Lịch sử hình thành và phát triển chính sách Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại Việt Nam

16/08/2021 09:46 AM


Đối với bất cứ quốc gia nào, nền an sinh xã hội nói chung, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) nói riêng đều được xem là nền tảng quan trọng cho sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội của đất nước. Việt Nam chúng ta cũng không đứng ngoài xu thế chung đó của thế giới, hiện nay hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam có ba hệ thống cấu thành chính, đó là: ưu đãi xã hội, bảo trợ xã hội và bảo hiểm xã hội. Trong đó, hệ thống BHXH giữ vai trò trụ cột, bền vững nhất; phát triển BHXH sẽ là tiền đề và điều kiện để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Có thể nói, những bước tiến trong sự nghiệp BHXH, BHYT đã được thể hiện trong các quan điểm của Đảng, nhất là từ Đại hội lần thứ VI, cùng với việc thực hiện đường lối đổi mới về kinh tế, Việt Nam đã tiến hành nhiều bước đi quan trọng trong đổi mới chính sách và thực hiện chính sách BHXH, BHYT theo hướng “mở rộng diện bao phủ BHXH đối với người lao động thuộc mọi thành phần kinh tế và BHYT đối với tất cả các tầng lớp nhân dân”. Tiếp đến, ngày 26-5-1997, Bộ Chính trị khóa VIII đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW về tăng cường lãnh đạo thực hiện các chế độ BHXH, trong đó nêu rõ: “BHXH là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước góp phần đảm bảo ổn định đời sống cho người lao động, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc”. Đến năm 2012, quan điểm này tiếp tục được kế thừa và thể hiện rõ nét hơn trong Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị: “BHXH và BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội”. Mới đây nhất, ngày 23-5-2018, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, tiếp tục khẳng định: “BHXH là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước”.

Tổng quan về chính sách BHXH 

Chính sách BHXH ở Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, hướng tới mở rộng phạm vi bao phủ, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân - Ảnh minh họa – Nguồn Internet

Bản chất của BHXH là sự bảo đảm bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết trên cơ sở đóng góp vào quỹ BHXH do Nhà nước tổ chức thực hiện. Vì vậy, ngay từ khi thành lập nước, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành chính sách về BHXH và sau đó đã nhiều lần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp từng giai đoạn lịch sử.

Trải qua chiều dài lịch sử xây dựng Chủ nghĩa xã hội từ trước Cách mạng Tháng tám đến nay, chính sách BHXH cũng diễn tiến và phát triển dần theo từng dấu mốc lịch sử của đất nước và ngày càng thể hiện rõ vai trò trụ cột an sinh cho người lao động. Bởi lẽ nó xuất phát từ quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước, được hun đúc và hoàn thiện dần qua từng giai đoạn thăng trầm, phát triển của đất nước. Theo đó, chính sách an sinh về BHXH cho người lao động ngày càng được nâng cao về quyền lợi, đa dạng về các chế độ thụ hưởng và đặc biệt là mở rộng về đối tượng tham gia.

Trước Cách mạng tháng Tám: Nước nhà chưa được độc lập, chính sách BHXH chưa có trong thực tế nhưng đã có nền móng dưới thời phong kiến Pháp thuộc. Đó là những quan điểm về xây dựng hệ thống chính sách BHXH đã được Đảng ta đặt ra trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1929 cho tới năm 1940-1941 được tiếp tục khẳng định bằng việc sẽ đặt ra chính sách BHXH khi thiết lập được chính quyền cách mạng và tạo lập quỹ hưu bổng cho người già,…

Sau Cách mạng tháng Tám: Ngay khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được thành lập, ngày 03/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ ký sắc lệnh số 54/SL ấn định các điều kiện cho công chức về hưu.

Tiếp đó trên cơ sở Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ đã ban hành một loạt các sắc lệnh quy định về các chế độ trợ cấp ốm đau, tai nạn, hưu trí cho công nhân viên chức Nhà nước (Sắc lệnh 29/SL ngày 12/3/1947; Sắc lệnh 76/SL ngày 20/5/1950 và Sắc lệnh 77/SL ngày 22/5/1950).

Cơ sở pháp lý tiếp theo của BHXH được thể hiện trong Hiến pháp năm 1959. Hiến pháp năm 1959 của nước ta đã thừa nhận công nhân viên chức có quyền được trợ cấp BHXH. Quyền này được cụ thể hóa trong Điều lệ tạm thời về BHXH đối với công nhân viên chức Nhà nước, ban hành kèm theo Nghị định 218/CP ngày 27/12/1961 và Điều lệ đãi ngộ quân nhân ban hành kèm theo Nghị định 161/CP ngày 30/10/1964 của Chính phủ. Đây có thể coi là hai văn bản pháp luật đầu tiên của Việt Nam quy định về chính sách BHXH. Suốt trong những năm tháng kháng chiến chống xâm lược, chính sách BHXH nước ta đã góp phần ổn định về mặt thu nhập, ổn định cuộc sống cho công nhân viên chức, quân nhân và gia đình họ, góp phần rất lớn trong việc động viên sức người sức của cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống xâm lược thống nhất đất nước.

