khu vực VI (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, Công ty May Vạn Hà có trụ sở và hoạt động trên địa bàn huyện Thiệu Hóa. BHXH huyện Thiệu Hóa là đơn vị đang quản lý công tác thu và giải quyết chế độ cho người lao động, DN tại địa phương. Trước thực trạng tại đây, BHXH tỉnh cũng đã giao Phòng Quản lý Thu-Sổ,thẻ bám sát hoạt động và có sự hỗ trợ kịp thời cho BHXH huyện trong công tác quản lý đối với DN. Cụ thể, bà Phạm Thị Thanh - Phó Giám đốc BHXH huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa thông tin, tính đến hết tháng 3/2025, Công ty CP May Vạn Hà đang để chậm đóng số tiền hơn 13,6 tỷ đồng, trong 15 tháng. Từ đầu năm 2025 đến nay BHXH huyện Thiệu Hóa đã tích cực đôn đốc, cũng như phối hợp cơ quan chức năng xử lý. Trong quý I năm 2025, DN đã chuyển đóng được số tiền gần 3,2 tỷ đồng và đang thực hiện theo lộ trình đã cam kết.

Điều đáng chú ý là khi xảy ra tranh chấp, quản lý điều hành các DN tại Quảng Nam và Thanh Hóa đều phân trần với ngành chức năng và NLĐ rằng sẽ “xin ý kiến từ lãnh đạo ở TP.HCM”. Nhưng, thực trạng tại TP.HCM thì như đã nói - Nợ BHXH tràn lan cả gần chục năm, trụ sở đóng cửa, ngừng hoạt động và mã số thuế bị khóa.

Thực trạng của các DN và Chi nhánh

Theo LS.Nguyễn Giang Nam– Đoàn Luật sư TP.HCM, tình trạng DN làm ăn bất ổn, nợ lương, BHXH, thuế ở quận này rồi chuyển qua quận, huyện khác; thậm chí chuyển về tỉnh khác lập pháp nhân mới hoạt động là câu chuyện khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, pháp luật lại chưa có chế tài các chủ DN dạng này. Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 chỉ hạn chế một số tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý DN tại Việt Nam như: Cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; người chưa thành niên… Như vậy, pháp luật về DN không cấm cá nhân đại diện DN cũ đang nợ thuế hay nợ BHXH thành lập DN mới. Đặc biệt là trong bối cảnh địa phương nào cũng đang chú trọng ưu đãi, mời gọi đầu tư, nên sẽ rất “thoáng” trong việc cấp phép. Tuy nhiên, trong tương lai, có thể các nhà làm luật sẽ cần phải cân nhắc để có giải pháp cân đối, hài hòa giữa việc tạo thuận lợi cho DN ra đời, phát triển song hành cùng với bảo vệ quyền lợi NLĐ cũng như nghĩa vụ thực thi, tuân thủ đúng pháp luật…

Theo https://tapchibaohiemxahoi.gov.vn