Điều chỉnh giá dịch vụ y tế - Cơ hội và thách thức

12/04/2016 09:50 AM



Ngày 29/10/2015, liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc (Thông tư số 37), có hiệu lực từ ngày 01/03/2016 tạo ra những thay đổi đáng kể về cơ chế tài chính y tế. Lần đầu tiên giá dịch vụ y tế được quy định thống nhất trên toàn quốc theo hạng bệnh viện, đã khắc phục tình trạng cùng một dịch vụ y tế nhưng mỗi địa phương quy định một mức giá khác nhau. Đồng thời, giá dịch vụ y tế đã được kết cấu thêm những cấu phần chính như phụ cấp đặc thù và đặc biệt là tiền lương của nhân viên y tế. Nhà nước sẽ giảm đáng kể việc cấp ngân sách chi cho hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở y tế công là động lực để ngành y tế tăng chất lượng chuyên môn và chất lượng phục vụ, bệnh viện có cơ hội phát triển hơn khi tự chủ tài chính. Điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức không chỉ đối với các cơ sở y tế mà đối với tất cả các bên tham gia BHYT.

Trước hết, xin được bàn về các cơ hội

Cơ hội đối với cơ sở KCB: Mặc dù trong thời gian tới, các cơ sở y tế công sẽ bị hạn chế nguồn ngân sách nhà nước nhưng có thể thấy đây thực sự không còn là vấn đề quan trọng. Bởi nguồn ngân sách này trên thực tế là khá thấp so với nhu cầu hoạt động thực tế của bệnh viện. Nhiều bệnh viện, ngân sách được cấp theo giường bệnh hằng năm chỉ đủ chi lương cho nhân viên y tế đến hết Quý III của năm chứ chưa nói đến chi phụ cấp đặc thù. Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện trong những năm qua đã hoạt động rất tốt theo cơ chế tự chủ tài chính hoàn toàn. Khi giá dịch vụ được kết cấu thêm phần chi đặc thù, lương của nhân viên y tế sẽ giúp cho các bệnh viện chủ động hơn trong việc chi tiêu phục vụ cho các hoạt động của mình. Căn cứ khả năng cung cấp dịch vụ y tế, nhu cầu KCB của người dân, cơ sở y tế có thể chủ động trong việc bố trí nhân lực, đầu tư trang thiết bị y tế phù hợp, không bị ràng buộc vào chỉ tiêu biên chế, hoặc các ràng buộc khác về ngân sách.

Đối với các cơ sở y tế tư nhân, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này thực sự là cứu cánh cho sự tồn tại và phát triển, đặc biệt là đối với các bệnh viện tư nhân. Khi áp dụng mức giá DVYT được xây dựng trên cơ sở 03 yếu tố trực tiếp, các cơ sở y tế tư nhân đã gặp rất nhiều khó khăn. Nếu thu theo mức của bệnh viện công lập sẽ không đủ bồi hoàn chi phí, còn nếu thu theo giá tính đủ sẽ không thu hút được người bệnh BHYT (trong khi người có thẻ BHYT đã chiếm hơn 75% dân số). Chính vì vậy, với mức giá đã được tính cả phần chi đặc thù và lương đã gần tiệm cận với mức giá tính đủ. Người bệnh có thể yên tâm đến các cơ sở y tế tư nhân mà không phải lo lắng nhiều trong việc phải đóng chi phí chênh lệch.     

Khi tự chủ tài chính, các cơ sở y tế phải đổi mới cơ chế quản lý, tinh giảm bộ máy, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Đây chính là động lực để các bệnh viện phát triển.

Cơ hội đối với người có thẻ BHYT:

Như đã phân tích ở phần trên, điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này là cơ sở để tăng chất lượng dịch vụ tại các cơ sở KCB. Một trong những lý do chính là các cơ sở KCB từ nay sẽ “sống” bằng việc cung ứng các dịch vụ y tế, điều này tạo nên sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các bệnh viện. Hệ quả là người bệnh được hưởng lợi từ sự cạnh tranh này. Những cơ sở y tế cung ứng dịch vụ có chất lượng sẽ thu hút được người bệnh, ngược lại, người bệnh sẽ “quay lưng”.

Khi giá DVYT được tính toán tiệm cận với giá tính đủ, người bệnh đến các cơ sở y tế tư nhân hay sử dụng dịch vụ xã hội hóa tại các bệnh viện công (như KCB theo yêu cầu) sẽ giảm bớt tiền chênh lệch phải trả so với trước đây. Ví dụ, trước đây, tiền khám bệnh ở một cơ sở khám chữa bệnh tư nhân có thể thu 50 nghìn đồng, BHYT thanh toán mức 20 nghìn đồng, 30 nghìn đồng còn lại là tiền chênh lệch người bệnh phải trả. Nhưng hiện nay, khi tăng giá dịch vụ y tế, BHYT chi trả 40 nghìn đồng thì người bệnh chỉ phải trả thêm 10 nghìn đồng mà thôi.

