Khám chữa bệnh ban đầu đúng tuyến là sẻ chia trách nhiệm cộng đồng
02/05/2024 03:30 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Việc lựa chọn nơi khám chữa bệnh ban đầu phù hợp với tình hình sức khỏe, nơi cư trú của người tham gia BHYT là hành động thiết thực nhằm giảm áp lực cho ngành Y tế, cơ quan BHXH; đồng thời thể hiện tinh thần chia sẻ mang tính cộng đồng trong việc khám chữa bệnh với phương châm người bệnh nhẹ ưu tiên cho người bệnh nặng.
Bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện Sông Hinh thăm khám cho bệnh nhân điều trị nội trú bằng thẻ BHYT. Ảnh: LỆ VĂN
Mở rộng phạm vi khám chữa bệnh
Cầm trên tay tấm thẻ bảo BHYT được địa phương cấp miễn phí cho các thành viên trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, tuy mừng nhưng bà Nguyễn Thị Hồng (phường 3, TP Tuy Hòa) vẫn nuối tiếc: “Phải chi được đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu ở Bệnh viện Đa khoa Phú Yên thì hay biết mấy.
Bởi lẽ nếu đăng ký ở trạm y tế thì mỗi khi bệnh nặng phải lên trạm y tế xin giấy chuyển viện rất phiền phức”. Bà Hồng muốn được đăng ký nơi khám bệnh ban đầu ở Bệnh viện Đa khoa Phú Yên vì cho rằng, nếu được điều trị ở bệnh viện thì kỹ thuật hiện đại, nhiều loại thuốc hơn, bệnh nhanh khỏi hơn.
Trái với suy nghĩ của bà Hồng, ông Nguyễn Tấn Hùng (phường 6, TP Tuy Hòa) lại cho rằng: “Tôi thường xuyên khám bệnh ở trạm y tế. Với những bệnh đơn giản như nhức đầu, sốt, cao huyết áp…, thì đến trạm y tế KCB sẽ không mất nhiều thời gian như KCB ở bệnh viện tỉnh”.
Theo y sĩ đa khoa Nguyễn Thị Như Khuê, Trưởng trạm Y tế phường 6, thời gian qua, nhờ sự đầu tư của Nhà nước, trạm y tế phường cũng đã bổ sung nhân lực và thuốc men đầy đủ. Hiện trạm có 8 nhân viên, gồm: 4 y sĩ đa khoa và các y sĩ y học cổ truyền, dược sĩ đại học, hộ sinh, điều dưỡng… Bình quân hằng tháng, trạm KCB cho khoảng 70-80 bệnh nhân có thẻ BHYT. Đặc biệt, người có thẻ BHYT của tuyến thành phố và tỉnh vẫn về khám bệnh tại đây.
“Từ tháng 1/2016, theo quy định mới, người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế tuyến xã, phường hoặc phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến huyện, thành phố, thị xã có quyền lựa chọn KCB tại bất kỳ trạm y tế tuyến xã, phường hoặc phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn toàn tỉnh và được hưởng 100% chi phí KCB theo mức quyền lợi hưởng BHYT. Điều này được người dân đồng tình, ủng hộ cao”, y sĩ Nguyễn Thị Như Khuê cho biết.
Nhiều đối tượng được đặc cách
Theo ông Hồ Phương, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, theo Luật BHYT sửa đổi bổ sung, từ ngày 1/1/2021, người tham gia BHYT tự đi KCB không đúng tuyến tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước, được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng quy định.
Trường hợp hết giai đoạn cấp cứu, người bệnh được chuyển đến khoa, phòng điều trị khác để tiếp tục theo dõi, điều trị hoặc chuyển tuyến KCB, mức hưởng BHYT được thực hiện như quy định.
Ngoài ra quy định thông tuyến theo Luật BHYT sửa đổi bổ sung một số điều sẽ đặc cách cho một số nhóm đối tượng được thông tuyến KCB đến tuyến tỉnh và tuyến trung ương trên phạm vi cả nước. Trường hợp này sẽ được áp dụng với những người thuộc diện hộ nghèo và người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại những vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo.
Căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn của Bộ Y tế, BHXH tỉnh và Sở Y tế vừa ban hành Hướng dẫn KCB BHYT ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT.
Theo đó, người tham gia BHYT được quyền đăng ký KCB BHYT ban đầu tại một trong các cơ sở KCB tuyến xã, tuyến huyện không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở KCB. Bên cạnh đó, người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở KCB tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền KCB BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh và được hưởng quyền lợi theo quy định.
Mặt khác, người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở KCB tuyến xã có các bệnh lý thuộc các chuyên khoa nếu vượt quá khả năng chuyên môn của đơn vị tuyến trên liền kề (tuyến huyện) được chuyển tuyến KCB đến cơ sở KCB BHYT tuyến tỉnh. Người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở KCB tuyến xã được chuyển tuyến KCB đến Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Đối với người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế các xã: An Chấn, An Hòa Hải, An Hiệp, An Thọ, An Mỹ (huyện Tuy An).
Ngoài việc thực hiện việc chuyển tuyến KCB như quy định nêu trên, tùy tình trạng bệnh lý được chuyển tuyến KCB đến Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh.
“Người dân tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh nên lựa chọn đăng ký KCB ban đầu tại nơi thuận tiện nhất, đúng quy định nhưng đảm bảo phù hợp với tình hình sức khỏe của mình để tránh tình trạng KCB vượt tuyến gây quá tải, lãng phí, làm giảm chất lượng KCB cho đối tượng tham gia BHYT”, ông Hồ Phương lưu ý thêm.
Theo Luật BHYT sửa đổi bổ sung, từ ngày 1/1/2021, người tham gia BHYT tự đi KCB không đúng tuyến tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước, được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi mức hưởng của thẻ BHYT (như trường hợp đúng tuyến). Cụ thể, tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú; tại bệnh viện tuyến tỉnh là 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước; tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí KCB.
Văn Tài
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình
Hướng dẫn tra cứu thông tin bảo hiểm y tế
BHXH tỉnh Phú Yên thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, kế ...
BHXH tỉnh: Phát động phong trào thi đua toàn hệ thống năm ...
Thư mời Ký hợp đồng ủy quyền thu, phát triển người tham gia ...
BHXH tỉnh Phú Yên đứng đầu vị trí xếp loại chất lượng hoạt ...
NĂM 2024: NGÀNH BHXH TỈNH NỖ LỰC ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI CHO ...