Thứ tư, ngày 22/01/2025

Dự án Luật BHXH (sửa đổi): Làm rõ thêm những vấn đề mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn

22/07/2023 09:44 AM


Chiều 19/7, tại Thái Nguyên, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo khu vực phía Bắc lấy ý kiến Dự án Luật BHXH (sửa đổi).

Tham dự có đại diện Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Nguyên, Hải Dương, Phú Thọ, Yên Bái, Lạng Sơn, Thanh Hóa và đại diện Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Thuần Phong- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng như: đã hình thành hệ thống chính sách BHXH khá đồng bộ, bao quát hầu hết các chế độ theo thông lệ quốc tế. Chính sách BHXH đã từng bước bảo đảm thay thế cho NLĐ giải quyết những rủi ro trong cuộc sống khi ốm đau, bệnh tật, TNLĐ-BNN, mất việc làm. Diện bao phủ BHXH theo quy định của pháp luật và quy mô tham gia trên thực tế ngày càng được mở rộng. Số lượng người hưởng chế độ BHXH không ngừng tăng lên, tổng số thu- chi tăng nhanh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc ban hành chính sách và tổ chức thực hiện vẫn còn những hạn chế, vướng mắc, đòi hỏi sớm sửa đổi Luật BHXH năm 2014. Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, dự án Luật BHXH (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 tới (tháng 10/2023). “Đây là dự án Luật có tác động rộng lớn đến nhiều đối tượng, nên đề nghị các đại biểu tham gia góp ý có chất lượng, trách nhiệm, đặc biệt là từ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của các địa phương, đơn vị, DN”- ông Phong nhấn mạnh.

Thông tin về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), ông Nguyễn Duy Cường- Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được kết cấu gồm 9 chương và 136 điều, trên cơ sở kế thừa kết cấu của Luật BHXH năm 2014. Luật BHXH lần này được sửa đổi căn bản, toàn diện nhằm mục tiêu bảo đảm ASXH của người dân; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật BHXH năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm yếu tố bình đẳng giới; mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút NLĐ tham gia BHXH; hoàn thiện quy định quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Tham gia ý kiến về việc phát triển BHXH tự nguyện trên địa bàn, ông Đinh Văn Sơn- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Thái Nguyên cho biết, những năm qua, BHXH tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực tìm mọi giải pháp để tuyên truyền và phát triển người tham gia BHXH tự nguyện nhằm hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được cấp trên giao khi quy định pháp luật này được Nhà nước ban hành; đặc biệt khi Nghị quyết 28-NQ/TW được ban hành, BHXH tỉnh đã tham mưu với Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 25-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết 28, quán triệt triển khai trong hệ thống tổ chức đảng các cấp, đồng thời phối hợp với các Sở, ngành tham mưu với UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đặc biệt, tham mưu với UBND tỉnh đã kiện toàn kiện toàn BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban; thành lập, kiện toàn BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp huyện, cấp xã. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, hội đoàn thể, hệ thống chính quyềncấp huyện, cấp xã tổ chức tuyên truyền và đối thoại trực tiếp, hội nghị truyền thông (phổ biến pháp luật, tư vấn, hướng dẫn, vận động khách hàng) về chính sách pháp luật BHXH, BHYT, trong đó có chính sách BHXH tự nguyện,qua đó, tác động đáng kể tới nhận thức của Nhân dân, nhất là những người lao động ở khu vực phi chính thức, lao động tự do, người có thu nhập, qua đó, vận động phát triển người tham gia BHXH tự nguyện.

Cũng theo ông Sơn, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, số người tham gia BHXH tự nguyện tại Thái Nguyên đã tăng đáng kể. Năm 2020 số người tham gia BHXH tự nguyện là 18.240 người tăng 9.772 người so với năm 2019; năm 2021, số người tham gia BHXH tự nguyện là 27.095 người tăng 8.855 người so với năm 2020 thì năm 2022 số người tham gia BHXH tự nguyện là 27.442 người tăng 347 người so với năm 2021 và chiếm tỷ lệ 4,7% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tuy nhiên, dù thực hiện đồng bộ các giải pháp song số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn chưa cao, chưa bền vững. Do đó, Trung ương tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hoàn thiện chính sách BHXH, trong đó xem xét sửa đổi Luật BHXH phù hợp với tình hình thực tế, theo hướng giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu ở mức tối thiểu từ 20 năm như hiện nay, xuống còn 15 năm theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW. Điều này sẽ góp phần tăng mức độ hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, người tham gia sẽ có thêm động lực tiếp tục bảo lưu, tích lũy thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho NLĐ. Nghiên cứu bổ sung chế độ hưởng đối với người tham gia BHXH tự nguyện (hiện nay đang quy định 02 chế độ hưu trí và tử tuất) để nhằm thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời, quy định theo hướng tăng hỗ trợ mức đóng từ ngân sách cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo…

Tại Hội thảo, các đại biểu cơ bản nhất trí với việc sửa đổi Luật BHXH và tập trung thảo luận về các nội dung trọng tâm của Dự án Luật.

Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn