Bảo vệ niềm tin của người tham gia BHYT
29/06/2022 07:55 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chẳng dễ dàng gì để tỷ lệ bao phủ BHYT ở Việt Nam đạt ngưỡng 90%, bởi đó là cả quá trình dài nỗ lực của cả hệ thống chính trị cũng như ngành BHXH Việt Nam. Song, những ngày qua, niềm tin của người tham gia BHYT ít nhiều bị tác động bởi tình trạng hụt thuốc, hụt VTYT, làm ảnh hưởng đến hoạt động KCB BHYT tại một số BV.
Xây dựng được niềm tin của cộng đồng vào chính sách BHYT luôn song hành với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và ngành BHXH Việt Nam trong việc lo vận động người dân tham gia BHYT, còn ngành Y tế lo phục vụ người bệnh BHYT. Tính ra, để Việt Nam đạt ngưỡng bao phủ BHYT, để cộng đồng đặt niềm tin vào chính sách BHYT, hành trình nỗ lực ấy đã phải mất hơn 30 năm. Vì vậy, bảo vệ niềm tin của người tham gia BHYT là mệnh lệnh, chứ không phải đề nghị hay yêu cầu…
Dư luận đang dấy lên ý kiến cho rằng, việc một số nhân sự thuộc ngành Y tế “xộ khám” khiến những người tại nhiệm “chùng tay”, khiến hoạt động KCB BHYT bị trì trệ, rồi hụt thuốc, hụt VTYT. Xét về mặt xã hội, việc bắt bớ nhân sự y tế để lại “hiệu ứng không mong muốn trong cộng đồng y tế”; song xét về lý, nếu nhân sự y tế làm tròn chức phận, không dính đến tiêu cực, thì không cơ quan nào có thể “đụng” tới được. Bởi vậy, “đổ thừa” chuyện bắt bớ nhân sự y tế thời gian qua để biện minh cho sự trì trệ hoạt động KCB BHYT là khó lòng chấp nhận.
Cũng có ý kiến đòi “phẫu thuật” cơ chế, chính sách liên quan hoạt động đấu thầu thuốc, mua sắm VTYT khi cho rằng “cơ chế chính sách thiếu rạch ròi, chưa sáng tỏ”. Hôm 9/6 vừa qua, trong Chương trình “Lắng nghe và trao đổi với NVYT”, đại diện Sở Y tế TP.HCM đã hỏi những NVYT chuyên trách về công tác mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế của các BV công lập trên địa bàn về “mong muốn gì nhất hiện nay?”. Và, câu trả lời được Sở Y tế tổng hợp, công khai trên Cổng Thông tin điện tử là: “Mong sớm có hướng dẫn rõ ràng hơn, giống như hướng dẫn mua sắm thuốc”. Như vậy, vấn đề mua sắm thuốc lâu nay rất ổn; câu chuyện còn lại chỉ còn liên quan đến VTYT.
Trên thực tế, từ đầu năm 2022 tới nay, tình trạng thiếu VTYT lẫn hụt thuốc diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người tham gia BHYT. Vì sao vậy? Bên cạnh lý do khách quan về chuỗi cung ứng thuốc đứt gãy trên phạm vi toàn cầu do đại dịch COVID-19, còn có lý do chủ quan là mạng lưới cơ sở KCB công lập cả nước không còn nhiều thuốc BHYT từ lần đấu thầu thuốc quốc gia trước đó, trong khi lần đấu thầu tới vẫn chưa có kết quả. Điều này đồng nghĩa với việc cơ sở KCB cạn thuốc mà vẫn phải... chờ kết quả đấu thầu thuốc quốc gia. Trong khi đó, đấu thầu thuốc ở địa phương và mua sắm thêm, thì cả Sở Y tế lẫn các cơ sở KCB cũng phải... chờ kết quả đấu thầu thuốc quốc gia, thì mới có cơ sở biết thiếu thuốc gì để mua thêm thuốc nấy.
Đang diễn ra tình trạng “chảy máu chất xám” khi nhân sự y tế ở các cơ sở KCB công lập nghỉ việc sang làm cho cơ sở KCB tư nhân, trong đó có nhân sự chuyên lo thuốc, VTYT. Đó là những người giỏi và tâm huyết, nhưng cảm thấy bất lực trước tình trạng bệnh nhân BHYT không được chăm sóc đầy đủ. Họ bất lực vì toàn phải... chờ mà không thể làm gì khác. Vì vậy, cơ quan chức năng các cấp cần phải tính đến phương án bảo vệ niềm tin của người tham gia BHYT, tránh để xói mòn vì chuyện đẩu đâu.
Theo http://baobaohiemxahoi.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...