Thiệt thòi khi cầm cố sổ BHXH
27/09/2022 07:47 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sổ BHXH không phải tài sản nhưng tình trạng cầm cố, mua bán vẫn diễn ra gây nhiều hệ lụy cho người lao động
Sau thời gian nghỉ thai sản, do không có người chăm con nhỏ nên tháng 9-2021 chị D.T.H, công nhân (CN) Công ty TNHH Giày Dona Standard Việt Nam (KCN Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) xin nghỉ hẳn. Sau khi nghỉ việc, do cuộc sống khó khăn, chị H. đã tham gia đầu tư tài chính qua mạng internet nhằm kiếm thêm thu nhập. Để có vốn đầu tư, chị H. quyết định cầm cố sổ BHXH để lấy 30 triệu đồng.
Thiệt đơn thiệt kép
H. cho hay chị đã đóng BHXH bắt buộc được 11 năm 3 tháng, dự định chờ đến tháng 3-2022 sẽ làm thủ tục hưởng BHXH một lần. Tính toán trên mức lương đã đóng, chị H. có thể nhận được hơn 70 triệu đồng tiền trợ cấp BHXH một lần. Tuy nhiên, do bên đầu tư thúc giục quá nên dù biết cầm sổ BHXH là thiệt thòi nhưng chị vẫn phải chấp nhận.
Với số tiền 30 triệu đồng nhận được, chị H. phải chịu lãi 10%/tháng, kéo dài trong 1 năm. Nếu không trả đúng hạn, chị H. sẽ phải chịu phạt lãi ngày hoặc chấp nhận mất luôn sổ BHXH. Bên cầm sổ cũng yêu cầu chị H. cung cấp và ký một số giấy tờ ủy quyền cần thiết để họ có thể rút BHXH một lần trong trường hợp chị mất khả năng chi trả.
Do không tìm hiểu kỹ, sau khi nộp tiền cho đối tác trên mạng, toàn bộ vốn đầu tư của chị H. bị mất sạch. "Việc mỗi tháng phải trả lãi cầm sổ BHXH 3 triệu đồng khiến tôi mất ăn, mất ngủ. Dù vậy, tôi cũng phải chạy vạy khắp nơi vay tiền để đóng, nếu không sẽ mất luôn sổ BHXH" - chị H. buồn rầu nói.
Chị H. biết đến hình thức cầm sổ BHXH từ lâu vì điểm cầm cố nằm ngay trong khu nhà trọ (ngay cổng sau KCN Xuân Lộc). CN có thể cầm cố ngay cả khi còn đang làm việc, đã nghỉ việc và đang trong thời gian chờ làm thủ tục nhận BHXH một lần. Các đối tượng nhận cầm sổ rất cảnh giác, CN phải được người quen hoặc người từng cầm cố BHXH giới thiệu họ mới nhận.
Dù biết phải chịu lãi suất cao kèm rủi ro sẽ mất sổ nhưng do đang gặp khó khăn, trong khi thủ tục cầm cố đơn giản, thời gian nhận tiền nhanh nên không ít NLĐ đã lựa chọn hình thức này. Một số NLĐ còn chọn hình thức bán luôn sổ BHXH, như trường hợp chị N.T.T., CN một công ty đóng trên địa bàn huyện Hóc Môn, TP HCM.
Tháng 10-2021, do ảnh hưởng dịch COVID-19, công ty ngưng hoạt động và cho chị T. nghỉ việc. Trước đó, do bị nhiễm COVID-19 với các triệu chứng nặng, sức khỏe giảm sút, nên sau khi nghỉ việc chị T. không xin việc mới mà định thuê mặt bằng, buôn bán nhỏ. Để có vốn làm ăn, qua tìm hiểu thông tin từ mạng xã hội, chị T. quyết định bán sổ BHXH. Với 13 năm đóng BHXH, chị T. được bên mua trả gần 40 triệu đồng, kèm theo đó phải làm thủ tục ủy quyền nhận BHXH một lần tại phòng công chứng và cam kết trong vòng 1 năm kể từ khi chốt sổ, không được tham gia BHXH. Trường hợp muốn rút lại sổ thì chị T. phải trả cho bên mua gấp đôi số tiền đã nhận. Sau đó, làm ăn thất bại, mất cả vốn, T. trở lại làm CN. Hiện tại chị chỉ làm thời vụ, không có BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Để khám chữa bệnh, chị phải mua BHYT hộ gia đình.
