Xử lý nghiêm tình trạng nợ BHXH và có giải pháp đảm bảo quyền lợi cho NLĐ

23/02/2024 01:42 PM


Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm tình trạng DN nợ đọng, trốn đóng BHXH và giải pháp khắc phục tình trạng này; đồng thời có giải pháp bảo đảm quyền lợi của NLĐ khi chủ SDLĐ nợ đọng kéo dài, trốn đóng BHXH…

Báo cáo công tác dân nguyện tại Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng 22/2, ông Dương Thanh Bình- Trưởng ban Dân nguyện cho biết, trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, cử tri và nhân dân đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, gia đình chính sách, NLĐ, người có hoàn cảnh khó khăn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp

Theo đó, công tác thăm hỏi, tặng quà, động viên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, NLĐ, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã được thực hiện hiệu quả, thiết thực, đảm bảo cho người dân được đón Tết đầm ấm, vui vẻ. Đồng thời, cử tri và nhân dân cũng đánh giá cao kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 5, những nội dung được Quốc hội quyết định có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của năm 2024 và cả nhiệm kỳ, mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài.

Cũng theo ông Dương Thanh Bình, cử tri và nhân dân bày tỏ sự lo lắng về tình trạng sản xuất, mua bán và sử dụng pháo trái phép còn diễn ra trong dịp Tết Nguyên đán; tình hình trật tự an toàn giao thông cơ bản được đảm bảo nhưng vẫn còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông trong dịp Tết, làm chết và bị thương nhiều người. Đặc biệt, cử tri và nhân dân cũng lo ngại việc nhiều lao động mất việc làm, nhất là lao động trong các ngành gỗ, dệt may, da giày, linh kiện và sản phẩm điện tử do DN không có đơn hàng; tình hình kinh tế-xã hội, đời sống của người dân tiếp tục gặp khó khăn. “Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cũng phản ánh tình trạng các DN nợ đọng, trốn đóng BHXH vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của NLĐ…”- ông Bình nhấn mạnh.

Ông Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo công tác dân nguyện tại Phiên họp

Chính vì vậy, Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo một số nội dung cử tri quan tâm hiện nay. Cụ thể, chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm tình trạng DN nợ đọng, trốn đóng BHXH và giải pháp khắc phục tình trạng này; có giải pháp bảo đảm quyền lợi của NLĐ khi chủ SDLĐ nợ đọng kéo dài, trốn đóng BHXH. Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo đảm bảo vắc- xin phân bổ về cho các địa phương để thực hiện tiêm chủng đảm bảo miễn dịch cho trẻ em, phòng chống một số bệnh truyền nhiễm…

Trước đó, phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Phiên họp thường kỳ tháng 2 sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định 5 nội dung. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Đây là một trong 9 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và dự kiến xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).

“Trong Phiên họp hôm nay, đề nghị Ủy ban Thường vụ, các đồng chí tập trung cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng nhất của luật. Đặc biệt là những quy định về thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong hoạt động lưu trữ, nhưng vẫn đảm bảo tính tập trung, thống nhất và vấn đề chia sẻ, kết nối dữ liệu lên quan lĩnh vực này”- Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Theo Chủ tịch Quốc hội, có nhiều ngành, nhiều cấp, có những lĩnh vực rất đặc thù như ngoại giao, công an, quân đội... phân cấp, phân quyền mạnh, nhưng vẫn phải đảm bảo tính quản lý và thống nhất. Ngoài ra, vấn đề cung cấp thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu thế nào trong lĩnh vực lưu trữ là vấn đề rất quan trọng. Đặc biệt, cần đẩy mạnh, phát huy các giá trị tài liệu lưu trữ.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Đây là dự án luật được Quốc hội thông qua năm 2017, nhưng cần cấp bách sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến về khả năng trình Quốc hội xem xét thông qua tại một kỳ họp…

Theo https://tapchibaohiemxahoi.gov.vn