Đưa chính sách an sinh xã hội đến với người dân

08/09/2023 08:58 AM


Từ giữa tháng 5/2023, mô hình tuyên truyền, vận động trực tiếp tại hộ gia đình để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình được BHXH tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố Tuy Hòa. Từng Tổ tuyên truyền trực tiếp hàng ngày nỗ lực “phủ sóng” chính sách an sinh xã hội đến với người dân.

Những cuộc gặp chớp nhoáng

Gần 3 tháng nay, đều đặn sau 15 giờ mỗi ngày, Tổ tuyên truyền trực tiếp tại phường 3, thành phố Tuy Hòa lại rong ruổi khắp các con hẻm, ngõ ngách gõ tìm địa chỉ từng hộ gia đình theo danh sách tiềm năng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT gián đoạn để vận động bà con tham gia. Suốt quá trình vận động trực tiếp ấy, đã không ít lần Tổ tuyên truyền rơi vào trạng thái hụt hẫng, chạnh lòng trước thái độ của người dân, có người tìm cách từ chối khéo, người ngó lơ cho qua chuyện, thậm chí có người quát mắng thành viên Tổ tuyên truyền.

Bà N tiếp đón Tổ tuyên truyền trong tâm trạng não nề, khó chịu

Tổ tuyên truyền trực tiếp đến hộ gia đình bà Đ.T.T ở khu phố Nguyễn Công Trứ, phường 3 với hai nhân khẩu gồm bà và con gái tham gia BHYT gián đoạn đã hơn 6 tháng. Sau hồi lâu trình bày lý do, bà T miễn cưỡng tiếp đón và nhắc khách mời: “Coi chỗ nào ngồi đỡ đi”. Ổn định vị trí, viên chức BHXH tỉnh trình bày ý nghĩa và vận động bà T tham gia BHYT trở lại. Dứt lời, bà T vội xua tay và nói lớn: “Không có tiền! Bệnh đau gì tham gia, để qua năm rồi tính”. Đáp lời bà T, chị Võ Thị Xuân Hương-Nhân viên thu khẽ giải thích, động viên: “Tham gia BHYT để phòng lúc bệnh nặng nằm viện mình đỡ phần nào chi phí chứ không phải tham gia là nghĩ mình bệnh để lấy lại tiền”. Sau hồi giải thích, khuyên ngăn, bà T vẫn thái độ lạnh nhạt và tỏ vẻ khó chịu nên Tổ công tác đành tạm dừng cuộc trò chuyện và hẹn hôm sau có dịp sẽ ghé lại.

Tiếp tục di chuyển đến hộ ông  T. Q. H là hộ thuộc diện khá giả của khu phố với ô tô và tiện nghi đầy đủ. Nghe tin Tổ tuyên truyền trực tiếp đến vận động tham gia BHYT, ông H chỉ đồng ý đứng ngay sau cổng nhà đang khóa trái để tiếp chuyện. Cũng kịch bản chuẩn bị sẵn, viên chức BHXH tỉnh vừa dứt lời, ông H đáp thẳng: “Không mua! Có bệnh tự bỏ tiền đi bệnh viện cho nhanh thấy”. “Nhà này giờ mua cho mẹ già thôi!”. Bác trưởng khu phố vội can: “Như vậy sao được! Tham gia BHYT để phòng khi đau bệnh mà còn hỗ trợ chia sẻ nhau giữa người bệnh và người không bệnh. Chú tham gia mỗi mẹ thì khi bác bệnh cũng phải lấy nguồn từ tiền của những người tham gia không bị bệnh để san sẻ chứ đâu ra”. Đáp lời bác Trưởng khu phố là cái lườm nguýt từ phía ông H nên Tổ công tác cũng đành bó tay và chào tạm biệt.