Điều chỉnh giá DVYT tạo nên sự minh bạch hơn: người bệnh sẽ biết mình được hưởng gì, không phải trả các chi phí đã được kết cấu vào giá dịch vụ y tế (mà các chi phí này đã được tính đủ đối với các bệnh viện công, các phần chưa được kết cấu thì ngân sách nhà nước bao cấp).

Khi giảm nguồn kinh phí cấp cho các bệnh viện, ngân sách nhà nước sẽ cấp nhiều hơn cho việc hỗ trợ đóng BHYT, thanh toán các dịch vụ kỹ thuật cao, thuốc đặc trị…và đây là cơ hội để người có thẻ BHYT được hưởng thêm quyền lợi.

Bên cạnh những cơ hội nêu trên thì khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhiều thách thức đặt ra đối với các bên tham gia BHYT:

Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh: Nếu bệnh viện không kịp thời chuyển đổi cơ chế quản lý, không nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, việc thực hiện giá dịch vụ y tế mới sẽ giảm nguồn thu do không còn “bầu sữa” ngân sách (cho dù không nhiều nhưng là nguồn ổn định). Các cơ sở KCB sẽ không còn được “tùy tiện” thu thêm của người bệnh như trước bởi giá DVYT đã được minh bạch và tính đủ các chi phí.  

Đối với người bệnh BHYT, việc tăng giá dịch vụ y tế ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực với nhóm đối tượng phải cùng chi trả, đặc biệt là nhóm đối tượng phải đồng chi trả 20% như người lao động, học sinh, sinh viên, thân nhân quân đội, công an. Ví dụ, trước đây một đợt điều trị có chi phí 10 triệu đồng, nay giá dịch vụ y tế tăng 30% thì chi phí là 13 triệu đồng, nếu đồng chi trả 20% thì người bệnh phải bỏ tiền túi 2,6 triệu đồng, trong khi trước đây chỉ phải trả 02 triệu đồng. Hoặc đối với những dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn, hiện Quỹ BHYT chi trả không quá 40 tháng lương cơ sở (tương đương 46 triệu đồng), khi giá dịch vụ y tế tăng thì phần chênh lệch phải trả cũng sẽ tăng theo.

Tăng giá DVYT, người bệnh còn đối mặt với nguy cơ trả thêm tiền (chưa kể tổn hại sức khỏe) do bị chỉ định quá mức các dịch vụ kỹ thuật, đặc biệt là dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm.  

Ví dụ, trước đây bệnh viện chỉ định cho 30% số người bệnh đến khám ngoại trú chụp XQ, siêu âm thì nay có thể tăng lên 50%. Các bệnh viện đầu tư máy chụp chiếu hiện đại, mà đã đầu tư thì bệnh viện có xu hướng tăng chỉ định cho người bệnh để thu hồi vốn nhanh, dù mức độ bệnh chưa đến mức phải sử dụng dịch vụ đó. Hoặc bệnh viện sẽ kéo dài thời gian nằm viện, chăm sóc sau phẫu thuật... để thu tiền giường bệnh (giá giường bệnh theo Thông tư 37 tăng gần gấp đôi so với Thông tư 04).

Đới với Quỹ BHYT: Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này sẽ tác động rất lớn đến Quỹ BHYT. Chắc chắn năm 2016 sẽ rất nhiều địa phương bị bội chi quỹ khám, chữa bệnh BHYT bởi tác động kép: gia tăng chi phí của từng DVYT và gia tăng cung dịch vụ do tiền lương được kết cấu trong giá dịch vụ y tế (năm 2015 đã có gần 20 địa phươngmất khả năng cân đối Quỹ BHYT). Đây thực sự là thách thức không chỉ đối với những nhà quản lý Quỹ BHYT mà còn cả đối với các cơ sở KCB. Bởi thiếu hụt nguồn quỹ sẽ ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh.

Vậy cần phải làm gì để nắm bắt cơ hội và vượt qua các thách thức nêu trên:

Mọi người phải có ý thức tham gia BHYT đầy đủ, đúng quy định, biết cách tự phòng bệnh, đi khám bệnh, sử dụng dịch vụ y tế khi cần thiết.

Cơ sở KCB phải có ý thức cao trong việc quản lý và sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh BHYT. Đầu tư trang thiết bị hợp lý, chỉ định dịch vụ y tế phù hợp với tình trạng bệnh lý, chống mọi biểu hiện lạm dụng.   

Về phía cơ quan BHXH phải tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát  sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh BHYT tại các bệnh viện bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giám định; đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng./. 

 

Theo tapchibaohiemxahoi.gov.vn