Nhận BHXH một lần: NLĐ tự đánh mất cơ hội hưởng lương khi về già

14/04/2022 08:35 AM


Việc nhận BHXH một lần đồng nghĩa với NLĐ không được hưởng lương hưu và cũng không nhận được giá trị ưu việt, tính chia sẻ của việc tham gia BHXH.

Tại Hội nghị tư vấn, đối thoại với NLĐ, cán bộ công đoàn, người SDLĐ về thực hiện chính sách, pháp luật BHXH mới đây, ông André Gama- Phụ trách chương trình ASXH của ILO Việt Nam cho biết, nghiên cứu từ ILO cho thấy, 60% phụ nữ rút BHXH một lần trong năm 2019 là phụ nữ dưới 35 tuổi. Việc tăng chi phí nuôi con và giảm sút thu nhập do mất việc làm chính là nguyên nhân lớn nhất ở Việt Nam khi rút BHXH một lần. “Trong nghiên cứu do ILO Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trả lời câu hỏi tại sao họ lại làm như vậy, có nhiều trường hợp cho biết khi sinh con, gia đình không có đủ tiền để nuôi con. Họ quyết định đẻ con và 1 trong 2 người nghỉ việc hưởng BHXH một lần, lấy tiền nuôi con trong một vài năm đầu. Do vợ là người có thu nhập thấp hơn và là người chủ yếu làm công việc chăm sóc trong gia đình nên họ quyết định người vợ sẽ nghỉ việc để lấy BHXH một lần”- ông André Gama dẫn chứng.

Nhận định về tình thực trạng số người hưởng BHXH một lần, ông Lê Đình Quảng- Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho rằng, NLĐ nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc họ rời bỏ hệ thống BHXH, tự tước bỏ quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất. Đây là một thực trạng đáng báo động, đáng lo ngại trong việc đảm bảo quyền lợi và chính sách ASXH lâu dài cho NLĐ.

Trước tình hình trên, BHXH Việt Nam khuyến cáo NLĐ không nên vì khó khăn trong đợt dịch bệnh mà chọn hưởng BHXH một lần, vì sẽ “lợi trước mắt, thiệt thòi lâu dài”. Khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của NLĐ sẽ bị hạn chế hơn so với khi hưởng lương hưu. Đáng chú ý, rút BHXH một lần đồng nghĩa trong tương lai những NLĐ này khi đến tuổi về hưu sẽ không có nguồn thu nhập hằng tháng từ lương hưu để bảo đảm cuộc sống. NLĐ cũng không được cấp thẻ BHYT miễn phí để được chăm sóc sức khỏe khi về già hoặc nếu có thì mức hưởng lương hưu rất thấp. Đặc biệt, việc nhận BHXH một lần có thể giải quyết được một số khó khăn hiện tại nhưng đồng nghĩa với việc NLĐ đang đánh mất cơ hội hưởng ASXH khi đến tuổi già, cái tuổi dễ bị tổn thương nhất (hệ miễn dịch suy giảm dễ mắc bệnh, sức khỏe suy yếu không thể lao động).

Cũng theo BHXH Việt Nam, thực tế triển khai chính sách BHXH còn cho thấy một thực tế đáng buồn là nhiều NLĐ khi đã nhận BHXH một lần, sau này lại mong muốn được nộp lại khoản tiền đã nhận, tiếp tục tham gia BHXH cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu nhưng không thể giải quyết được vì pháp luật hiện hành không có quy định theo mong muốn của NLĐ. Chính vì vậy, NLĐ khi không lựa chọn hưởng BHXH một lần nên cân nhắc tới quyền bảo lưu. Theo đó, NLĐ có quyền bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện cho đủ số năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu trang trải cuộc sống và được cấp thẻ BHYT (với mức hưởng 95% chi phí KCB) trong suốt thời gian hưởng lương hưu để chăm sóc sức khỏe khi về già.

