“Điểm tựa” của tuổi già

12/04/2022 02:34 PM


Thấy được ý nghĩa và những quyền lợi của chế độ hưu trí, nhiều NLĐ sau khi nghỉ việc đã chuyển sang tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để được cộng nối thời gian tham gia BHXH trước đó, hướng đến đủ điều kiện hưởng lương hưu, có được “điểm tựa” lúc về già. Không lựa chọn hưởng BHXH một lần

Chị Hà Thị Hường sinh năm 1973 (khu 5, xã Vân Phú, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cho biết, chị đã từng làm công nhân tại Công ty TNHH Teijin Frontier Shonai (TP.Việt Trì) và đã đóng BHXH được 11 năm 6 tháng. Nhưng công việc vất vả, thời gian gò bó, thu nhập thấp nên chị đã quyết định nghỉ việc và tự kinh doanh được 1 năm. Khi đến cơ quan BHXH để giải quyết hưởng BHXH một lần, chị đã được cán bộ BHXH tỉnh Phú Thọ tư vấn nên tham gia tiếp BHXH tự nguyện, sẽ được cộng nối quá trình tham gia BHXH trước đây và đảm bảo cuộc sống của mình khi về già. “Mặc dù việc kinh doanh thuận lợi, thu nhập khá hơn nhưng tôi luôn canh cánh lo cho tương lai của mình khi về già. Được cán bộ BHXH tuyên truyền về chế độ BHXH tự nguyện và khuyên nên tham gia, tôi rất mừng vì không cần phải đi làm công nhân, ở nhà kinh doanh mà vẫn được tham gia BHXH. Chính sách này phù hợp và tốt cho người dân lao động tự do như chúng tôi. Tôi sẽ mách cho nhiều anh em, bạn bè, người thân”- Chị Hường tâm sự.

Vợ chồng chị Xuân nhận sổ BHXH tự nguyện

Anh Nguyễn Anh Mạnh (31 tuổi) và vợ là chị Phùng Thị Giang (29 tuổi) trú tại khu 9 (xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) đã có 3 năm tham gia BHXH bắt buộc khi làm việc tại một công ty ở TP.Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc). Nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Công ty làm ăn thua lỗ, anh chị phải nghỉ việc. Ngay sau khi chấm dứt HĐLĐ, thay vì chờ nhận BHXH một lần, 2 vợ chồng anh Mạnh đã chủ động tìm đến cơ quan BHXH để tìm hiểu việc tham gia BHXH tự nguyện. Qua tư vấn, anh chị đã thống nhất tham gia với mức thu nhập làm căn cứ đóng là 2,5 triệu đồng/tháng, đóng 6 tháng/lần. Cầm quyển sổ BHXH trên tay, vợ chồng anh chị không khỏi vui mừng.

Khác với trường hợp chị Hường hay vợ chồng anh Mạnh, chị Đào Thị Xuân (khu 13, xã Đào Xá- huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện sau… 2 lần nhận BHXH một lần!

Chị Xuân chia sẻ, trước kia chị từng làm công nhân, đã được cấp sổ BHXH nhưng lần đầu đi thanh toán BHXH một lần do chưa hiểu rõ về chính sách của Nhà nước và nghe một số người bảo: Lĩnh về “cho chắc”. Sau đó, chị đóng BHXH lại từ đầu khi đi làm trở lại. Sau ít năm, chị lại nghỉ việc và nhận BHXH một lần do khi đó anh chị mới ra ở riêng, điều kiện gia đình khó khăn, muốn lấy tiền trang trải cuộc sống. “Nhận BHXH một lần rồi, mới thấy thiệt thòi quá. Mọi quyền lợi khi tham gia BHXH trước đó đều bị mất hết. Khi làm việc nơi mới, muốn tham gia BHXH thì lại phải bắt đầu quá trình lại từ đầu”- chị Xuân tâm sự.

Đến nay, gia đình chị Xuân đã có điều kiện hơn, xưởng sản xuất đồ gỗ do anh chị làm chủ đã dần mở rộng, thuê mướn một số người làm. Khi được cán bộ BHXH huyện Thanh Thủy gặp gỡ, tuyên truyền, làm rõ các chế độ quyền lợi, vận động, cả chị và chồng là anh Vi Anh Quyết đã nhất trí tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu. Đợt này, cả những người làm cho gia đình anh chị cũng tham gia.

An sinh cho NLĐ

Trong khi nhiều người có nhận thức đầy đủ đã tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục để có được “điểm tựa” lúc về già, thì thời gian gần đây, lại có nhiều người khác dừng đóng BHXH, nhận BHXH một lần. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2021, có 365.940 hưởng BHXH một lần, tăng 70.534 người (trên 23%) so cùng kỳ năm 2020. Điều này đặt ra những vấn đề về bảo đảm an sinh cho NLĐ khi ngày càng có nhiều người lựa chọn rời khỏi hệ thống BHXH thay vì chờ đến đủ tuổi, đủ điều kiện để nhận lương hưu.

Hưu trí là chế độ rất quan trọng của chính sách BHXH, mang tính nhân văn sâu sắc, bảo đảm nguồn thu nhập cho NLĐ khi hết tuổi lao động. Một trong những điều kiện để NLĐ được hưởng lương hưu là có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên. Với những người chưa đủ 20 năm đóng BHXH có thể nhận BHXH một lần. Và số người nhận BHXH một lần ngày càng tăng. Nguyên nhân do không ít người trong số đó phải nghỉ việc khi DN gặp khó khăn. Khoản tiền từ nhận BHXH một lần giúp họ ngay cho những chi dùng trước mắt. Tuy nhiên, thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, độ tuổi có số người nhận BHXH một lần nhiều nhất chỉ trong khoảng trên dưới 30 tuổi. Dù tuổi đời còn trẻ, có nhiều cơ hội để lao động, kiếm sống và tích lũy, nhưng một bộ phận không nhỏ NLĐ chưa hình thành thói quen đóng BHXH để lo cho cuộc sống khi về già.

Xét về lâu dài, khi nhận BHXH một lần, NLĐ sẽ đánh mất nhiều quyền lợi của bản thân. Điều đầu tiên là rất có thể họ sẽ không còn cơ hội hưởng lương hưu, đồng nghĩa với việc lúc về già mất đi một nguồn thu nhập ổn định hằng tháng. Bên cạnh đó, còn không được cấp thẻ BHYT, không được hưởng chế độ tử tuất.

Những người hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu, đời sống khó khăn sẽ khó chủ động được cuộc sống của mình, thậm chí trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Thách thức này càng nghiêm trọng hơn khi tốc độ già hóa dân số của nước ta đang ở mức cao, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết trong việc chăm sóc sức khỏe, bảo đảm chất lượng cuộc sống cho người già.

Vì vậy, tuyên truyền sâu rộng về chính sách BHXH để NLĐ hiểu rõ tính ưu việt của chế độ hưu trí là việc làm cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Tiền đóng BHXH chính là tiền để dành của NLĐ, được cơ quan BHXH quản lý. Trong trường hợp đối mặt với khó khăn, không may mất việc làm, NLĐ có thể bảo lưu thời gian đã đóng BHXH, khi có việc làm, lại tiếp tục tham gia BHXH để đủ thời gian hưởng lương hưu. Ngược lại, nếu đã nhận BHXH một lần, sẽ không được cộng nối thời gian đóng BHXH trước đó...

Thuỷ Hà- Nguyễn Hương

Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/