Thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp: Các cấp, ngành cần quan tâm và vào cuộc quyết liệt hơn
19/09/2022 07:41 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 16/9, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh, Ủy ban Xã hội của Quốc hội họp phiên mở rộng thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2021.
Tham dự phiên họp có Phó Chủ nhiệm Đặng Thuần Phong, Nguyễn Thị Kim Thúy; các ủy viên Ủy ban Xã hội, đại diện một số Ủy ban của Quốc hội. Về phía bộ, ngành có Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, đại diện Bộ Tài chính, VCCI, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh; đại diện BHXH Bộ Quốc phòng và BHXH Công an nhân dân.
Bà Nguyễn Thúy Anh- Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội phát biểu chủ trì phiên họp
Kịp thời đảm bảo quyền lợi NLĐ
Báo cáo tại phiên họp, ông Nguyễn Bá Hoan- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp và lan rộng làm ảnh hưởng đến cuộc sống của NLĐ, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, Chính phủ tiếp tục ban hành hoặc trình Quốc hội ban hành chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 từ các quỹ BHXH, BH thất nghiệp; chính sách giảm mức đóng BH TNLĐ-BNN, chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí, tử tuất; chính sách giảm mức đóng BH thất nghiệp cho người SDLĐ; chính sách hỗ trợ bằng tiền cho NLĐ bị ảnh hưởng từ kết dư quỹ BH thất nghiệp; chính sách đào tạo nâng cao bồi dưỡng kỹ năng duy trì việc làm cho NLĐ.
Phiên họp mở rộng của Ủy ban Xã hội
Đồng thời, Chính phủ nỗ lực, quyết tâm trong việc trình Quốc hội ban hành Nghị định số 108/2021 điều chỉnh tăng thêm 7,4% mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng trước ngày 1/1/2022. Ngoài ra, đối với người nghỉ hưu, hưởng trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng trước ngày 1/1/1995 mà sau khi điều chỉnh có mức hưởng lương thấp hơn 2,5 triệu đồng/tháng thì sẽ được điều chỉnh tăng thêm tối đa 200.000 đồng/người...
Cũng theo ông Nguyễn Bá Hoan, nhờ sự vào cuộc tích cực của Chính phủ, các bộ ngành, đặc biệt của ngành BHXH Việt Nam nên số người tham gia, số thu BHXH bắt buộc có tăng lên so với năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục gia tăng, vượt mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tại Nghị quyết số 28. Cụ thể, đến hết ngày 31/12/2021, số người tham gia BHXH bắt buộc là hơn 15,09 triệu người, tăng hơn 32,7 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020 (tương đương với mức tăng 0,22%) và chiếm gần 33,55% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đến hết năm 2021, số người tham gia BHXH tự nguyện là gần 1,45 triệu người, tăng hơn 325.000 người so với năm 2020, tương đương với mức tăng 28,92%, chiếm 3,2% lực lượng lao động trong độ tuổi. “Cùng với đó, số thu BHXH bắt buộc trong năm 2021 là hơn 263,4 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 1,8 nghìn tỷ đồng so với năm 20202 (tương đương với mức tăng 0,7%). Song tổng số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc là hơn 10,2 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với năm 2020, tương đương mức tăng 10,97%; lãi phạt chậm đóng là hơn 2.900 tỷ đồng”- ông Hoan cho biết.
