Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên đồng hành cũng BHYT toàn dân
29/08/2017 02:03 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho học sinh, sinh viên là mối quan lớn của Đảng, Nhà nước, mỗi gia đình và toàn xã hội. Từ năm 1994, chỉ sau khi chính sách BHYT ra đời được 02 năm, BHYT học sinh, sinh viên đã được triển khai trên phạm vi cả nước.
BHYT học sinh, sinh viên là sự kết hợp toàn diện từ việc giáo dục sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế khi không may bị ốm đau phải nằm viện. Do tính chất ưu việt, cộng đồng, nhân văn, nhân đạo nên được toàn xã hội ủng hộ, vượt qua mọi khó khăn trong giai đoạn đầu để ngày càng phát triển. Trên chặng đường luật hóa quy định BHYT bắt buộc toàn dân, HSSV cũng là một trong những nhóm đối tượng “đi trước, đón đầu” khi chính thức trở thành nhóm đối tượng bắt buộc tham gia BHYT từ năm 2010 – sau 17 năm triển khai theo nhóm đối tượng tự nguyện. Đây là bước đột phá quan trọng trong thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. BHYT học sinh, sinh viên là giải pháp tài chính hữu hiệu trong chăm sóc sức khỏe thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước ngay từ khi các em còn là những mầm non, giúp các em có đủ điều kiện tốt về sức khỏe để tiếp thu kiến thức về mọi mặt làm hành trang bước vào đời. Có sức khỏe, thể lực tốt, mới phát triển một cách toàn diện; có khả năng trí tuệ để tiếp thu các kiến thức về xã hội, khoa học mà các thầy cô truyền dạy từ khi ngồi trên ghế nhà trường; đủ năng lực làm chủ đất nước, gánh vác trọng trách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tương lai.
Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai chính sách BHYT học sinh, sinh viên gắn với y tế trường học từ rất lâu. Tại Australia, Anh, Mỹ, Nhật, Ai Cập, Philippines, Thái Lan, Singapore… BHYT học sinh, sinh viên và y tế trường học được xem là một giải pháp cơ bản, lâu dài để chăm sóc sức khỏe cho thế hệ tương lai. Hệ thống y tế trường học phát triển mạnh, hoạt động có hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục kiến thức về sức khỏe cho học sinh. BHYT học sinh, sinh viên trong thực tế đã có tác dụng chăm lo cho thế hệ trẻ một cách toàn diện. Ngoài việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, thông qua chính sách BHYT còn giáo dục cho các em nhận thức tốt về tính cộng đồng, nhân ái, nhân văn, nâng cao giá trị nhân cách và lối sống trong xã hội hiện đại ngày nay. Khi tham gia BHYT các em sẽ thấy được BHYT có tác dụng tốt đối với bạn bè, mọi người chung quanh và ngay cả bản thân chính mình; học được cách chia sẻ khó khăn đồng cảm với những người không may gặp rủi ro, bệnh tật. Chính nhân cách sống ấy sẽ hình thành trong các em và đồng hành cùng các em trong suốt cuộc đời cũng như lưu truyền lại cho muôn thế hệ đời sau. Đây là nền tảng tạo ra bản sắc văn hóa, tính cách văn minh trong mỗi con người của một dân tộc.
Hàng năm đất nước ta có khoảng 25 triệu HSSV học tập tại gần 40.000 trường học các cấp từ giáo dục mầm non đến đào tạo đại học và sau đại học, có thể thấy đây là lực lượng đông đảo chiếm tới 27% dân số, việc hoàn thành bao phủ BHYT đến nhóm đối tượng này có ý nghĩa vô cùng quan trọng với lộ trình BHYT toàn dân. Hơn thế nữa, thực hiện BHYT học sinh, sinh viên còn có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu giáo dục và đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp (Điều 2, Luật Giáo dục, 2009). Theo dòng sự kiện phát triển của BHYT học sinh, sinh viên ở nước ta, có thể thấy quá trình luật hóa quy định BHYT học sinh, sinh viên từ tự nguyện đến bắt buộc luôn đồng hành cùng mục tiêu BHYT toàn dân ở nước ta.
1.Thực hiện BHYT và quyết tâm hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân, trong đó có BHYT học sinh, sinh viên là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta. Trong suốt gần 30 năm qua, Đảng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển và thực hiện chính sách BHYT. Những quan điểm, chủ trương lãnh đạo của Đảng chỉ ra định hướng cho sự phát triển của chính sách BHYT, lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, góp phần bảo đảm An sinh xã hội. Đảng ta đã chỉ rõ: “Phát triển và nâng cao chất lượng BHYT, xây dựng và thực hiện tốt lộ trình tiến tới BHYT toàn dân; phát triển mạnh các loại hình BHYT tự nguyện, BHYT cộng đồng. Mở rộng diện các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập khám bệnh, chữa bệnh theo BHYT. Hạn chế và giảm dần hình thức thanh toán viện phí trực tiếp từ người bệnh. Đổi mới phương thức thanh toán viện phí qua BHYT” [1, tr219-220]
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI chỉ rõ: “Có lộ trình thực hiện BHYT toàn dân” [2]. Ngày 22/11/2012, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020, trên cơ sở nhận thức: “BHYT là chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống An sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội”, khẳng định mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân, phấn đấu đến năm 2020, trên 80% dân số tham gia BHYT [4].
