Xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn
04/03/2022 04:05 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 4/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật, xem xét cho ý kiến về 5 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết của Quốc hội. Đây là phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật lần thứ 3 trong năm 2022.
Tại phiên họp, Chính phủ cho ý kiến về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện (Bộ TT-TT trình); dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) (Bộ VH-TT&DL trình); dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở (Bộ Công an trình); dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Bộ Công an trình); dự án Luật Đường bộ (Bộ GTVT trình); dự thảo Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam (Bộ Công an trình).
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chính phủ tiến hành phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật nhằm tiếp tục thúc đẩy công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế- một trong ba đột phá chiến lược. Do có nhiều nội dung phức tạp và đòi hỏi yêu cầu cao, nên Thủ tướng đề nghị các báo cáo trình bày, ý kiến phát biểu ngắn gọn, đúng trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Cũng theo Thủ tướng, từ đầu năm tới nay, Chính phủ đã tổ chức 2 phiên họp chuyên đề, cho ý kiến thông qua đối với 16 dự án luật, đề nghị xây dựng luật và đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; thể hiện quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phân công các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, nên công việc trôi chảy hơn, nhanh hơn. Nhìn chung, các bộ, ngành đã nỗ lực, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung nguồn lực con người; đồng thời tích cực chuẩn bị, trình các dự án, đề xuất xây dựng luật bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Tại các phiên họp này, Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh tinh thần phải đầu tư cho công tác xây dựng thể chế tương xứng với một trong 3 đột phá chiến lược. Đặc biệt, cần tập trung hơn nữa cho việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho người dân, DN, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, các cơ quan xây dựng dự thảo các luật, nghị quyết cũng cho biết, trong quá trình xây dựng pháp luật đã xin ý kiến các bộ, ngành liên quan và các cơ quan chuyên môn; cũng như tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tranh thủ ý kiến nhiều chiều của các nhà quản lý, nhà khoa học và lấy ý kiến nhân dân, thông tin rộng rãi đến công chúng.
Các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phát biểu, thảo luận về trình tự, thủ tục; những điểm nghẽn, bất cập mà các luật cần giải quyết; tính phù hợp, liên thông, đồng bộ giữa các luật; đối tượng, tác động từ các quy định của các pháp luật này; tính khả thi... trên quan điểm ban hành luật không chỉ để quản lý mà tạo hành lang pháp lý để phục vụ, thúc đẩy phát triển. Thủ tướng có ý kiến cụ thể đối với từng dự án luật, nghị quyết; giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành trong việc xây dựng, hoàn thiện dự thảo các luật để trình Quốc hội xem xét.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Do đó, các cơ quan cần tiếp tục rà soát các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý, kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, những vấn đề mới phát sinh nổi lên, những vấn đề chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng lạc hậu với tình hình.
Thủ tướng cũng cho rằng, việc xây dựng pháp luật phải huy động mọi nguồn lực cho phát triển; pháp luật phải bao quát được các đối tượng điều chỉnh, tránh tình trạng bỏ trống, sót lọt. Đặc biệt, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực hợp lý và nâng cao năng lực cán bộ thực thi; cố gắng cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, tinh thần là một việc chỉ cần một cơ quan giải quyết một lần, tránh một việc phải nhiều cơ quan giải quyết và giải quyết nhiều lần.
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng pháp luật. “Thực tiễn cho thấy, nếu đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành trực tiếp chỉ đạo, các Bộ trưởng liên quan tăng cường phối hợp, hỗ trợ thì công việc sẽ trôi chảy, hiệu quả, vừa bảo đảm tiến độ, vừa nâng cao chất lượng các dự án luật”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thủ tướng lưu ý, khi gửi xin ý kiến các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo cần nêu rõ nội dung nào mới, nội dung nào còn có nhiều ý kiến khác nhau, nội dung nào cần có ý kiến thêm để các bộ, ngành tập trung góp ý. “Xây dựng pháp luật là việc khó, đòi hỏi nhiều công sức, trí tuệ. Do đó, cần quan tâm, đầu tư xứng đáng về lãnh đạo, chỉ đạo, cơ sở vật chất, nhân lực, cơ chế, chính sách, tài chính cho công tác này”- Thủ tướng nói.
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình
Hướng dẫn tra cứu thông tin bảo hiểm y tế
Vận dụng sáng kiến, giải pháp mang lại hiệu quả thực hiện ...
Dấu ấn công tác thu, phát triển người tham gia năm 2024 của ...
BHXH tỉnh Phú Yên thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, kế ...
BHXH tỉnh: Phát động phong trào thi đua toàn hệ thống năm ...
Thư mời Ký hợp đồng ủy quyền thu, phát triển người tham gia ...