Đại diện các bộ, ngành, đơn vị tham dự phiên họp
Số người được giải quyết lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng là 107.070 người, giảm 44.119 người so với năm 2020; số người được giải quyết hưởng trợ cấp một lần là 1.067.889 người, tăng 77.093 người so với năm 2020; giải quyết hưởng chế độ ốm đau cho hơn 5,6 triệu lượt người, giảm khoảng 2,3 triệu lượt người so với năm 2020. Giải quyết hưởng chế độ thai sản cho hơn 1,4 triệu lượt người, giảm khoảng 403.000 lượt người so với năm 2020. Đáng chú ý, quỹ Hưu trí, tử tuất đảm bảo chi trả cho hơn 2,18 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, số tiền chi trả trong năm là hơn 131,3 nghìn tỷ đồng; quỹ ốm đau, thai sản đã chi trả cho hơn 7,7 triệu lượt người.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Hoan cũng cho rằng, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp còn dưới mức tiềm năng, tốc độ gia tăng năm sau so với năm trước còn chậm, đặc biệt đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến việc làm của NLĐ, đồng thời cũng gây khó khăn trong việc vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BH thất nghiệp còn diễn ra khá phổ biến; một số địa phương chưa thực sự quan tâm sâu sắc đến chính sách BHXH. Đặc biệt, năm 2021 vấn đề vướng mắc trong hồ sơ hưởng BHXH đối với NLĐ mắc Covid-19 điều trị tại nhà về cơ bản đã được tháo gỡ, song vẫn còn một bộ phận NLĐ đã điều trị, cách ly co Covid-19 tại nhà nhưng chưa có giấy tờ theo đúng quy định để giải quyết hưởng BHXH. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan xử lý dứt điểm vấn đề này nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của NLĐ...
Phân loại đơn vị chậm đóng, nợ đóng để xử lý
Ghi nhận những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện chính sách BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2021, song ông Đặng Thuần Phong- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, công tác thanh kiểm tra đã được quan tâm, từng bước thể hiện đúng trách nhiệm của Ngành BHXH Việt Nam trong thực hiện chính sách ASXH. Song công tác tuyên truyền chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, có nơi cấp ủy chính quyền coi công tác tuyên truyền BHXH, BH thất nghiệp là nhiệm vụ riêng của ngành BHXH Việt Nam; cán bộ làm công tác tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa nắm vững được chính sách nên hiệu quả còn chưa cao. Đối tượng tham gia dù tiếp tục được mở rộng, luôn đạt kế hoạch, song đối tượng tham gia bền vững BHXH bắt buộc chưa đạt, cho thấy việc tham gia BHXH bắt buộc rất khó đạt Nghị quyết số 28 đề ra cho giai đoạn 2025- 2030. Việc phát triển BHXH tự nguyện vượt xa chỉ tiêu năm 2021 và đạt mục tiêu đến năm 2025- làm rất tốt. Bên cạnh đó, tình trạng chậm đóng BHXH vẫn diễn ra, nhất là DN NQD; thông tin kết nối dữ liệu với ngành thuế làm tốt; chấp hành chưa đầy đủ về BHXH chưa có nhiều cải thiện, nhóm DN NQD đã nhìn được nhưng cách xử lý nắm chắc khai trình nhóm lao động này. Mặt khác, qua giám sát tại các địa phương cho thấy, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BH thất nghiệp tăng tương đương với năm 2020 và có rất ít lao động được đóng BHXH đúng theo thu nhập thực tế DN trả...
Liên quan đến tình trạng chậm đóng BHXH, ông Lê Văn Khảm- Ủy viên Thường trực Uỷ ban Xã hội cũng cho rằng năm 2021, số tiền lãi phạt chậm đóng BHXH gần 3.000 đồng đã được thu vào quỹ BHXH chưa. Đặc biệt, thời gian đơn vị chậm đóng hơn 3 năm nhưng vẫn chỉ được xem là chậm đóng BHXH chứ chưa xác định là trốn đóng- điều này do quy định pháp luật và cần được điều chỉnh để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ cũng như đảm bảo quỹ BHXH. “Với đặc thù dịch bệnh bùng phát, các tỉnh giãn cách xã hội nhưng công tác thanh kiểm tra các quy định về BHXH vẫn tăng 42%, do ngành BHXH làm rất tích cực. Tuy vậy, số nợ BHXH vẫn còn cao bên cạnh do ảnh hưởng dịch bệnh cũng có nhiều đơn vị cố tình trốn đóng, chậm đóng. Trong khi đó, Hội đồng thẩm phán trung ương đã có Nghị quyết số 05 về xử lý hành vi trốn đóng BHXH và cơ quan BHXH có quyền đề nghị khởi tố DN tội trên. Thế nhưng đến nay TP HCM đã chuyển cơ quan công an 84 hồ sơ, Hà Nội chuyển 4 hồ sơ đề nghị khởi tố theo Điều 216 Bộ luật Hình sự song chưa có đơn vị nào được toà án đưa ra khởi tố. Vậy vấn đề này có vướng mắc gì bởi các địa phương rất mong muốn khởi tố được một vài đơn vị”- ông Khảm phân tích.