Tại Đại hội lần thứ XII của Đảng tháng 01/2016, Nghị quyết Đại hội Đảng một lần nữa khẳng định: “Tiếp tục thực hiện tốt chính sách BHYT cho toàn dân”, “Đẩy nhanh tiến độ thực hiện BHYT toàn dân” [3].
Như vậy, có thể thấy, chủ trương thực hiện BHYT toàn dân luôn được Đảng ta khẳng định và phát triển qua các kỳ đại hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, BHYT đã khẳng định tính đúng đắn của một chính sách xã hội, phù hợp với tiến trình đổi mới đất nước, góp phần đảm bảo sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó có đối tượng HSSV – chủ nhân tương lai của đất nước.
2. Hành lang pháp lý thực hiện BHYT HSSV ngày càng được hoàn thiện và đầy đủ. Thể chế hóa các quan điểm của Đảng về BHYT trong thời kỳ đổi mới, từ năm 1992, Hiến pháp nước ta đã quy định “Thực hiện BHYT tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe” (Điều 39). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai thực hiện chính sách BHYT.
Để cụ thể hóa Điều 39 Hiến pháp 1992, ngày 15/8/1992, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Nghị định 299-HĐBT ban hành Điều lệ BHYT, tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện chính sách BHYT ở Việt Nam. Điều lệ BHYT quy định BHYT là hình thức bắt buộc đối với cán bộ, công nhân viên chức tại chức, hưu trí, nghỉ mất sức lao động, chủ sử dụng lao động và người lao động; đồng thời quy định các đối tượng khác tham gia BHYT theo hình thức tự nguyện, theo đó, HSSV là đối tượng tham gia BHYT tự nguyện.
Từ khi ra đời Điều lệ BHYT đầu tiên, nhiều nghị định và các thông tư hướng dẫn mới đã được ban hành nhằm điều chỉnh, sửa đổi chính sách BHYT, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước trong việc phát triển BHYT. Cụ thể qua 03 lần sửa đổi, bổ sung 03 Nghị định của Chính phủ (Nghị định số 47/CP, Nghị định số 58/1998/NĐ-CP, Nghị định số 63/2005/NĐ-CP). Các văn bản sửa đổi, bổ sung trên đã làm cho chính sách BHYT ngày càng phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ của đất nước.
Sau 15 năm thực hiện chính sách BHYT, nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, ngày 14/11/2008, Quốc hội đã ban hành Luật BHYT số 25/2008/QH12 [5]. Các quy định, chính sách về BHYT đã được hệ thống hóa và trở thành các quy định của pháp luật, là cơ sở, tiền đề để phát triển BHYT vì An sinh xã hội một cách khoa học, có lộ trình, trong đó, lộ trình thực hiện BHYT toàn dân đã được quy định rõ ràng. Theo đó, Đề án thực hiện lộ trình BHYT toàn dân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29/03/2013 với một lộ trình cụ thể là: “Tăng tỷ lệ dân số tham gia BHYT, tiếp tục duy trì các nhóm đối tượng đã tham gia BHYT đạt 100%, mở rộng các nhóm đối tượng để đến năm 2015 trên 70% dân số tham gia BHYT, đến năm 2020 trên 80% dân số tham gia BHYT”. Đối với nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, Luật quy định lộ trình thực hiện từ tự nguyện chuyển sang đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, theo đó, từ 01/01/2010, học sinh, sinh viên trở thành nhóm đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT bắt buộc.
Ngày 13/6/2014 Quốc hội đã thông qua Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT 2008, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015 [6]. Đây là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật về BHYT tại Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai chính sách BHYT, góp phần tích cực, tạo nguồn tài chính cho việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Trong lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, học sinh, sinh viên tiếp tục được lựa chọn là nhóm đối tượng thực hiện BHYT bắt buộc và sớm được bao phủ BHYT.
3. Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, các bộ ngành, các tỉnh, các nhà trường, học sinh sinh viên tích cực chủ động thực hiện bao phủ BHYT học sinh, sinh viên. Ngay từ khi bắt đầu thực hiện BHYT bắt buộc ở nước ta, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện BHYT tại các cơ sở giáo dục bắt đầu từ năm học 1994-1995 với hình thức BHYT tự nguyện. Đối tượng học sinh, sinh viên với tỷ lệ duy trì khá ổn định, chiếm khoảng 20% - 25% dân số được Chính phủ quan tâm và đưa vào là một trong những nhóm đối tượng cần được triển khai trước nhằm tăng nhanh tỷ lệ bao phủ BHYT. Mặt khác, thực hiện BHYT học sinh, sinh viên còn có tác động mạnh mẽ tới việc xây dựng, hoàn thiện, đổi mới cơ chế tài chính và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế trường học vốn chưa được quan tâm đúng mức.
