Xem xét điều chỉnh giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
26/08/2022 08:33 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 25/8, Đoàn giám sát của Quốc hội do bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo trước Đoàn giám sát của Quốc hội.
Nội dung giám sát về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016-2021 và thực hiện các biện pháp cấp bách về y tế-xã hội trong phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.
Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, chính sách bảo hiểm xã hội hiện hành còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và khả năng nhưng chưa được luật hóa để tham gia. Cụ thể như: Chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý doanh nghiệp không hưởng lương; người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt. Thiết kế nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ và bảo đảm bền vững trong chế độ hưu trí chưa phù hợp (mức hưởng cao, thời gian hưởng dài chưa tương xứng với mức đóng, thời gian đóng)…
UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng nêu thực trạng trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội của các đơn vị sử dụng lao động vẫn còn xảy ra; số doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội chiếm hơn 60% trên tổng số đơn vị đang tham gia, hiện còn hơn 560 tỷ đồng nợ khó thu của các đơn vị giải thể, chủ bỏ trốn, chiếm khoảng 10% trong cơ cấu nợ, gây ảnh hưởng đến lợi ích của người lao động tại các đơn vị này.
Cơ quan bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ sang Công an thành phố 84 trường hợp doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của người lao động có đủ căn cứ cấu thành tội phạm nhưng đến nay vẫn chưa thể khởi tố, xét xử theo luật định.
Đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố nhận định, số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng hằng năm nhưng so với quy mô dân số và lực lượng lao động của thành phố vẫn còn thấp. Hiện vẫn còn hơn 2 triệu người trong độ tuổi lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn rất thấp. Nếu không có giải pháp phù hợp trong thời gian tới, số lượng người già, người hết tuổi lao động không được hưởng bảo hiểm xã hội là rất lớn, tạo áp lực, gánh nặng cho gia đình, xã hội, tác động tiêu cực đến chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Quốc hội xem xét tăng mức hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; tăng quyền lợi, mở rộng phạm vi chế độ người lao động được hưởng so với hiện nay theo hướng linh hoạt thêm các gói bảo hiểm xã hội tự nguyện gắn với các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện hành (hưu trí và tử tuất) có bổ sung thêm chế độ ốm đau, thai sản.
Xem xét điều chỉnh giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng lương hưu cho phù hợp (hiện nay quy định 20 năm là quá dài). Xem xét điều chỉnh thống nhất các hành vi được quy định trong các văn bản xử lý vi phạm hành chính và các tội danh liên quan bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và cơ quan chức năng có liên quan hướng dẫn chung, thống nhất về quy trình, thủ tục khởi tố hình sự đối với đơn vị nợ bảo hiểm xã hội theo Điều 216 của Bộ luật Hình sự.
Bà Nguyễn Thúy Anh đồng tình với các kiến nghị của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng các kiến nghị rất xác đáng, phù hợp với đặc thù và vướng mắc mà thành phố gặp phải.
Đối với kiến nghị Quốc hội xem xét quy định, bổ sung hoặc ban hành Nghị quyết cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên cơ sở hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đã giao kết với đơn vị và hưởng đầy đủ các quyền lợi như đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng xác đáng, phù hợp, sẽ được Quốc hội sớm xem xét.
Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội và các biện pháp cấp bách liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, việc ban hành các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, UBND thành phố thực hiện kịp thời, bám sát thực tiễn, góp phần an dân, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội. Thành phố đã vận dụng, kết hợp nhiều nguồn lực, trong đó có nguồn lực nhà nước và các nguồn lực xã hội hóa khác để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn.
Theo ông Võ Văn Hoan, Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ cho các đối tượng ảnh hưởng Covid-19 lên đến gần 14 nghìn tỷ đồng từ ngân sách, là số tiền hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay với số người thụ hưởng hơn 10 triệu dân (cả tạm trú, thường trú và lưu trú). Trong quá trình hỗ trợ, gần như không có vướng mắc, sai sót trong thực hiện các chính sách của Quốc hội, Chính phủ và chính quyền thành phố.
Theo https://nhandan.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...