Dưới góc độ bảo vệ quyền lợi NLĐ, ông Phan Văn Anh- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, những năm qua, Tổng LĐLĐ đã chủ động chỉ đạo các cấp công đoàn thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BH thất nghiệp cho đoàn viên, NLĐ; tham gia tích cực trong công tác thanh kiểm tra; phối hợp BHXH cấp huyện thực hiện tuyên truyền chính sách. Đặc biệt, chủ động tham gia sửa đổi chính sách BHXH, nhất là về Luật BHXH, Luật Việc làm. Ông Phan Văn Anh cho biết: “Năm 2021 dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế- xã hội, đời sống NLĐ nhưng kết quả công tác mở rộng diện bao phủ BHXH đã đạt tích cực, quyền lợi NLĐ được đảm bảo; công tác thanh kiểm tra được tăng cường. Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến công tác thanh kiểm tra, giảm thiểu tình trạng chậm đóng, nợ đóng BHXH gây ảnh hưởng đến NLĐ; chú trọng thu hồi các khoản chi sai từ quỹ BH thất nghiệp”.
Tại cuộc họp, các thành viên Ủy ban ghi nhận và đánh giá cao công tác thực hiện chính sách BHXH trong năm qua, nhất là việc mở rộng diện bao phủ BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện tăng vượt bậc; công tác thanh kiểm tra đã làm tương đối tốt... Đồng thời, đề nghị làm rõ tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nhận diện được hành vi để có giải pháp kịp thời hạn chế; phân loại nhóm DN trốn đóng, chậm đóng để đánh giá cụ thể; làm rõ hơn qua thanh tra phát hiện 14.000 lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia; số lao động đóng thiếu mức tiền lương làm căn cứ đóng... để kiến nghị xử lý DN chưa thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, nhất là quy định Luật BHXH.
Cần “vào cuộc” quyết liệt hơn nữa
Thông tin làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, BHXH Việt Nam đã có các văn bản gửi Bí thư tỉnh ủy, thành phố về công tác BHXH để địa phương đưa vào Nghị quyết của Ban Thường vụ, họp HĐND ra Nghị quyết giao chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT đến từng huyện, xã. Đến nay, đã có 56 tỉnh HĐND giao chỉ tiêu, trong đó có 42 tỉnh giao chỉ tiêu phát triển BHXH đến từng huyện; 31 tỉnh giao chỉ tiêu này đến cấp xã- toàn hệ thống chính trị vào cuộc. 61 tỉnh đã thực hiện giao chỉ tiêu phát triển BHYT.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh thông tin về một số vấn đề tại phiên họp
Cũng theo ông Nguyễn Thế Mạnh, năm 2021 dù khó khăn nhưng với sự cố gắng của ngành BHXH Việt Nam cùng các ngành, cấp nên công tác phát triển BHXH, BH thất nghiệp đã tăng. Đặc biệt đối tượng BHXH bắt buộc tăng lên dù ít cũng là sự cố gắng của Ngành và Ngành xác định tập trung vận động người tham gia BHXH tự nguyện nhằm bù vào số BHXH bắt buộc để đạt kế hoạch giao. “Liên quan công tác thanh kiểm tra, BHXH Việt Nam đã kết hợp các phương pháp từ trực tiếp đến thanh tra hồ sơ, ứng dụng CNTT vào hoạt động. Dù số cuộc thanh tra chưa đạt như mong muốn nhưng chất lượng đã “tinh” do phối hợp với các đơn vị, đôn đốc thu nộp ngay từ ban đầu, sử dụng các biện pháp hợp lý, tiến hành thanh tra chuyên đề nợ. Do đó, sau thanh tra các đơn vị đã nộp tiền nợ đã nợ đạt 95%. Liên quan đến các đơn vị giải thể phá sản, ngành BHXH cơ bản giải quyết xong, trong số 29.533 đơn vị giải thể, phá sản nợ BHXH với tiền trên 2.500 tỷ đồng, chúng tôi đã giải quyết được 26.000 lao động với 2.500 tỷ; còn 47 tỷ đồng- rất khó tìm từng NLĐ bởi DN không còn, quy trình khai báo ngày xưa không như bây giờ”- Tổng Giám đốc phân tích.
