BHXH Việt Nam nỗ lực hết mình phục vụ sự nghiệp an sinh xã hội

18/01/2017 08:58 AM


Năm 2016, BHXH Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Nhân dịp Xuân Đinh Dậu 2017, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đã có cuộc trao đổi với một số cơ quan thông tấn báo chí. Trang tin điện tử BHXH Việt Nam trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cuộc trao đổi.


Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh

PV: Xin Thứ trưởng – Tổng Giám đốc cho biết những kết quả nổi bật mà ngành BHXH đã đạt được trong năm 2016? Theo bà còn những khó khăn, bất cập nào cần phải khắc phục; năm 2017, BHXH Việt Nam cần có những giải pháp gì để hoạt động của ngành đạt kết quả tốt hơn?

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh:

Có thể nói năm 2016 là một năm vất vả và đầy áp lực đối với ngành BHXH. Toàn Ngành đã nỗ lực, vượt qua khó khăn, hoàn thành thắng lợi, toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch Chính phủ giao, góp phần ổn định an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong đó: Số thu ước đạt 256.874 tỷ đồng, bằng 101,3% kế hoạch; giải quyết các chế độ BHXH cho 8,4 triệu lượt người, 144 triệu lượt người hưởng chế độ khám, chữa bệnh BHYT và trên 03 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng.

Để đạt được những kết quả trên, ngành BHXH đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng, luôn bám sát chương trình, kế hoạch công tác và lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và chính quyền các cấp, từ đó triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Một số kết quả nổi bật mà Ngành đã đạt được, đó là:

Lần đầu tiên ngành BHXH đã xây dựng được Hệ thống cơ sở dữ liệu của 24,2 triệu hộ gia đình (cơ bản đạt tỷ lệ 100% dân số cả nước) với các thông tin cá nhân thiết yếu liên quan đến từng người dân, tạo nền tảng để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, BHYT, hệ thống cấp số định danh và quản lý BHYT hộ gia đình theo quy định của pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân giao dịch với bất kỳ cơ quan BHXH trên toàn quốc.

Công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT đạt được nhiều thành công. Đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 81,3% dân số, vượt 1,3% so với mục tiêu đến năm 2020 của Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết 21 và vượt 2,3% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2016. Ngành BHXH đã chủ động đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu phát triển BHYT của cả giai đoạn 2016 – 2020 theo hướng tăng so với mục tiêu trước đây. Với sự chủ động của Ngành BHXH và sự nỗ lực của hệ thống chính trị, tôi tin đến năm 2020, chúng ta sẽ đạt chỉ tiêu điều chỉnh với trên 90% dân số tham gia BHYT và mục tiêu BHYT toàn dân sẽ trở thành hiện thực trong thời gian không xa. Có thể nói, đây là sự nỗ lực của toàn Ngành và sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Công tác CCHC của ngành BHXH tiếp tục ghi dấu ấn với việc giảm mạnh về thời gian, thủ tục BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, ứng dụng CNTT đã mang lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân, được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức nước ngoài ghi nhận và đánh giá cao.

Công tác tuyên truyền cũng có nhiều khởi sắc, đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của cấp ủy chính quyền các cấp, triển khai sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú tới tận cơ sở và người dân. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân trong việc thực thi pháp luật về BHXH, BHYT; Góp phần nâng tỷ lệ bao phủ BHYT đạt hơn 81%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ tham gia BHXH còn thấp. Nợ BHXH, BHYT còn cao; đặc biệt là số nợ không còn khả năng thu hồi, nợ tại các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản chưa có cơ chế xử lý, gây khó khăn cho việc giải quyết chính sách đối với người lao động. Việc lợi dụng chính sách để trục lợi quỹ BHYT diễn biến phức tạp; tiến độ ứng dụng CNTT vào giám định thanh toán chi phí KCB BHYT còn gặp nhiều khó khăn. Việc ứng dụng CNTT Ngành đã làm hiệu quả nhưng vẫn còn nhiều việc dở dang,..

