Lương hưu là… điểm tựa

05/06/2018 02:09 PM


Lĩnh BHXH một lần- lợi bất cập hại

Thời gian qua, số NLĐ nhận trợ cấp BHXH một lần có dấu hiệu gia tăng. Ông Lê Đình Quảng- Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho rằng tình trạng này ảnh hưởng rất lớn tới mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Theo ông Quảng, NLĐ tham gia BHXH khi còn trẻ, để khi hết tuổi lao động sẽ có tiền hưu trí đảm bảo cuộc sống- đây mới là an sinh xã hội lâu dài mà chính sách BHXH hướng đến. Dù một số người vì điều kiện nào đó cần được chi trả BHXH một lần; song hoàn toàn không khuyến khích việc này, mà đều tính đến lâu dài để NLĐ có lương hưu.



Lương hưu sẽ giúp NLĐ yên tâm khi hết tuổi lao động

Về nguyên nhân, ông Quảng cho rằng, trước hết là do rất nhiều người khi đến độ tuổi 35-40 thì bị chủ DN thải loại, khó tìm được việc làm mới. Trong khi đó, đời sống của họ rất nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh nên mới nảy sinh nhu cầu hưởng BHXH một lần để lo cho cuộc sống trước mắt.

Chia sẻ thêm về thực trạng này, theo ông Đỗ Ngọc Thọ- Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), NLĐ cần hết sức thận trọng khi cân nhắc hưởng BHXH một lần. Bởi, trong thời gian qua, mỗi năm có trên 600.000 người nhận BHXH một lần (đang có chiều hướng gia tăng), đồng nghĩa với việc có chừng đó người rời khỏi hệ thống BHXH và sẽ bị giảm hoặc không còn cơ hội được hưởng lương hưu.

Vì thế, theo khuyến cáo của ông Thọ, NLĐ cần ý thức được thời gian đóng BHXH chính là thành quả của quá trình lao động, là một khoản tích lũy của bản thân, là “của để dành” khi không còn khả năng lao động. Khoản tích lũy này sẽ giúp họ sau này không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Ông Thọ cũng chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: Điều kiện hưởng quá rộng rãi (chỉ cần nghỉ việc một năm không tiếp tục tham gia là được hưởng); điều kiện tối thiểu về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu khá dài (20 năm) đã làm nản lòng một bộ phận NLĐ; tâm lý “trẻ cậy cha, già cậy con” vẫn còn nặng nề, chưa hình thành văn hóa đóng- hưởng để tự đảm bảo an sinh khi về già; điều kiện đời sống còn khó khăn… Ngoài ra, trong thời gian qua, trên các trang mạng xã hội lan truyền thông tin thất thiệt, có dụng ý xấu khi cho rằng tham gia BHXH thiệt so với tham gia các loại bảo hiểm thương mại, dẫn đến nhiều NLĐ bị dao động tâm lý.

“Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy các giả định nêu trong ví dụ để so sánh hoàn toàn không chính xác, nhằm mục đích thu hút khách hàng. Chúng tôi đã đưa ra các phản biện hết sức khoa học để so sánh về quyền lợi giữa tham gia bảo hiểm thương mại, gửi tiết kiệm với tham gia BHXH tự nguyện; quyền lợi giữa nhận BHXH một lần với tích lũy để hưởng lương hưu, kèm theo các bài toán đối chứng hết sức cụ thể. Kết quả cho thấy tham gia BHXH thể hiện quyền lợi và sự ưu việt vượt trội. Lương hưu (bao gồm cả BHYT) mới là điểm tựa cho cuộc sống khi NLĐ về già dù mức lương có thể còn khiêm tốn”- ông Thọ nói.

Cần có giải pháp tổng thể

Theo TS.Nguyễn Văn Định- nguyên Trưởng khoa Bảo hiểm (ĐH Kinh tế Quốc dân), NLĐ cần nhận thức tốt hơn về ý nghĩa của BHXH, bởi nếu rút BHXH một lần sẽ ảnh hưởng đến quỹ BHXH và trở thành trào lưu rất nguy hiểm. “Tâm lý đám đông rút BHXH một lần làm cho ý nghĩa của BHXH giảm đi và ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Hơn nữa, nếu rút thì NLĐ cũng chỉ được hưởng một phần rất nhỏ”- ông Định phân tích.

Về thực trạng này, ông Bùi Văn Cường- Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, Nhà nước nên nghiên cứu tính toán quy định khi NLĐ nhận BHXH một lần thì chỉ nhận phần họ đóng, còn phần Nhà nước hoặc người SDLĐ đóng thì không được nhận. Như vậy mới hạn chế NLĐ xin hưởng BHXH một lần.

Đồng quan điểm, ông Lưu Bình Nhưỡng- Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, nếu hưởng BHXH một lần, sau này NLĐ sẽ hết sức “bi đát”... “Tôi đồng ý đề xuất của Tổng Liên đoàn giảm số người hưởng BHXH một lần. Tôi cho rằng, bản chất an sinh xã hội có tính chất lâu dài, bởi đây là chế độ dự phòng mà chủ SDLĐ và Nhà nước đóng cho NLĐ, chứ không phải để NLĐ rút ra. Việc NLĐ rút BHXH một lần là trái pháp luật, không đảm bảo cuộc sống tuổi già và trở thành gánh nặng của xã hội”- ông Nhưỡng nói. Bên cạnh đó, ông Lưu Bình Nhưỡng cũng kiến nghị Nhà nước phải dần dần tiến tới chấm dứt việc cho hưởng BHXH một lần.

Theo Báo BHXH