Lợi ngắn, hại dài
20/12/2021 03:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo thống kê, đến hết tháng 11/2021, số người nhận BHXH một lần đã tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2020. Thực trạng này gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội mà Đảng, Nhà nước đề ra và ngành BHXH Việt Nam đang dày công xây dựng.
Việc rút BHXH một lần trước đây đã được các cơ quan chức năng nhiều lần lên tiếng cảnh báo, nhưng số liệu thống kê cho thấy, số người rời khỏi hệ thống BHXH năm sau luôn cao hơn năm trước và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo Bộ LĐ-TB&XH, giai đoạn 2016-2020, cả nước có hơn 3,7 triệu người rút BHXH một lần (trung bình mỗi năm gần 750.000 người), tương ứng 2 người tham gia thì có một người rời hệ thống.
Tư vấn online hỗ trợ NLĐ tìm việc làm (Ảnh minh họa)
Những người rút BHXH một lần tập trung ở độ tuổi từ trên 20 đến 40 tuổi (chiếm 80,9% tổng số người rút BHXH một lần ở giai đoạn này). Trong đó, tập trung đông nhất ở nhóm từ trên 20 đến đủ 30 tuổi (chiếm 42,7%); nhóm từ trên 30 đến đủ 40 tuổi đứng thứ hai, chiếm 38,2%; thấp nhất từ đủ 20 tuổi trở xuống, chiếm 0,25%. Việc NLĐ rút BHXH một lần có xu hướng tăng, gây ra rất nhiều lo ngại, bởi việc này chỉ mang đến cho NLĐ chút lợi ích trước mắt, còn về lâu dài sẽ phải chịu thiệt thòi, nhất là không có lương hưu và không được cấp thẻ BHYT miễn phí.
Như chúng ta đã biết, việc đảm bảo an toàn quỹ và mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT là 2 mục tiêu lớn của Đảng và Nhà nước trong thực hiện chính sách an sinh xã hội. Đối với BHXH, tiền lương hưu và các chế độ, chính sách khác mà NLĐ được hưởng sau quá trình tham gia là giá đỡ an sinh cho họ khi hết tuổi lao động. Tham gia BHXH là hình thức giúp NLĐ có khoản tiết kiệm cho tuổi già, vừa giảm áp lực đối với gia đình, vừa góp phần chia sẻ với xã hội.
Vẫn biết việc rút BHXH một lần là do nhu cầu thực tế của NLĐ và việc rút đó không hoàn toàn sai. Tuy nhiên, NLĐ cần phải nhận thức rõ BHXH như “của để dành”, được Nhà nước bảo hộ, nhằm đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho chính họ khi hết tuổi lao động. Dựa vào số tiền được hưởng hằng tháng, NLĐ có thể yên tâm lo cho tuổi già, nhất là được hưởng các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất, BHYT miễn phí… Đây là những cái lợi lâu dài, khi sức lao động của mỗi người không còn nữa. So với khó khăn về tài chính ở thời điểm còn sung sức, thì khi tuổi già đến, nếu không có các chế độ nói trên, NLĐ còn gặp khó khăn hơn nhiều. Bởi khi rút BHXH một lần, đồng nghĩa NLĐ rời khỏi hệ thống BHXH, tự tước bỏ quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ về sau của mình.
Một số liệu thống kê gần đây cũng cho thấy, hiện cả nước có hơn 60% người cao tuổi không có lương hưu và trợ cấp xã hội, đồng nghĩa với việc họ phải sống dựa vào con cháu hoặc phải tiếp tục lao động để mưu sinh. Điều này lý giải vì sao gần 46% người từ 60-64 tuổi, gần 30% người từ 70-79 tuổi và 10% người hơn 80 tuổi ở nước ta vẫn phải lao động để kiếm sống. Hơn nữa, việc NLĐ lựa chọn rút BHXH một lần không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bản thân, mà còn ảnh hưởng đến nỗ lực và quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước là đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
Do đó, cách hữu hiệu nhất để có tuổi già an yên, không phụ thuộc vào con cháu là cần có nguồn tài chính ổn định qua lương hưu hằng tháng, được cấp thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe trong suốt thời gian hưởng lương hưu. Bởi vậy, NLĐ nên cân nhắc kỹ, trước khi hối hận trong muộn màng.
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...