Để đạt kết quả tốt hơn trong năm 2017, ngành BHXH sẽ tập trung vào các giải pháp: Tiếp tục bám sát các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để kịp thời triển khai các hoạt động của Ngành; Bám sát các chương trình, kế hoạch công tác để chỉ đạo BHXH các địa phương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn; Phải có sự gắn kết tốt với các bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể để nâng cao nhận thức của người dân về thực thi chính sách, pháp luật BHYT.

Đặc biệt, chúng tôi đặt mục tiêu là sẽ có đổi mới trong công tác cán bộ, tức là cơ chế đánh giá cán bộ sâu sát hơn, đúng người đúng việc, bố trí, sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ để làm tốt cương vị được giao, nâng cao ý thức phục vụ đối với toàn thể cán bộ của Ngành.

PV: Công tác cải cách hành chính nhằm phục vụ tốt nhất cho người tham gia và thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT; nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp là một trong những nội dung trọng tâm được ngành BHXH triển khai. Xin Thứ trưởng cho biết chủ trương này đã được Ngành triển khai như thế nào?

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh:

CCHC đang là nội dung được Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt và cũng là mục tiêu ngành BHXH theo đuổi. Thể hiện sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với Ngành cũng như hình ảnh của Ngành BHXH trước toàn thể xã hội.

Năm 2016, BHXH Việt Nam đã nỗ lực triển khai đồng loạt các giải pháp cải cách TTHC đối với tất cả các tổ chức, cá nhân giao dịch với cơ quan BHXH và thực hiện cải cách nội bộ trong chính ngành BHXH nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp.

BHXH Việt Nam đã ban hành kế hoạch triển khai, trong đó chỉ đạo quyết liệt các đơn vị nghiệp vụ, BHXH các địa phương trên toàn quốc nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về CCHC đối với doanh nghiệp.

Với việc tập trung tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ; rà soát, đơn giản hóa thủ tục và các chỉ tiêu, biểu mẫu thực hiện chế độ BHXH, BHYT; triển khai giao dịch điện tử, thay đổi phương thức giao nhận hồ sơ giữa cơ quan BHXH với người dân và doanh nghiệp.... công tác CCHC đã đạt được kết quả đáng ghi nhận: TTHC thuộc phạm vi quản lý của Ngành được cắt giảm xuống còn 32 thủ tục (giảm 01 thủ tục so với thời điểm cuối năm 2015); doanh nghiệp được lựa chọn các hình thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả như: thực hiện qua giao dịch điện tử, thực hiện qua dịch vụ bưu chính (doanh nghiệp không phải trả phí) giúp đơn vị sử dụng lao động tiết kiệm tối đa thời gian đi lại, chờ đợi khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH.

Có thể nói năm 2016, BHXH Việt Nam đã CCHC vì người dân, các tổ chức liên quan và cải cách ngay trong chính cơ quan BHXH.

Trong CCHC thì ứng dụng CNTT là vô cùng quan trọng và ngành BHXH đang thực hiện hết sức quyết liệt. BHXH Việt Nam đã triển khai tin học hóa toàn diện trong các hoạt động quản lý và nghiệp vụ của ngành ở tất cả các lĩnh vực; đồng thời liên thông dữ liệu với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan để thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH. Việc triển khai phần mềm cấp số định danh và quản lý BHYT theo hộ gia đình; Phần mềm quản lý các hoạt động nghiệp vụ của Ngành; Hệ thống thông tin giám định BHYT bước đầu cho kết quả khả quan góp phần CCHC, tạo thuận lợi cho người tham gia, người thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT.


Giao dịch tại bộ phận "một cửa" của cơ quan BHXH

PV: Xin Thứ trưởng – Tổng Giám đốc cho biết, năm 2016 chính sách BHYT có những thay đổi lớn, như thông tuyến khám chữa bệnh, tăng giá dịch vụ y tế. Những thay đổi này có tác động thế nào đến quyền lợi của người tham gia BHYT và quỹ BHYT?