Thông tin thêm, ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong bối ảnh dịch bệnh như vậy, chỉ tiêu phát triển BHXH bắt buộc vẫn duy trì và có sự gia tăng, người tham gia BHXH tự nguyện đã đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết số 28. Rõ ràng sau Nghị quyết số 28 với tư duy và cách làm mới, giao chỉ tiêu cho các địa phương nên nhận thức của các cấp ủy địa phương về trách nhiệm của mình và có sự gắn bó với cơ quan BHXH. “Năm 2021 đã chú trọng đến công tác thanh kiểm tra, hiệu quả công tác thanh tra đã tiến bộ, việc thực hiện các chính sách có tính chất đột xuất, tình thế làm rất nhiều, đòi hỏi thời gian rất gắt gao... nhưng đến nay các công việc này cơ bản làm tốt. Qua kiểm toán, thanh tra cho thấy thấy tỷ lệ tiêu cực chiếm rất nhỏ. Quốc hội đã nhận định khó khăn trong xử lý DN nợ BHXH giải thế, phá sản nhưng đến giờ đã làm quyết liệt và làm tốt. Hiện số nợ chỉ còn 47 tỷ đồng (có thể xử lý được) cần biểu dương trách nhiệm của BHXH Việt Nam”- ông Dung khẳng định.
Phát biểu kết luận cuộc họp, bà Nguyễn Thúy Anh- Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội khẳng định, Thường trực Ủy ban Xã hội đã đánh giá cao Chính phủ, các Bộ, nhất BHXH Việt Nam, đã triển khai chính sách tốt chính sách BHXH năm 2021. Đồng thời, có nhiều nỗ lực trong thanh kiểm tra, ứng dụng CNTT trong tuyên truyền nên người tham gia BHXH, đặc biệt BHXH tự nguyện, tăng cao. Tuy nhiên, vấn đề chậm đóng, nợ đóng, trốn đóng BHXH vẫn tồn tại nên cần có những biện pháp quyết liệt hơn, hành động cụ thể hơn để giảm nợ. Bà Thúy Anh nhấn mạnh: “Về xử lý đơn vị nợ BHXH, cơ quan BHXH rất cố gắng nhưng chưa xử lý dứt điểm được, nhiều địa phương đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xử lý được đơn vị nào nên Ủy ban mong muốn sẽ khởi tố được một số trường hợp DN nợ BHXH để răn đe các đơn vị khác. Do vậy, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị cơ quan Công an quan tâm đến vấn đề này, nếu vướng mắc ở nội dung nào có giải pháp để tiếp tục kiến nghị Toà án có sửa đổi bổ sung”.
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình
Hướng dẫn tra cứu thông tin bảo hiểm y tế
Dấu ấn công tác thu, phát triển người tham gia năm 2024 của ...
BHXH tỉnh Phú Yên thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, kế ...
BHXH tỉnh: Phát động phong trào thi đua toàn hệ thống năm ...
Thư mời Ký hợp đồng ủy quyền thu, phát triển người tham gia ...
BHXH tỉnh Phú Yên đứng đầu vị trí xếp loại chất lượng hoạt ...