Cần quy định rõ các cơ sở được ký hợp đồng KCB BHYT

14/06/2022 08:13 AM


Sáng 13/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Quan tâm về giá dịch vụ KCB, ĐB Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) cho rằng, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân thông qua hoạt động KCB là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe và được đảm bảo an sinh xã hội. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh có tác động trực tiếp tới quỹ BHYT, NSNN cũng như tài chính của mỗi người dân.

ĐB Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang)

Cũng theo ĐB Nguyễn Thanh Cầm, dịch vụ KCB là dịch vụ đặc biệt, người bệnh không có quyền thỏa thuận trả giá. Do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ KCB cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý và ban hành giá dịch vụ KCB đối với cơ sở KCB công lập và quy định khung giá dịch vụ KCB với những cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa.

“Đối với khối tư nhân cần có cơ sở, cơ chế kiểm soát giá, quy định khung giá dịch vụ KCB để đảm bảo quyền của người bệnh. Nếu thả nổi cho giá khu vực tư nhân quyết định, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, người bệnh phải trả chi phí cao khi họ không có lựa chọn khác trong thời điểm các cơ sở y tế công lập đã quá tải như thực tế trong dịch bệnh Covid-19 vừa qua”- ĐB Cầm phân tích.

Liên quan tới vấn đề hợp tác, liên doanh, liên kết trong các cơ sở KCB, ĐB Nguyễn Thanh Cầm cho biết, tại Khoản 5, Điều 51 của dự thảo Luật quy định "các cơ sở KCB được ký hợp đồng KCB BHYT với cơ quan BHXH khi có giấy phép hoạt động KCB theo quy định của pháp luật về BHYT". Quy định chung chung như vậy sẽ rất khó và gây lúng túng trong quá trình thực hiện KCB BHYT tại các cơ sở y tế có liên doanh, liên kết.

Thực tế thời gian vừa qua, một số địa phương mất rất nhiều thời gian, công sức để tháo gỡ vướng mắc về công tác thẩm định, phân hạng, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật khiến cơ sở bị tạm ngừng thanh quyết toán, ảnh hưởng lớn đến hoạt động cơ sở và quyền lợi của người tham gia BHYT. Do vậy, cần bổ sung cơ sở KCB của Nhà nước bao gồm các hoạt động xã hội hóa cơ sở KCB tư nhân được ký hợp đồng KCB BHYT khi có giấy phép hoạt động. Ngoài ra, cần rà soát và đảm bảo sự đồng bộ giữa Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này với các luật liên quan như Luật Trẻ em, Luật Phòng chống mua bán người, Luật Phòng chống bạo lực gia đình.

ĐB Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn)

Bày tỏ đồng thuận với dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), song ĐB Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) cho rằng, trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Y tế đã triển khai Đề án "Bác sĩ gia đình" với mục tiêu xây dựng và phát triển mô hình PK Bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế Việt Nam. PK Bác sĩ gia đình được coi là mô hình có thể giúp sàng lọc, giải quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tải tại các BV, giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan, tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho bệnh nhân và chi phí BHYT.

Theo mô hình này, bác sĩ gia đình đảm đương ba vai trò chính là khám lâm sàng, y tế dự phòng và bác sĩ tâm lý cho bệnh nhân. Ngoài kiến thức chuyên môn, bác sĩ gia đình cũng phải có kiến thức tổng quát về xã hội, tâm lý, kinh tế, văn hóa, quản lý y tế để không những chỉ chăm sóc, điều trị bệnh, mà còn có thể tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân kiến thức tăng cường sức khỏe, phòng bệnh và hỗ trợ về tâm lý và xã hội. Bác sĩ gia đình là nơi thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, tầm soát bệnh tật giúp giảm tải ở BV.

Song thực tế cho thấy, mô hình này hiện vẫn đang gặp nhiều vướng mắc như chưa có cơ chế định giá, chưa thanh toán BHYT cho các dịch vụ trong mô hình hoạt động của bác sĩ gia đình, chưa xây dựng được quy chế phối hợp chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các PK Bác sĩ gia đình với hệ thống PK khác trong quá trình quản lý bệnh nhân, phí dịch vụ KCB tại nhà còn mang tính tự phát, chưa được thanh toán BHYT, chưa xây dựng được mẫu bệnh án giấy thống nhất với bệnh án điện tử của PK Bác sĩ gia đình.

Để hoàn thiện mô hình này, ĐB Nguyễn Thị Huế đề nghị ngành Y tế cần có đánh giá, tổng kết cụ thể, xác định phạm vi, quy mô, chức năng, nhiệm vụ của PK Bác sĩ gia đình và các điều kiện bảo đảm hoạt động như giá dịch vụ của PK, cơ chế chuyển tuyến, cơ chế thanh toán BHYT. Đồng thời, cần có những hỗ trợ về chính sách để nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình trên toàn quốc, nhằm tăng nhân sự y học gia đình trong khoa khám bện, ngoại trú. Cần quan tâm đến vấn đề hành lang pháp lý và được luật hóa, có thể đưa vào một điều luật cụ thể về nội dung này trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Nguyệt Hà

Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/