Lần khác, Tổ tuyên truyền trực tiếp thôn Phú Vang, xã Hòa Kiến đến thăm hộ bà H.T.T.N, sau khi tiếp đón Tổ công tác và lắng nghe giải thích về mục đích, ý nghĩa rồi mời tham gia BHXH tự nguyện, bà N lắc đầu và viện lý do vợ chồng làm tự do chỉ đủ ăn hàng ngày, cộng thêm hai đứa con nhỏ tốn kém nhiều chi phí nên chưa tham gia được.

Thế là sau mỗi cuộc gặp chớp nhoáng ấy, gợi lên nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau cho mỗi thành viên trong Tổ tuyên truyền trực tiếp: Hụt hẫng, chạnh lòng vì người dân chưa thực sự hiểu đúng bản chất của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT. “Cuộc sống mà, phải có người này, người kia chứ” - Chị Nguyễn Thị Cẩm Giang, viên chức Phòng Truyền thông, BHXH tỉnh thổ lộ rồi động viên mọi người cùng cố gắng vì rồi trong số hàng trăm con người ấy chắc chắn sẽ có người hiểu ra giá trị của tấm thẻ BHYT cùng sự cần thiết của lương hưu khi tuổi già để rồi mỗi người sẽ tự giác tham gia cho chính mình và người thân.

Khi người dân hiểu rõ quyền lợi

Gia đình ông Nguyễn Đình Hòa ở khu phố Phước Hậu 1, phường 9 hiện có 3 nhân khẩu gồm vợ và con trai đã tham gia BHYT theo diện bắt buộc còn ông Hòa thì chưa có. Khi Tổ tuyên truyền đến nhà vận động, thấy bố chưa có thẻ BHYT, con trai ông Hòa nhắc khéo: “Bố mẹ lớn tuổi rồi nên có BHYT để phòng khi đau ốm. Kẹt tiền thì nói con đóng thay”. Dứt lời, anh Nguyễn Hoàng Nguyên rút ví lấy ra 1 triệu đồng và đề nghị nhân viên thu viết biên lai tham gia BHYT ngay cho bố mình thời hạn 12 tháng và không quên căn dặn: “Đến hạn nhớ nhắc giúp em nhé!”.

Nhân viên thu viết tờ khai tham gia BHYT cho con gái bà Xuân

Trường hợp khác, hộ bà Dương Thị Thanh Xuân ở khu phố Nguyễn Công Trứ, phường 3, cả hai vợ chồng đã tham gia BHYT, riêng cô con gái Huỳnh Tố Nhung vẫn chưa tham gia nên khi được vận động, bà Xuân vội phân trần: “Đóng chứ! Cháu nó mới chuyển từ TP Hồ Chí Minh về đây thử việc được gần 2 tháng. Dự định đóng rồi nhưng nhắc mãi cháu chưa qua phường đăng ký. Tiền đây! Vừa nói, bà Xuân vừa cầm tiền dúi vào tay nhân viên thu để viết ngay biên lai. Bởi thế, người ta thường có câu: Con dù lớn khôn vẫn mãi là con của cha mẹ. Dù cho thế nào đi chăng nữa, với những người làm cha, làm mẹ sẽ mãi luôn xem con mình là đứa trẻ để rồi quan tâm, chăm sóc và phòng bị trước những gì bất trắc xảy đến với con bằng việc tham gia BHYT.

Đến với từng hộ dân, được tiếp xúc từng người, chúng tôi thực sự hiểu tấm thẻ BHYT quý đến dường nào cho rất nhiều người. Với một số người, khi mà cuộc sống còn phải lo chạy ăn từng bữa thì giấc mơ an sinh tuổi già, nhẹ gánh viện phí thực sự chưa lo tới nhưng với một số trường hợp khi đã trải qua giây phút sinh tử, thoát cảnh nợ nần vì nhờ có thẻ BHYT hay những mảnh đời tần tảo sớm hôm những mong tuổi già được thảnh thơi, an nhàn thì BHXH tự nguyện, BHYT là vô cùng giá trị. Với chính sách an sinh xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận, chắc chắn một ngày không xa, bà con sẽ hiểu đầy đủ quyền lợi, ủng hộ và tự giác tham gia.

Trần Đoàn