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh:

Có thể nói, những thay đổi của chính sách BHYT  trong năm 2016 đã tác động mạnh mẽ đến quyền lợi của người tham gia BHYT và quỹ BHYT.

Trước hết, việc thông tuyến KCB đã tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho người bệnh khi người bệnh không cần giấy chuyển tuyến vẫn được KCB và đảm bảo quyền lợi tại các cơ sở KCB tuyến huyện. Các trường hợp đi làm xa, cư trú ngoại tỉnh được KCB và đảm bảo quyền lợi BHYT đầy đủ tại các bệnh viện tuyến huyện mà không cần giấy xác nhận đăng ký tạm trú, giấy công tác. Đồng thời, người bệnh được lựa chọn KCB tại các cơ sở y tế cùng tuyến có chất lượng phục vụ tốt hơn, kể cả cơ sở y tế tư nhân đang được xếp tương đương tuyến huyện. Quy định thông tuyến thúc đẩy các bệnh viện nâng cao chất lượng KCB và chất lượng phục vụ nhằm thu hút người bệnh và như vậy, người có thẻ BHYT được hưởng lợi từ việc này.

Mức giá chi trả của dịch vụ kỹ thuật thống nhất trong cả nước, người bệnh sẽ được cung cấp dịch vụ y tế công bằng, đồng đều ở tất cả cơ sở KCB, không phân biệt vùng miền. Giá dịch vụ y tế nâng lên thì chất lượng dịch vụ cũng sẽ được nâng lên. Người bệnh không phải trả thêm cho những chi phí thuốc, vật tư y tế đã được tính vào giá dịch vụ kỹ thuật hoặc được quy định rõ quỹ BHYT thanh toán riêng ngoài giá dịch vụ kỹ thuật. Ngân sách Nhà nước được chuyển sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT, đặc biệt là nhóm người yếu thế trong xã hội thay vì trước đây cấp trực tiếp cho các cơ sở y tế để trả lương, trả chi phí thường xuyên. Giá dịch vụ kỹ thuật được tính đủ chi phí sẽ khuyến khích các bệnh viện đầu tư, phát triển, theo đó người có thẻ BHYT được thụ hưởng các dịch vụ KCB tiên tiến, hiện đại ngay trên địa bàn và được cơ quan BHXH thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT. Tuy nhiên, đối với các đối tượng có mức hưởng 80% và 95% phải tăng phần đồng chi trả khi tăng giá dịch vụ y tế (DVYT).

Mặc dù quy định về thông tuyến KCB, tăng giá DVYT mang lại nhiều tác động tích cực, nhưng cũng dẫn tới tăng chi quỹ BHYT, đồng thời xuất hiện tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ từ cả người có thẻ BHYT và cơ sở KCB. Qua thông tin tổng hợp trên Cổng thông tin giám định BHYT cho thấy, có trường hợp trong một tháng đi KCB BHYT tới 27 lần tại nhiều cơ sở KCB khác nhau. Ngoài ra, nhiều cơ sở KCB đề nghị xuống hạng để được thông tuyến, đồng thời dùng nhiều hình thức để khuyến mại, thu dung người bệnh đến KCB như tặng quà, tặng tiền vé ô tô đưa đón, khám kiểm tra sức khỏe…; một số người bệnh tìm đến những cơ sở KCB có cung cấp dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn (chụp CT-Scanner, chụp cộng hưởng từ...) đề nghị được sử dụng dịch vụ kỹ thuật đó. Nhiều cơ sở KCB chỉ định sử dụng nhiều thuốc đắt tiền; xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh quá mức cần thiết, không phù hợp với chẩn đoán bệnh… với mục đích thu được nhiều lợi nhuận. Trong khi đó, phần mềm liên thông dữ liệu giữa cơ quan BHXH và các cơ sở KCB chưa hoàn thiện nên việc quản lý tình trạng lạm dụng quỹ BHYT còn gặp khó khăn.

