Tăng diện bao phủ BHYT: “Chìa khóa” thành công
12/07/2022 09:24 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sau nhiều năm, chính sách BHYT tại Việt Nam đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Theo đó, chất lượng KCB BHYT ngày càng được cải thiện, người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ y tế hiện đại, thuốc mới, nên đã vượt qua ốm đau, bệnh tật và giảm gánh nặng về kinh tế… Song, để có được kết quả này, trước hết phải khẳng định, đó là do có sự đồng lòng, chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của ngành BHXH Việt Nam và ngành Y tế.
“Thẻ hộ mệnh” không thể thiếu
Điều dễ nhận thấy, tỷ lệ bao phủ BHYT tại Việt Nam tăng dần qua các năm và đang hướng tới mục tiêu bao phủ toàn dân. Nếu như các năm 2009 và 2015, tỷ lệ bao phủ BHYT lần lượt đạt 57% và 74,7% dân số, thì đến hết tháng 5/2022 đạt gần 88% dân số- tương ứng trên 86,2 triệu người tham gia. Song song với đó, chất lượng KCB BHYT cũng ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ y tế hiện đại, thuốc mới, hiệu quả cao, giúp nhiều người vượt qua ốm đau bệnh tật; TTHC trong việc giải quyết các quyền lợi về BHYT cho người dân ngày được cải tiến và rút gọn. Đáng chú ý, quỹ BHYT đang trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của các cơ sở KCB; chính sách BHYT đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam tặng thẻ BHYT cho người dân tại Sơn La dịp đầu năm 2022
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, mỗi năm quỹ BHYT chi trả từ 100.000 đến 105.000 tỷ đồng cho việc KCB BHYT, trong đó rất nhiều trường hợp người bệnh được chi trả lên tới nhiều tỷ đồng/năm. Ngoài việc chi trả chi phí KCB thông thường, quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều người mắc các bệnh nặng, bệnh mạn tính như: Hemophilia (bệnh rối loạn đông máu di truyền), ung thư, tim mạch, suy thận... Vì vậy, từ nhiều năm nay, thẻ BHYT đã được phần lớn người dân coi như “phao cứu sinh”, là “thẻ hộ mệnh” không thể thiếu của mỗi người. Đặc biệt, năm 2020-2021, do tác động của dịch COVID-19, quỹ BHYT đã cùng với NSNN góp phần không nhỏ trong công tác khắc phục hậu quả phòng chống dịch COVID-19, tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước…
Là một trong những bệnh nhân không may bị bệnh Hemophilia, anh Nguyễn Văn Tuyên (Ứng Hòa, Hà Nội) hiểu rõ căn bệnh quái ác này hơn ai hết. Chống chọi với bệnh đã hơn 20 năm, anh Tuyên xác định suốt đời phải gắn bó với BV, kèm theo đó là khoản chi phí điều trị rất lớn, vượt quá xa so với khả năng kinh tế của gia đình. Trong hành trình gian nan ấy, anh Tuyên luôn có thẻ BHYT đồng hành, chính là “ân nhân” giúp anh tiếp tục được sống. “Số tiền chữa bệnh khoảng hơn 2 tỷ đồng/năm, vượt quá sức chi trả của tôi và gia đình. Nếu không có thẻ BHYT, chắc tôi không thể sống đến ngày hôm nay”- anh Tuyên chia sẻ.
Hướng đến bao phủ BHYT toàn dân
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực và khẳng định vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội, song việc thực hiện chính sách BHYT tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Cụ thể: Tỷ lệ bao phủ BHYT tuy rộng nhưng còn thiếu tính bền vững; mức đóng BHYT vẫn còn khá thấp so với yêu cầu thực tiễn (trong khi quyền lợi liên tục được mở rộng, nâng cao cho người bệnh)… Đáng chú ý, trong năm 2022, việc phát triển BHYT gặp nhiều thách thức do có khoảng 1.946 xã với khoảng 4,9 triệu người không còn thuộc đối tượng hỗ trợ BHYT theo Quyết định số 861/QĐ-TTG. Trong khi đó, theo Quyết định số 546/QĐ-TTg, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc năm 2022 đạt 92,6%; năm 2023 là 93,2%; năm 2024 là 94,1%; năm 2025 là 95,15%- điều này tạo thách thức lớn cho BHXH Việt Nam trong thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT toàn dân, khiến BHXH các địa phương phải nỗ lực rất lớn mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.
Người dân tự tin khi có tấm thẻ BHYT phòng thân
Thảo luận tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế năm 2022, nhiều ĐBQH khẳng định tính ưu việt của chính sách BHYT; đồng thời cho rằng, tỷ lệ bao phủ BHYT tại Việt Nam năm 2021 đạt trên 91% thể hiện sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của ngành BHXH Việt Nam. Tuy nhiên, do tác động của một số chính sách, nên số người tham gia BHYT đã giảm, nhất là Quyết định số 861/QĐ-TTg khiến khoảng 2,6 triệu người vùng đồng bào DTTS bị ảnh hưởng, nên chưa tham gia BHYT theo hộ gia đình. Chính vì vậy, các ĐBQH đề nghị Chính phủ cần quan tâm đánh giá tình hình và sớm có giải pháp hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho đồng bào DTTS, người có hoàn cảnh khó khăn.
Để đạt mục tiêu hơn 92% dân số tham gia BHYT, mới đây Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban ngành có liên quan xây dựng kế hoạch, giải pháp triển khai thực hiện chỉ tiêu được giao. Đồng thời, trình HĐND bố trí ngân sách địa phương, huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ thêm cho người dân tham gia BHYT. Cụ thể: Tập trung hỗ trợ người thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình nghèo đa chiều không thuộc trường hợp quy định tại Điểm a, Khoản 9, Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, bảo đảm đạt mục tiêu 100% đối tượng này tham gia BHYT; hỗ trợ người thuộc hộ gia đình nông- lâm- ngư- diêm nghiệp có mức sống trung bình; HSSV để tăng tỷ lệ tham gia BHYT…
Để phát triển BHYT bền vững, ông Bùi Sỹ Lợi- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, về mặt chính sách, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành phù hợp thực tiễn và giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh. Sửa đổi, bổ sung Luật KCB đi đôi với sửa đổi Luật BHYT theo quan điểm tiếp tục khẳng định việc thực hiện BHYT toàn dân, coi chính sách BHYT là một trong những trụ cột an sinh xã hội quan trọng; Nhà nước quản lý BHYT xã hội; mở rộng phạm vi chi trả để sử dụng quỹ BHYT có hiệu quả, từng bước đa dạng hóa gói dịch vụ BHYT.
Bên cạnh đó, theo ông Bùi Sỹ Lợi, cần tập trung tăng cường năng lực y tế cơ sở, đảm bảo chất lượng dịch vụ KCB, đồng thời với nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu; triển khai việc quản lý sức khỏe cá nhân thông qua lập hồ sơ quản lý sức khỏe do quỹ BHYT chi trả. Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính theo hướng đầu tư trực tiếp cho người thụ hưởng dịch vụ y tế thông qua hình thức hỗ trợ tham gia BHYT. Thực hiện quy định giá dịch vụ y tế thống nhất theo hạng BV và theo lộ trình tính đúng, tính đủ, để từng bước đổi mới cơ chế tài chính, thúc đẩy các cơ sở y tế nâng cao chất lượng, đồng thời đảm bảo tính công bằng giữa các cơ sở y tế.
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...