Lặng lẽ trao niềm tin BHYT đến mọi người

13/02/2023 02:29 PM


Những ngày cuối tháng, thời điểm nhân viên thu Bảo hiểm y tế (BHYT) bận rộn từ sáng đến tối. Mỗi sáng, khi xong việc nội trợ, chị Đỗ Thị Hồng Diệu, nhân viên thu Phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu bắt đầu ngồi dò dẫm từng người theo danh sách người tham gia BHYT đến hạn phải đóng do cơ quan BHXH tỉnh chuyền về. Trong số này, người nào đã đi làm ăn xa, không còn ở địa phương. Người nào đã mất, người nào đã chuyển đóng BHYT ở đối tượng khác mà dữ liệu chưa cập nhật.

Sau khi nắm chắc từng người ở địa phương, công việc tiếp theo là nhấc máy gọi điện thoại từng người để báo việc thẻ BHYT hết hạn. Lần lượt cứ thế, hết người này đến người khác. Rất may số người này còn nghe máy hoặc chưa thay đổi số điện thoại. Thực tế rất nhiều người nhân viên thu không thể liên lạc được. Chị Diệu cho biết: “Nhiều người họ bận việc không nghe máy. Có người thay số điện thoại khác thì mình phải trực tiếp đến nhà. Có người sẵn tiền thì thu luôn nhưng có người hẹn; có người phải đi lại 2, 3 lần vì họ chưa đủ tiền. Đặc biệt có nhiều người mình không tiếp cận được do họ đi làm về rồi đóng cửa mà điện thoại thì họ đã đổi số. Nói chung làm công tác này mình phải chịu khó chứ không đơn giản chút nào”.

Nhân viên thu BHXH, BHYT trực tiếp đến từng hộ gia đình, gặp gỡ từng người dân để vận động tham gia BHYT

Thực tế trong quá trình vận động hoặc thu thẻ hết hạn BHYT, không ít nhân viên còn gặp không ít phiền toái khi nhiều người chưa hiểu đầy đủ bản chất của chính sách BHYT. Có người đã tham gia nhưng rất may không bệnh nên chủ quan cho rằng mình không bệnh nên chưa vội tiếp tục tham gia. Nhiều người gặp lúc túng thiếu nên chưa có tiền đóng BHYT, hẹn một vài tuần...Có người thì đắn đo suy nghĩ vì chí ít cũng bỏ ra một khoản tiền, dù so với mức sinh hoạt hiện nay là không cao… Nhân viên thu phải giải thích, thuyết phục để người dân hiểu; và đôi khi chính họ bỏ tiền cho mượn để thẻ BHYT được liên tục đúng hạn, đảm bảo quyền lợi. Chị Lê Thị Thanh Tâm, nhân viên thu Phường 1, thành phố Tuy Hòa tâm sự “Có một số người khi đi khám bệnh do không hiểu đúng quy định hoặc không hài lòng, khi mình thu tiền họ rất khó chịu, giống như mình là người trực tiếp gây ra cho họ vậy. Có nhiều trường hợp gặp lúc kẹt tiền thì mình phải cho mượn để họ đóng, đảm bảo thẻ BHYT có giá trị liên tục, không gián đoạn để lỡ có bệnh họ được đảm bảo quyền lợi”.

Đâu chỉ dừng lại ở việc vận động thu, nhân viên thu còn phải nắm kỹ, nắm chắc các quy định của pháp luật hiện hành về chính sách BHYT để còn tuyên truyền cho người dân hiểu và giải thích đầy đủ những vướng mắc mà người tham gia gặp phải; Ví như hộ gia đình nào được giảm trừ mức đóng; khi nào là khám chữa bệnh đúng tuyến, không đúng tuyến; các quyền lợi được hưởng theo quy định…để người tham gia BHYT luôn đảm bảo được quyền lợi khi không may đau ốm, bệnh tật phải khám chữa bệnh. Muốn vậy họ phải thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng và luôn phải nghiên cứu, cập nhật các quy định mới nhất. Và đặc biệt, nhân viên thu BHYT là hướng dẫn, thuyết phục để mọi người hiểu hơn về tính nhân văn, nhân đạo, tính cộng đồng và chia sẻ rủi ro của chính sách BHYT-một hình thức, đóng góp khi làm/để dành khi ốm. Hàng năm, ngành BHXH đều tổ chức đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời nhân viên thu cũng tự tìm hiểu, nghiên cứu các văn bản liên quan và tư vấn, hướng dẫn, thuyết phục người ta hiểu đúng và đầy đủ về BHYT. Khi người dân hiểu được quyền lợi, hầu hết họ rất đồng tình. “Nhiều người ban đầu họ cũng khó tính, nói thế này thế nọ nhưng dần dần, qua nhiều lần tiếp cận, họ hiểu và tích cực cùng vận động bà còn tham gia; nhất là những người đã đi khám chữa bệnh, họ mới hiểu tầm quan trọng của tấm thẻ BHYT” – chị Hà Thị Minh Tâm, nhân viên thu xã An Phú, thành phố Tuy Hòa chia sẻ.

Hiện nay, tỉnh Phú Yên có hơn 1.000 người làm nhân viên thu BHXH, BHYT của 17 tổ chức dịch vụ thu trên địa bàn. Nhiều người là cán bộ xã kiêm nhiệm, người là cán bộ không chuyên trách ở thôn, buôn, khu phố; có người là lao động tự do tại địa phương. Công việc này tốn khá nhiều thời gian, đôi khi năm lần bảy lượt mới thu tiền được một người đến hạn đóng nhưng thù lao thì quá thấp so với các loại hình bảo hiểm thương mại, vậy nên không ít người sau một thời gian ngắn đã từ bỏ. Số còn lại hiện nay thực sự tâm huyết với công việc, bên cạnh là nhiệm vụ do địa phương giao. Nhiều nhân viên đã đồng hành cùng chính sách BHYT nhiều năm qua, không ít người đã gắn bó gần 20 năm kể từ năm 2004, khi chính sách BHYT tự nguyện được bắt đầu triển khai ở tỉnh. Điểm chung của nhân viên thu là những người năng động, có uy tín trong cộng đồng và yêu thích công tác xã hội, công tác vận động quần chúng, thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương;

Hiện toàn tỉnh Phú Yên có trên 815.000 người tham gia BHYT, chiếm 93% dân số toàn tỉnh, trong đó người tham gia BHYT tự đóng chiếm hơn 2/3 tổng số người tham gia. Để thẻ BHYT có giá trị liên tục, xuyên suốt, đảm bảo quyền lợi cho người dân, hệ thống nhân viên thu BHYT luôn có mặt ở từng thôn, buôn, khu phố; có mặt  mọi lúc, mọi nơi. Họ thực sự cầu nối, là cánh tay nối dài của cơ quan BHXH để đưa chính sách BHYT của Đảng và Nhà nước với người dân. Sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và mục tiêu BHYT toàn dân của Đảng và Nhà nước đang dần trở thành hiện thực hôm nay có sự đóng góp thiết thực, đáng trân trọng của những người không ngại khó, ngày đêm thầm lặng, vận động bà con tham gia BHYT.

Quang Phương