Số lượt KCB tại tuyến huyện tăng mạnh cùng với việc điều chỉnh giá DVYT (tính cả lương và phụ cấp) tác động kép làm gia tăng chi phí KCB BHYT.   

Vì vậy, việc thông tuyến KCB BHYT và tăng giá DVYT đã khiến chi phí KCB của các tỉnh tăng cao, dẫn đến 50 địa phương vượt quỹ KCB trong quý 3 năm 2016, gấp đôi so với năm 2015. Điều này tạo ra áp lực lớn đối với cơ quan BHXH và toàn hệ thống y tế.

PV: Với tác động như vậy thì tình trạng, mức độ an toàn của quỹ BHYT như thế nào?Nhiều người rất lo ngại về an toàn của quỹ BHYT.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh:

Chúng tôi, triển khai hàng loạt có nhiều giải pháp để đảm bảo quỹ BHYT được quản lý, sử dụng hiệu quả đến mọi người dân. Nhìn một cách tổng thể, an toàn của quỹ BHYT vẫn được đảm bảo, năm 2016, quỹ vẫn giữ được cân bằng. Tuy nhiên, không được chủ quan, vẫn phải tiếp tục để làm sao để quỹ được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nhất.

PV: Ngành BHXH có tăng giá đóng BHYT trong thời gian tới không thưa bà?

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh:

Với quản lý hiện nay, quỹ BHYT vẫn có khoản để cân đối cho năm tiếp theo. Người dân sẽ thấy một điều rất rõ là được hưởng dịch vụ y tế chất lượng tốt hơn, sau đó một vài năm mới nâng mệnh giá thẻ BHYT sẽ tạo được sự đồng thuận với ngành BHXH hơn.



Khai trương hệ thống Thông tin giám định BHYT

Hệ thống thông tin giám định và thanh toán BHYT do ngành BHXH và Bộ Y tế phối hợp triển khai và đã được vận hành trong năm 2016, xin Thứ trưởng cho biết những kết quả đã đạt được, đặc biệt là tác dụng của nó trong công tác quản lý Qũy BHYT và đảm bảo quyền lợi cho người bệnh tham gia BHYT?

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh:

Tôi cho rằng năm vừa qua, có được Hệ thống thông tin Giám định BHYT là điều mà ngành BHXH luôn mong mỏi, hài lòng nhất. Đây như là một cuộc cách mạng trong ngành, giải phóng cho cán bộ rất nhiều. Làm cho năng suất, hiệu quả công việc tăng lên, đặc biệt là công tác quản lý quỹ.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tin học hóa trong KCB BHYT, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế và các đơn vị có liên quan xây dựng bộ mã danh mục dùng chung, chuẩn dữ liệu đầu ra; ban hành Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT; xây dựng Quy định về giao dịch điện tử lĩnh vực BHYT.

Từ ngày 25/6/2016, Cổng tiếp nhận của BHXH Việt Nam chính thức tiếp nhận hồ sơ đề nghị thanh toán BHYT từ các cơ sở KCB BHYT trên phạm vi toàn quốc. Đến nay, hầu hết các cơ sở y tế đã kết nối với hệ thống giám định BHYT. Từ ngày 01/01/2017, BHXH Việt Nam thực hiện giám định, quyết toán chi phí KCB BHYT trên Phần mềm giám định BHYT tại tất cả các cơ sở KCB BHYT.

