Bảo hiểm y tế - điểm tựa vững chắc cho người tham gia
05/02/2024 09:40 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Với hơn 93% dân số có thẻ bảo hiểm y tế, có thể thấy, chính sách bảo hiểm y tế đã thật sự đi vào cuộc sống, từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân.
Khám, chữa bệnh cho người dân tại Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. (Ảnh TỪ THÀNH)
Đó là thành quả của toàn xã hội, cũng như sự nỗ lực của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam trong công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm tối đa quyền lợi cho người tham gia chính sách bảo hiểm y tế.
Hiện nay, độ bao phủ bảo hiểm y tế đã đạt khoảng 93,35% dân số, tương ứng hơn 93,3 triệu người tham gia. Hằng năm, có hơn 100 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được bảo đảm quyền lợi. Quỹ Bảo hiểm y tế đã góp phần thay thế hiệu quả cơ chế tài chính về y tế. Chính sách bảo hiểm y tế đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia...
Tiệm cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, diện bao phủ bảo hiểm y tế tiếp tục phát triển bền vững qua các năm: Năm 2021 tỷ lệ bao phủ là 91,01% (vượt 0,01%); năm 2022 là 92,04% (vượt 0,04%); năm 2023 có hơn 93,3 triệu người tham gia đạt tỷ lệ 93,35% (vượt 0,15%) so với Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 06/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, tiệm cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
Những năm qua, quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế của người tham gia ngày càng được mở rộng ở cả phạm vi và mức hưởng; chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ y tế hiện đại, thuốc mới, hiệu quả cao.
Tấm thẻ bảo hiểm y tế đã giúp nhiều người dân giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật, kể cả những bệnh hiểm nghèo, chi phí lớn... Đáng chú ý, quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế luôn được đặt làm trọng tâm. Ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với ngành y tế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và bổ sung nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế...
Năm 2023, để bảo đảm quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế theo quy định, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ ban hành: Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giai đoạn hậu Covid-19 và giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế; Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 để giải quyết khó khăn về cơ chế thanh toán kinh phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt tổng mức thanh toán và bổ sung thêm nhiều nhóm đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm y tế.
Thực hiện Nghị định số 75/2023/NĐ-CP, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kịp thời thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám, chữa bệnh; đồng thời thường xuyên quán triệt, chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố bảo đảm kịp thời nguồn kinh phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các cơ sở y tế hoạt động.
Có thể thấy, sự chủ động, quyết liệt của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức cung ứng dịch vụ y tế, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế và cùng thực hiện trách nhiệm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Để triển khai hiệu quả công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Đến nay, toàn quốc đã có 100% cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (tương ứng với 12.851 cơ sở) triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp (đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng số định danh cá nhân/căn cước công dân).
Đến nay, đã có hơn 55 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng số định danh cá nhân/căn cước công dân thành công, phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Toàn ngành cũng đã kết nối với hơn 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; gần một triệu doanh nghiệp giao dịch điện tử với cơ quan Bảo hiểm xã hội thông qua cổng thông tin điện tử...
Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, đồng thời giúp quản lý tốt Quỹ Bảo hiểm y tế. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề xuất với Chính phủ cho triển khai, đồng thời tích cực phối hợp Bộ Công an triển khai công nghệ xác thực sinh trắc trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Hiện công tác thí điểm cho người tham gia bảo hiểm y tế làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng công nghệ quét dấu vân tay, xác thực sinh trắc trên căn cước công dân gắn chíp đang được triển khai tại một số cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước…
Có thể thấy, giờ đây, tất cả các thủ tục hành chính của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đều được thực hiện trên không gian số, tạo sự thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế.
Việc thực hiện trên không gian số cũng giúp doanh nghiệp, người lao động dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu thu, cấp thẻ bảo hiểm y tế và giải quyết chế độ chính sách, nâng cao tính minh bạch của thông tin. Những lợi ích đó cho thấy, công tác chuyển đổi số của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đang có hướng đi đúng, đem lại kết quả tích cực, góp phần phục vụ người thụ hưởng, bảo đảm an sinh xã hội ngày càng tốt hơn.
Theo https://nhandan.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...