Tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng
13/11/2023 02:05 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023.
Theo Nghị quyết, trong tháng 11 và thời gian còn lại của năm 2023, Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ, thực hiện linh hoạt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực; phát huy đoàn kết, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc; kịp thời, bình tĩnh, sáng suốt trong phản ứng chính sách; tranh thủ, tận dụng các yếu tố thuận lợi, cơ hội thị trường trong nước, quốc tế dịp cuối năm; tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các động lực mới về kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra năm 2023.
Tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng (Ảnh minh họa - nguồn internet)
Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chủ động ứng phó với các diễn biến, yếu tố rủi ro có thể phát sinh. Triển khai hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được ban hành. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, khai thác các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng, nâng cao hiệu quả quản lý thu, phấn đấu tăng thu; kiểm soát chi chặt chẽ, tiết kiệm triệt để các khoản chi.
Bám sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả, chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả, nhất là trong những tháng cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Thực hiện phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công, nhất là giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình, thời điểm, mức độ phù hợp, đúng quy định, sát thực tiễn, bảo đảm vừa thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất, kinh doanh, vừa kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm. Mở rộng thị trường xuất khẩu; khai thác, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết; tăng cường đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do mới. Kịp thời thông tin về thị trường, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa, thúc đẩy phát triển logistics để giảm thời gian, chi phí xuất khẩu.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt hơn nữa trong việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tổ chức triển khai công tác chuẩn bị, chăm lo đời sống người dân trong dịp giáp hạt và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024...
Theo https://baohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...