Còn theo ILO tại Việt Nam, việc nhận BHXH một lần khiến NLĐ không tính toán được cần chi tiêu bao nhiêu tiền mỗi tháng khi về già. Ở nhiều nước, người về hưu sử dụng tiền rút BHXH một lần để khởi nghiệp, mua nhà, hỗ trợ cho con đi du học hoặc du lịch nước ngoài nên nhiều người tiêu hết tiền chỉ trong thời gian ngắn. Đáng chú ý, khảo sát của Quỹ Bảo trợ NLĐ của Malaysia (EPF) cho thấy hơn 70% số người rút tiền sớm đã tiêu sạch số tiền nhận một lần từ EPF trong vòng ba năm kể từ khi rút tiền một lần. Những người này sau đó phải sống nhờ tiền trợ cấp của Chính phủ dành cho người nghèo. Vì vậy, ILO khuyến nghị cơ quan chuyên môn cần áp dụng chế độ cho trẻ em và các chế độ ngắn hạn để NLĐ tự nguyện ở lại hệ thống BHXH. Chẳng hạn có thể có một khoản trợ cấp cho trẻ em để giảm áp lực tài chính cho NLĐ, từ đó họ không phải dùng đến số tiền hưởng BHXH một lần, nhất là lao động nữ trẻ và có con nhỏ.

Từ thực tế địa phương, bà Lê Thị Thu Cúc- Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An cho rằng, quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn. Cụ thể, theo quy định của Luật BHXH, điều kiện thời gian tối thiểu tham gia BHXH để có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí đủ 20 năm. Điều này dẫn đến nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu.

Bình luận về việc rút BHXH một lần, ông Andre Gama cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức và xây dựng lòng tin của NLĐ với hệ thống ASXH của Việt Nam. Hiện nay, công nghệ, thị trường lao động, cơ cấu dân số thay đổi nên chính sách pháp luật cũng cần có sự thay đổi định kỳ phù hợp với thực tế để bảo vệ NLĐ Việt Nam. Và để giữ NLĐ ở lại với hệ thống an sinh, đảm bảo quyền lợi lâu dài, cần phải tìm cách củng cố hệ thống ASXH, bổ sung một số chế độ an sinh đảm bảo giải quyết vấn đề mà NLĐ phải đối mặt- những vấn đề mà họ chỉ giải quyết được bằng cách rút BHXH một lần.

Từ góc độ tổ chức đại diện NLĐ, ông Lê Đình Quảng cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là Công đoàn các cấp cần chủ động, tích cực tham gia với chuyên môn đồng cấp đảm bảo việc làm bền vững, tiền lương, thu nhập ổn định, môi trường làm việc tốt… cho NLĐ. Chỉ khi đời sống NLĐ và gia đình họ được đảm bảo, NLĐ sẽ yên tâm ở lại với hệ thống BHXH, không nghĩ tới giải pháp tình thế là chọn hưởng BHXH một lần. “Về lâu dài, để NLĐ ở lại với hệ thống BHXH, để chính sách BHXH thực sự trở thành điểm tựa khi về già của NLĐ, thời gian tới, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về BHXH một cách đồng bộ như xem xét tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí; giảm điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí…”- ông Quảng đề xuất.

Dưới góc nhìn cơ quan thẩm tra chính sách, ông Ngô Trung Thành- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định, việc nhận BHXH một lần có thể coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài” bởi vì khi lựa chọn cách này, các quyền lợi của NLĐ sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu. Vì vậy, tới đây khi sửa đổi Luật BHXH cần phải xem xét quy định về hưởng BHXH một lần thật thấu đáo; nghiên cứu làm sao tạo cơ hội thuận lợi cho người đã hưởng BHXH một lần có cơ hội được quay trở lại đóng bù cho thời gian đã hưởng trước đó; nghiên cứu quy định làm sao để giảm thiểu các trường hợp hưởng BHXH một lần. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để NLĐ thấy rõ được lợi ích, thấy rõ được trách nhiệm của mình với gia đình, xã hội để khắc phục khó khăn, không rút BHXH một lần nhằm đảm bảo cho chế độ BHXH được bao trùm lên toàn bộ các thành viên trong xã hội.

Nguyệt Hà

 

Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/