Cán bộ BHXH quận Tân Bình, TP HCM (phải) hướng dẫn thủ tục hưởng chế độ BHXH cho người lao động. Ảnh: MAI CHI
Khó xử lý
Theo quy định của Luật BHXH hiện hành, NLĐ được ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp BHXH một lần. Tuy nhiên, một số đối tượng đã lợi dụng quy định này để thu gom, mua bán sổ BHXH để hưởng chênh lệch.
Theo ghi nhận của BHXH TP HCM, có hơn 300 người được NLĐ ủy quyền để nhận BHXH một lần, trong đó có người được ủy quyền nhận hàng trăm lần. Mua bán, thu gom, cầm cố sổ BHXH để hưởng chênh lệch là hành vi trục lợi quỹ BHXH, tuy nhiên cơ quan BHXH đang thiếu căn cứ để xử lý do thủ tục được các đối tượng thực hiện khá chặt chẽ, lại không có khiếu nại, kiện cáo. Dù vậy, để hạn chế tình trạng trên, BHXH đã đề nghị BHXH quận, huyện thống kê các trường hợp được ủy quyền nhận thay từ hai hồ sơ trở lên, yêu cầu hai bên tới đối chứng. Trường hợp nghi ngờ sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra, xử lý.
Tình trạng mua bán, cầm cố sổ BHXH không phải là mới và đã có một số đối tượng từng bị cơ quan chức năng xử lý. Giữa năm 2020, một số tiệm cầm đồ tại huyện Củ Chi, TP HCM đã bị Công an huyện xử phạt hành chính do có hành vi cầm cố, mua sổ BHXH của gần 240 CN. Cũng trong năm 2020, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an) đã phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương và TP HCM điều tra, xử phạt vợ chồng đối tượng Ngô Thị Thúy Kiều về hành vi lập trang mạng mạo danh cơ quan BHXH, mua sổ BHXH của NLĐ... Tuy vậy, hiện nay tình trạng mua bán, thu gom sổ BHXH vẫn diễn ra âm ỉ và ngày càng tình vi hơn.
Tại buổi giám sát của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội về thực hiện chính sách BHXH vừa qua, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, nói cần nghiêm cấm hành vi mua bán sổ BHXH dưới mọi hình thức và kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH trình Quốc hội xem xét, bổ sung hành vi thu gom sổ BHXH vào Bộ Luật Hình sự nhằm tăng cường tính răn đe và kịp thời ngăn chặn những đối tượng có ý định, hành vi trục lợi trong việc hưởng BHXH. Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM cũng kiến nghị cần có quy định cụ thể số lần được ủy quyền và rút ngắn thời hạn ủy quyền tối đa là 3 tháng đối với trường hợp ủy quyền nhận thay trợ cấp BHXH một lần; bổ sung quy định định kỳ khai báo thông tin người hưởng qua ủy quyền nhằm có giải pháp kịp thời ngăn chặn hành vi trục lợi.
Mua bán, cầm cố là phạm pháp
Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, cho biết tại khoản 1 điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13 của Quốc hội quy định cho phép NLĐ tham gia BHXH chưa đủ 20 năm sau 1 năm nghỉ việc mà không tham gia tiếp BHXH thì được hưởng BHXH một lần. Bên cạnh đó, quy định Luật BHXH hiện hành cũng cho phép NLĐ được ủy quyền cho người khác nhận thay chế độ BHXH. Tuy nhiên, sổ BHXH không phải là tài sản nên hành vi mua bán, cầm cố đều là phạm pháp. Dù vậy, pháp luật hiện hành lại chưa có quy định về chế tài xử lý đối với các hành vi này.
MAI CHI - THANH NGA
Theo https://nld.com.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...