Tăng cơ hội cho nữ giới theo đuổi lĩnh vực khoa học- kỹ thuật

04/04/2022 03:30 PM


Ngày 3/4, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp cùng Tập đoàn 3M tổ chức Tọa đàm trực tuyến Định vị nghề nghiệp trong lĩnh vực STEM: Cơ hội cho em gái. Sự kiện nằm trong Dự án STEMherVN- Thúc đẩy sự tham gia của em gái và phụ nữ trong lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học.

STEM là viết tắt của Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học với các ngành nghề rất đa dạng như Công nghệ thông tin, Máy tính Viễn Thông, Kỹ sư, Quản lý dữ liệu, Sinh hoá, Vật lý,… Dự án STEMherVN do Viện MSD với sự hỗ trợ tài chính của Tập đoàn 3M thực hiện bao gồm các hoạt động: Lựa chọn và trao học bổng cho các bạn đại sứ, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các nhóm đại sứ về kỹ năng lãnh đạo, truyền thông; Tổ chức hoạt động truyền thông tại trường học nâng cao nhận thức, truyền cảm hứng để các bạn học sinh tự tin theo đuổi đam mê và nghề nghiệp trong lĩnh vực STEM; Tổ chức cuộc thi sáng tạo STEM cho các bạn học sinh khối PTTH.

Theo Ủy ban Giáo dục Hoa Kỳ, số lượng công việc STEM dự kiến sẽ tăng 13% từ năm 2017 đến năm 2027. Ngược lại, tất cả các công việc khác dự kiến chỉ tăng 9% trong cùng thời kỳ. Đồng thời, mức lương trung bình hàng năm cho các nghề STEM cao hơn rất nhiều so với các nghề không thuộc STEM. Trong khi đó, dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chỉ ra rằng: Việt Nam có khả năng tạo thêm được 6 triệu việc làm, chiếm khoảng 10% số việc làm tăng thêm đến năm 2025 của toàn bộ khối ASEAN. Nền kinh tế đang chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức, sự thay thế sức lao động bằng máy móc, robot, trí tuệ nhân tạo. Vì thế, việc nắm trong tay các kỹ năng, kiến thức STEM, cơ hội việc làm sẽ rộng mở hơn và chia đều cho cả nữ giới và nam giới.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD– United Way Việt Nam: tại Việt Nam khi nhắc đến STEM, đại đa số sẽ coi đó là lĩnh vực của nam giới, là lĩnh vực khô khan mà phụ nữ và các em gái khó tiếp cận, tham gia và cống hiến, chính vì thế, việc tiếp cận thông tin của nữ giới để hiểu biết về ngành nghề này còn hạn chế. Đánh giá cao tiềm năng thị trường lao động lĩnh vực này, bà Nguyễn Phương Linh cũng cho biết: Định kiến “STEM là của con trai, STEM là mất nữ tính, đầu to mắt cận, con gái không giỏi STEM” đang ít nhiều trở thành rào cản cho phụ nữ tham gia các ngành STEM. Việc nữ giới ít theo đuổi STEM vì định kiến hay chưa được tạo điều kiện, môi trường phù hợp sẽ gây ra sự thiếu hụt nữ giới trong ngành STEM. Ở tầm vĩ mô, việc “bỏ quên” nữ giới cũng tương tự như lãng phí mất một nửa nguồn nhân lực để phục vụ cho nền kinh tế số hóa, công nghệ cao...

Chia sẻ kinh nghiệm từ góc độ nhà giáo dục đào tạo nghề nghiệp, PGS.TS.Nguyễn Minh Tân- Trường Đại học Bách Khoa chia sẻ: “Xu hướng hiện nay ở Việt Nam chưa đúng lắm, các bạn trẻ nhiều khi đến lớp 10-11 vẫn không có được đầy đủ thông tin để định hướng và lựa chọn nghề nghiệp. Nghề nghiệp liên quan đến STEM đang có cơ hội rất lớn nên các bạn nên tìm hiểu về STEM để có định hướng đúng đắn ngay từ khi còn học phổ thông. Tuy nhiên, tôi cũng muốn lưu ý, chúng ta lựa chọn công việc, nghề nghiệp không phải chỉ theo xu hướng, chọn nghề lương cao, đang thịnh hành, mà còn tìm hiểu kỹ thông tin để xác định đây là việc mình theo đuổi dài hạn, phù hợp với năng lực, sở thích của mình nữa. Đại học Bách Khoa hiện có 27% sinh viên nữ, tôi nghĩ đây là một con số tích cực của việc các bạn nữ cũng bắt đầu tham gia vào STEM nhiều hơn, hy vọng các bạn nữ sẽ ngay từ sớm sẽ tìm hiểu thông tin, định vị bản thân và đưa ra các định hướng và xác định theo đuổi đam mê lâu dài".

Từ kinh nghiệm tuyển dụng ngành kĩ sư nói riêng và STEM nói chung qua nhiều năm làm việc, ông Minh Dương- Tập đoàn 3M khẳng định: "STEM hoàn toàn không phải lĩnh vực chỉ dành cho nam giới". Ông Dương cho biết: “STEM hiện hữu rất nhiều trong cuộc sống, dù bạn chọn ngành nghề nào cũng đều cần sử dụng ứng dụng của STEM. Lĩnh vực khoa học - công nghệ vẫn luôn mở rộng cho nữ giới, lĩnh vực điện tử đang rất phát triển trên toàn thế giới và Việt Nam, ví dụ rõ nhất là 60% nhân lực của xưởng Samsung là nữ giới. Sự chuyên cần và tỉ mỉ của nữ giới rất phù hợp với lĩnh vực công nghệ cao.”

Trước nhiều lo ngại của các nữ sinh rằng “các ngành STEM đòi hỏi thông minh, học giỏi các môn tự nhiên", PGS.TS Minh Tân khẳng định: thông minh không chỉ là giỏi các môn Toán học, Hoá Sinh mà trí thông minh rất đa dạng, nên các bạn có thể tự tin ứng dụng các trí thông minh của mình trong ngành STEM cũng rất đa dạng”. Bên cạnh đó, trong thời đại 4.0 ngày nay, STEM có thể bao gồm cả những ngành vừa tự nhiên vừa xã hội, ứng dụng nền tảng STEM là rất rộng, khoảng giao thoa giữa khoa học kĩ thuật và xã hội đang mở rộng tạo cơ hội cho nữ giới...

Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/