Hệ thống thông tin giám định BHYT ra đời nâng cao năng lực quản lý và điều hành của cơ quan BHXH, tiết kiệm được thời gian và nâng cao hiệu suất công việc, đảm bảo phục vụ tốt người tham gia BHYT. Cơ quan BHXH quản lý được dữ liệu chi phí KCB BHYT thống nhất trên toàn quốc, phục vụ công tác quản lý, giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT. Đồng thời hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

Đối với cơ sở KCB: Việc áp dụng CNTT cũng thuận lợi hơn trong KCB, giảm thủ tục tiếp đón bệnh nhân, loại bỏ được thống kê trùng và sai sót khi thực hiện chuyển dữ liệu đến cơ quan BHXH. Thông tin của người bệnh BHYT trên Hệ thống giúp cơ sở KCB có thể khai thác như: kiểm tra thông tin thẻ BHYT, thông tin chuyển viện, lịch sử một số lần khám gần nhất của bệnh nhân, các kết quả cận lâm sàng.

Đối với người tham gia BHYT: Quyền lợi của người tham gia BHYT sẽ được đảm bảo do minh bạch các thông tin trong khám chữa bệnh.

PV: Đối với các địa phương còn hạn chế về đường truyền Internet, BHXH sẽ có những biện pháp thế nào để hỗ trợ thưa bà?

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh:

Có thể nói, cả nước có khoảng 14.000 cơ sở KCB và đã được kết nối với Hệ thống. Tuy nhiên, cá biệt có một số xã khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, không thể kết nối trực tiếp được, chúng tôi có nhiều biện pháp. Ví dụ thông tin từ trạm y tế xã sẽ được chuyển lên huyện để kết nối. Chúng tôi đang cố gắng khắc phục để làm sao kiểm soát được ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh.

PV: Việc lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT trên phạm vi toàn quốc là nhiệm vụ khó khăn và phức tạp, đã được BHXH Việt Nam phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam triển khai thực hiện, xin Thứ trưởng cho biết những kết quả đã đạt được và tác dụng tích cực của việc này trong công tác quản lý của Ngành?

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh:

Công tác lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT là một nhiệm vụ rất khó khăn, ngành BHXH chưa có kinh nghiệm thực hiện, cán bộ trong Ngành phải thực hiện nhiều nhiệm vụ; dân cư biến động; việc khai báo và quản lý nhân khẩu, hộ khẩu tại địa phương còn sai sót; địa bàn một số tỉnh rộng, dân cư không tập trung; giao thông đi lại nhất là các xã vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn; một số bộ phận hộ gia đình chưa tích cực hợp tác dẫn đến thông tin kê khai thiếu, không chính xác...

Mặc dù vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm thực hiện của toàn thể cán bộ ngành BHXH và Tổng Công ty Bưu điện, sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, UBND các cấp, sau hơn một năm triển khai thực hiện, đến nay công tác lập Danh sách hộ gia đình tham gia BHYT đã cơ bản hoàn thành. Toàn quốc đã thu thập và nhập dữ liệu thông tin của trên 24,2 triệu hộ gia đình với trên 91 triệu người, đảm bảo cấp mã định danh đến từng cá nhân.

Thông qua việc lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT, ngành BHXH sẽ thực hiện cấp mã số BHXH cho các thành viên hộ gia đình để phục vụ cho việc quản lý các nghiệp vụ của ngành bằng CNTT. Đây là cơ sở cho việc hoàn thiện các quy trình quản lý, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử, giảm thủ tục, thời gian giao dịch giữa người tham gia với cơ quan BHXH. BHXH là một trong 6 ngành được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng dữ liệu quốc gia. Dữ liệu đã được thu thập là một trong những dữ liệu quốc gia, do đó sẽ phục vụ cho việc liên thông, xây dựng dữ liệu an sinh của quốc gia. Đây là việc trước tiên phục vụ cho công tác quản lý của ngành và chia sẻ với các Bộ, ngành khác. Lĩnh vực BHXH là liên quan tới tất cả người dân. Kết quả hiện nay, chúng tôi đạt khoảng 95% về độ chính xác.

Đồng thời, đây cũng là dịp tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT đến từng hộ gia đình, nên đã góp phần đạt kết quả tăng 3 triệu người tham gia BHYT hộ gia đình năm 2016 so với năm 2015./. 

Theo baohiemxahoi.gov.vn