Trong một thời gian dài, từ giữa thập kỷ 90 của Thế kỷ 20 đến giữa thập kỷ đầu tiên của Thế kỷ 21, công tác y tế trong các trường học vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Mạng lưới cán bộ y tế trong các trường học thiếu về số lượng, chưa bảo đảm chất lượng với trên 80% số trường học trong cả nước chưa có cán bộ y tế chuyên trách; điều kiện giáo dục và chăm sóc sức khoẻ cho học sinh, sinh viên chưa bảo đảm do thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí hoạt động. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong công tác chăm sóc sức khoẻ học sinh, sinh viên chưa chặt chẽ. Điều đó đã dẫn đến gia tăng một số bệnh, tật ở lứa tuổi học đường như cận thị, cong vẹo cột sống, các bệnh về răng miệng, nhiễm giun sán, đặc biệt có những bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời đã gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển về thể chất và tinh thần của học sinh, sinh viên. Do vậy, tập trung thực hiện tốt công tác y tế trong các trường học là rất cấp thiết, nên ngày 12/07/2006 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 23/2006/CT-TTg về việc tăng cường công tác y tế trong các trường học; đến ngày 27/03/2009, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 401/2009/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng chống bệnh, tật học đường trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch triển khai và đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các bộ, ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế có liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác y tế trường học.
Trong những năm gần đây, công tác y tế trường học từng bước được khôi phục và phát triển nhờ nguồn kinh phí do Quỹ BHYT trích lại cho y tế trường học ngày càng được nhiều lên. Báo cáo thống kê hằng năm cho thấy, nguồn kinh phí từ Quỹ BHYT dành cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV tăng từ 75 tỷ đồng vào năm 2006 lên trên 441 tỷ đồng trong năm học 2013-2014 và lên tới gần 600 tỷ đồng vào năm học 2015 – 2016. Kinh phí cho y tế trường học tăng dần từ nguồn Quỹ BHYT đang giữ vai trò chủ yếu trong nguồn kinh phí hoạt động của y tế trường học, khoảng 82%, trong khi phần chi từ ngân sách nhà nước khoảng 18%.
Để đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, ngày 28/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1167/QĐ-TTg về điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020, theo đó, đến hết năm 2016, cả nước phấn đấu đạt 79% dân số tham gia BHYT (thực tế đến hết năm 2016, đã đạt trên 80%); đến hết năm 2020, đạt 90% dân số tham gia BHYT, cao hơn 10% so với chỉ tiêu mà Bộ Chính trị và Quốc hội đã đề ra. Riêng đối với nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt: “Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho học sinh, sinh viên, đảm bảo đến năm 2017 có 100% đối tượng này tham gia BHYT; chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo trong toàn quốc tổ chức thực hiện pháp luật về BHYT của học sinh, sinh viên.”.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong những năm học gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục đào tạo triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng tỷ lệ bao phủ BHYT học sinh, sinh viên; đồng thời, chỉ đạo các sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với BHXH các tỉnh, thành phố tham mưu, đề xuất với UBND các cấp về mức hỗ trợ BHYT đối với học sinh, sinh viên từ ngân sách của địa phương ngoài mức hỗ trợ 30% từ ngân sách Trung ương. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị số 23/2006/CT-TTg ngày 12/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai có hiệu quả Thông tư số 13/2016/TTLT-BYT-BTC-BGDĐT ngày 12/05/2016 của Liên Bộ quy định về công tác y tế trường học.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Giáo dục và đào tạo, sự tích cực tuyên truyền của Ngành BHXH, Ngành Giáo dục và hệ thống các cơ sở giáo dục, việc nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh của hệ thống y tế, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đã dần gia tăng qua các năm. Tính đến hết năm 2016, toàn quốc đã có 15,9 triệu học sinh, sinh viên có BHYT, đạt 92,5%.
Để sớm hoàn thành mục tiêu 100% đối tượng HSSV tham gia BHYT vào năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tuyên truyền vận động HSSV, các cấp, các ngành nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của BHYT học sinh, sinh viên; không ngừng nâng cao ý thức thực hiện pháp luật BHYT của HSSV; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các cơ sở giáo dục và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật BHYT học sinh, sinh viên ngày càng đầy đủ hơn và phù hợp với thực tiễn hơn.
Trải qua gần 25 năm thực hiện (từ năm học 1994-1995 đến nay), với nhận thức BHYT học sinh, sinh viên có đặc thù riêng, là đối tượng tham gia đông đảo; kết quả thực hiện phụ thuộc vào nhận thức, hiểu biết của bản thân học sinh sinh viên và ý thức tuân thủ pháp luật của các gia đình; trách nhiệm thực thi của hệ thống giáo dục, đào tạo cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, BHYT học sinh, sinh viên đã không ngừng phát triển vững mạnh, từ BHYT tự nguyện đến BHYT bắt buộc và luôn đồng hành cùng BHYT toàn dân góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển một cách hài hòa và toàn diện./.
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...