Tây Hòa “thắng lớn” BHXH tự nguyện
07/01/2020 09:42 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
BHXH huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên) tổ chức truyền thông theo nhóm nhỏ để có được “nhóm lớn” tham gia BHXH tự nguyện. Đây được coi là một trong những thành công mà tập thể CCVC trong đơn vị đạt được, trong nỗ lực bao phủ an sinh trên vùng đất này.
Tính kỹ để tham gia “tới nơi tới chốn”
Cuối tháng 11, chúng tôi có dịp đến trụ sở xã Hòa Phú (Tây Hòa, Phú Yên) dự buổi truyền thông nhóm nhỏ, khoảng 30 người cả nam lẫn nữ, về BHXH tự nguyện. Báo cáo viên hôm ấy là chị Ngô Thị Thúy Diễm- Phó Giám đốc BHXH huyện, cùng 2 nhân viên đại lý của xã là chị Đào Thị Thanh Thơ (thôn Liên Thạnh) và chị Phan Thị Nga (thôn Hương Phước).
Một buổi truyền thông theo nhóm nhỏ do BHXH huyện Tây Hòa tổ chức
Lúc chị Diễm trình bày, chúng tôi thấy bà con rất chú tâm nghe, thi thoảng lại “à, vậy à” rõ to. Xong phần trình bày, chị Diễm nhẹ nhàng hỏi: “Bà con có gì thắc mắc không, cứ tự nhiên hỏi lớn?”. Hơn một phút trôi qua, chợt có tiếng hỏi to: “Ở Liên Thạnh thì gặp chị Thơ đăng ký phải không?”. Chị Diễm chưa kịp trả lời, thì tiếng chị Thơ đã đáp: “Ai đó, ai đó, tui đây, tui đây!...”.
Vậy là, buổi truyền thông nhóm nhỏ bắt đầu chia nhỏ nhóm hơn nữa. Một nhóm vây quanh chị Thơ thôn Liên Thạnh. Một nhóm vây quanh chị Nga thôn Hương Phước. Nhóm khác lại vây quanh chị Diễm. Thấy các chị người nào việc nấy, chúng tôi chỉ lặng lẽ quan sát. Chị Nga thì thu tiền viết biên lai; chị Thơ hướng dẫn bà con viết tờ khai… Khoảng 30 phút sau, chúng tôi ghé tai chị Thơ: “Tình hình sao chị?”. Chị nhìn chúng tôi cười tươi rói: “5 người vừa tham gia”. Còn chị Nga cũng phấn khởi: “Bên mình cũng vậy luôn!”.
Trong lúc các chị tiếp tục công việc, chúng tôi tranh thủ hỏi chuyện chị Huỳnh Thị Thái, một nông dân ở thôn Liên Thạnh, người vừa tham gia BHXH tự nguyện cho cả 2 vợ chồng với mức đóng 424.000 đồng/người/tháng. “Chị Thơ nói với mình mấy tháng nay rồi nhưng vợ chồng cứ bàn tới bàn lui, nay nghe thêm thấy ổn nên quyết luôn”- chị Thái chia sẻ. Theo chị Thái, giờ chị đóng hàng tháng; đến qua Tết thu hoạch từ chăn nuôi và trồng trọt chị sẽ chuyển sang đóng luôn một năm. Ngồi cạnh chị Thái là chị Ngọc và chồng là anh Ô, cũng vừa đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. “Vợ chồng tui cũng tính vậy. Có tiền mũi thì đóng tháng. Có tiền bán cây trồng thì đóng năm. Mình làm nông phải tính kỹ mới theo lâu được”- chị Ngọc chia sẻ.
Ở Tây Hòa, người dân chủ yếu làm nghề nông. Bởi vậy, khi tham gia BHXH tự nguyện, ai cũng tính kỹ để có thể theo tới cùng. Theo chị Thơ, bà con thường hỏi rất kỹ mức đóng và cách đóng để tính toán phần thu hoạch huê lợi nông nghiệp để lựa chọn phù hợp nhất. “Khi tổ chức truyền thông nhóm, đại lý lo phần mời bà con, còn BHXH huyện lo phần trình bày và giải đáp. Khi bà con tham gia, phía BHXH huyện cũng lo luôn phần cấp sổ BHXH tại chỗ nên bà con an tâm, hào hứng lắm”- chị Thơ chia sẻ.
Trong cái khó ló cái khôn
Năm 2018, huyện Tây Hòa chỉ có 313 người tham gia BHXH tự nguyện- đạt hơn 80% kế hoạch. “Mình với anh Nhu (Giám đốc BHXH huyện- PV) lo lắm. Phải tìm cách thôi, chứ không thì năm 2019 lại không đạt kế hoạch 812 người”- chị Diễm kể về lý do ra đời sáng kiến “Gia tăng người tham gia BHXH tự nguyện” mà chị là tác giả.
Vậy là, ngay đầu năm nay, BHXH huyện đã đổi mới hình thức tổ chức các hội nghị tuyên truyền theo cách chia thành những nhóm nhỏ, chọn những đối tượng tiềm năng. “Chúng tôi giao trách nhiệm và chỉ tiêu cho các đại lý. Trước mỗi hội nghị, chúng tôi đều trao đổi với đại lý để nắm bắt thông tin, lên ý tưởng tuyên truyền nhằm trúng tâm lý bà con. Vì vậy, có hội nghị 40 người dự thì có tới 32 người tham gia, có hội nghị 60 người dự thì có hơn 40 người tham gia…”- chị Diễm phấn khởi kể.
Ngoài ra, chị Diễm còn trực tiếp đề nghị cán bộ xã vận động người thân tham gia BHXH tự nguyện trước để tạo sự lan tỏa tới người dân. “Tôi cũng để ý và tiếp cận với những người đang hưởng chế độ thất nghiệp nhưng chưa tham gia BHXH bắt buộc trở lại, đối tượng công an viên của xã đã thôi không tham gia BHXH tự nguyện bằng kinh phí hỗ trợ từ NSNN, để vận động họ tự tham gia tiếp”- chị Diễm cho biết thêm.
Một điểm đặc biệt nữa, đó là trong quá trình đi đến từng nhà người dân, nếu gặp những vấn đề vướng mắc phát sinh thì nhân viên đại lý kịp thời báo cáo, để cán bộ BHXH huyện đưa ra ý kiến xử lý ngay, giúp nhân viên đại lý không bị lúng túng trong việc giải đáp cho bà con. Vì vậy, đã tạo niềm tin cho bà con, giúp cho việc tuyên truyền đạt hiệu quả cao. “Tính đến nay, Tây Hòa đã đạt gần 150% kế hoạch BHXH tự nguyện, tăng gần 240% so với cuối năm 2018”- chị Diễm vui mừng nói.
Đỗ Bá
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình
Hướng dẫn tra cứu thông tin bảo hiểm y tế
Phú Yên: Đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc về ...
Huyện Tuy An: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham ...
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...
BHXH tỉnh: Nỗ lực khắc phục khó khăn để sớm “cán đích” năm ...