Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đoàn DN Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN
09/03/2022 09:25 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 8/3, nhân dịp dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Đoàn DN Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (USABC). Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cùng đại diện một số bộ, ngành tham gia buổi tiếp.
Phát biểu tại buổi tiếp đoàn DN Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa, phát triển quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ lên tầm cao mới thực chất và hiệu quả hơn, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, góp phần vào hòa bình, thịnh vượng, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Trong đó, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là trụ cột, động lực mạnh mẽ trong quan hệ hai nước và còn tiềm năng, dư địa phát triển rất lớn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi tiếp
Các DN cũng đánh giá cao các chính sách tích cực hỗ trợ DN trong bối cảnh khó khăn do Covid-19; bày tỏ ấn tượng trước những kết quả phòng chống dịch, với tỷ lệ tiêm chủng cao hàng đầu thế giới và việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh của Việt Nam. Các DN nêu một số kiến nghị, khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực: Chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải carbon; chuyển đổi số, góp phần đưa nền kinh tế số Việt Nam tăng quy mô từ 21 tỷ USD năm 2021 lên 57 tỷ USD vào năm 2025; vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19, nâng cao năng lực y tế, ứng phó với các dịch bệnh; logistics…
Ngoài các nội dung đã chia sẻ tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sẽ giao các bộ, ngành phản hồi, xử lý các đề xuất tại cuộc gặp theo thẩm quyền và trình cấp trên quyết định các vấn đề vượt thẩm quyền.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cùng lãnh đạo một số bộ, ngành tham dự buổi tiếp
Theo Thủ tướng, với mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng, Chính phủ Việt Nam sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, đồng hành và đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN. Bên cạnh đó, bảo đảm chính sách vĩ mô ổn định và thực thi hiệu quả, đẩy mạnh CCHC để các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có DN Hoa Kỳ tiếp tục kinh doanh ổn định, lâu dài, nhất là trong các lĩnh vực cũng là các ưu tiên của Việt Nam như phát biểu của các DN.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực, ngành nghề mà Việt Nam có điều kiện phát triển và là thế mạnh của Hoa Kỳ; hệ sinh thái chuyển đổi năng lượng chủ động thích ứng biến đổi khí hậu toàn cầu và thực hiện các cam kết của Việt Nam; xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm logistics; nâng cao năng lực hệ thống y tế…
Thủ tướng cũng đề nghị phía Hoa Kỳ tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường thuận lợi, tránh các biện pháp phòng vệ thương mại có thể gây tổn hại cho người dân Việt Nam và người tiêu dùng Hoa Kỳ; tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về thuốc, vắc-xin, nâng cao năng lực y tế…
Thủ tướng mong các DN tiếp tục chia sẻ, sát cánh cùng với Chính phủ và người dân Việt Nam trong bối cảnh một nước đang phát triển có xuất phát điểm thấp, trải qua chiến tranh kéo dài; ủng hộ và đóng góp phát triển quan hệ hai nước, có tiếng nói với Chính phủ Hoa Kỳ để triển khai hợp tác, hỗ trợ phát triển cho Việt Nam; tích cực trao đổi, hợp tác với Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương của Việt Nam trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư; tăng cường hợp tác giữa các hiệp hội DN, ngành hàng hai nước...
Trước đó, trong sáng cùng ngày, phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập 5 nội dung lớn: Sự phát triển của Việt Nam những năm qua và định hướng phát triển trong tương lai; kết quả và tương lai quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ; công tác phòng chống dịch, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; chuyển đổi xanh, thích ứng biến đổi khí hậu; chuyển đổi số.
Theo Thủ tướng, Việt Nam trải qua nhiều cuộc chiến tranh trong thế kỷ XX vì mục tiêu độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Mặc dù chiến tranh đã để lại những hậu quả rất nặng nề, nhưng sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, chưa bao giờ đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Việt Nam đang tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ XHCN, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với 3 nội dung chính: Xóa quan liêu bao cấp; kinh tế nhiều thành phần; hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, xác định 3 khâu đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, với quan điểm xuyên suốt, rất quan trọng là lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển.
Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. “Song song với sự phát triển lớn mạnh của Việt Nam, sau hơn 26 năm bình thường hóa quan hệ (từ năm 1995), quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển rất nhanh, đạt nhiều kết quả tốt đẹp trên các lĩnh vực”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (giữa) tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ
Nhấn mạnh quan hệ hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ đã có những bước phát triển quan trọng, Thủ tướng cho rằng, trong nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với gần 1.150 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,3 tỷ USD, xếp thứ 11/141 nền kinh tế có đầu tư tại Việt Nam. “Tôi vui mừng trước kết quả khảo sát về đầu tư kinh doanh năm 2021 của Amcham, theo đó có gần 80% thành viên AmCham Việt Nam tham gia khảo sát đánh giá rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung và dài hạn tại thị trường Việt Nam. Giai đoạn vừa qua một lần nữa khẳng định tính bổ trợ lẫn nhau giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ và sự năng động của DN hai nước”- Thủ tướng chia sẻ.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của Chính phủ, nhân dân và các DN, nhà đầu tư Hoa Kỳ đối với Việt Nam thời gian qua trong công tác phòng chống dịch. Thủ tướng cho biết, Việt Nam xác định cách tiếp cận toàn dân trong phòng chống dịch, đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết. Năm 2021, khi chưa có đủ vắc-xin, thuốc chữa bệnh, chưa hiểu hết về biến chủng mới, chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó, năng lực y tế còn hạn chế, Việt Nam bắt buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính quyết liệt trên diện rộng để phòng chống dịch Covid-19, làm nhiều hoạt động kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng.
Sau khi đạt độ bao phủ vắc-xin với tỷ lệ tiêm chủng thuộc loại cao nhất thế giới, Việt Nam đã chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tự tin mở cửa trở lại trên cơ sở thực tiễn, khoa học, đang phục hồi nhanh và hướng tới phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Theo đó, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; đã bảo đảm an sinh xã hội cho hàng chục triệu người. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn, Việt Nam vẫn bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh trật tự, an toàn xã hội; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực; lòng tin của nhân dân, DN và bạn bè, đối tác quốc tế được củng cố.
Nhấn mạnh mục tiêu và quyết tâm của Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam tập trung cho chuyển đổi số, đặt mục tiêu xây dựng Chính phủ số, công dân số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Đây là một tất yếu khách quan trong xu thế phát triển hiện nay. Theo Thủ tướng, đây cũng là những vấn đề được phía Hoa Kỳ rất quan tâm, nên có thể tin tưởng hai bên sẽ thành công trong việc giải quyết các vấn đề đặt ra phù hợp với xu thế thế giới và điều kiện, hoàn cảnh của hai nước, quan tâm tới lợi ích chính đáng của nhau, hóa giải các khó khăn, thách thức, thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển trên quan điểm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...