Đến sau giải phóng miền Nam:  Đất nước hoàn toàn thống nhất chuyển sang một thời kì mới. Theo đó, chính sách BHXH tiếp tục được sửa đổi bổ sung và hoàn thiện mở rộng áp dụng các chế độ MSLĐ, hưu trí, tử tuất đối với CNVC và quân nhân đặc biệt là sự bảo đảm về chính sách BHXH của Đảng và Nhà nước được thể hiện rõ trong Hiến pháp năm 1980 quy định những quyền lợi về BHXH khi về hưu, già yếu, bệnh tật hoặc MSLĐ, mở rộng dần sự nghiệp BHXH theo hướng phù hợp với nền kinh tế quốc dân bằng việc hướng dẫn các hợp tác xã thực hiện từng bước chế độ BHXH đối với xã viên.

Giai đoạn từ năm 1986 đến 1994: Đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, nền kinh tế chuyển dịch theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước, sự đổi mới về cơ chế kinh tế đòi hỏi có những thay đổi tương ứng về chính sách xã hội nói chung và chính sách BHXH nói riêng. Hiến pháp năm 1992 đã nêu rõ: “Nhà nước thực hiện chế độ BHXH đối với công chức nhà nước và người làm công ăn lương, khuyến khích phát triển các hình thức BHXH khác đối với người lao động”. Trong văn kiện Đại hội VII của Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã chỉ rõ, cần đổi mới chính sách BHXH theo hướng mọi người lao động và các đơn vị kinh tế thuộc các thành phần kinh tế đều có nghĩa vụ đóng góp BHXH, thống nhất tách quỹ BHXH ra khỏi ngân sách.

Từ năm 1995 đến 2005:Trước yêu cầu của đổi mới, cụ thể hoá Hiến pháp 1992, Nghị định 12/CP ngày 16/01/1995 của Chính phủ ban hành điều lệ BHXH áp dụng đối với CNVC, NLĐ trong khối hành chính sự nghiệp, các cơ quan đảng, đoàn thể, doanh nghiệp nhà nước, NLĐ trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên và cùng trong thời gian này Chính phủ cũng ban hành điều đệ BHXH áp dụng đối với lực lượng vũ trang. Có thể nói năm 1995 là năm mở ra dấu mốc lớn trong chính sách BHXH, bắt đầu từ thời điểm này quỹ BHXH được hình thành trên cơ sở đóng góp của 3 bên: Người SDLĐ, NLĐ với sự bảo hộ của Nhà nước, hoạt động độc lập với ngân sách Nhà nước thay vì phụ thuộc ngân sách như trước và  đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đổi mới chính sách BHXH nước ta theo cơ chế thị trường, theo hướng ngày càng mở rộng đối tượng tham gia BHXH và mở rộng các cơ chế thực hiện (bắt buộc và tự nguyện). 

Đến Giai đoạn từ năm 2006 đến nay: Đây là giai đoạn mà Đảng, Nhà nước ta có những quan tâm đặc biệt đến chính sách BHXH thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội XI đã khẳng định “Bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục sủa đổi hoàn thiện hệ thông BHXH, BHYT, BHTN,…đa dạng, linh hoạt, có khả năng bảo vệ, giúp đỡ mọi thành viên trong xã hội nhất là đối tượng yếu thế đễ bị tổn thương”. Cụ thể hoá Nghị quyết đó là sự ra đời của Luật BHXH số 71/2006/QH11 ngày 29/6/2006 quy định rõ các quy định về chính sách BHXH mà đặt biệt là sự ra đời của BHXH tự nguyện áp dụng cho NLĐ là không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, tiếp đó là sự ra đời của Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng sường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 khẳng định: “BHXH, BHYT là 2 chính sách xã hội quan trọng là trụ cột chính của hệ thông an sinh xã hội quốc gia và trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân là phải thực hiện tốt chính sách BHXH”.

Tiếp đó nhằm mở rộng hơn nữa diện bao phủ tới đông đảo NLĐ, Luật BHXH sửa đổi 2014 được ban hành ngày 20/11/2014 theo hướng mở rộng đối tượng tham gia và tăng quyền thụ hưởng chính sách cho NLĐ thể hiện sự đảm bảo cần thiết và ngày càng đi vào thực tiễn đời sống người lao động. Đặc biệt là sự đảm bảo càng có tính xác thực và chắc chắn hiện thực khi có cả hệ thống chính trị vào cuộc được thể hiện bằng mục tiêu, lộ trình trong nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương về cải cách chính cách BHXH từ nay đến 2030 với mục tiêu, lộ trình thực hiện cụ thể theo từng giai đoạn.

Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự kiến sẽ trình trong các kỳ họp Quốc hội năm 2022 và 2023 và có hiệu lực thực hiện vào năm 2024, theo hướng: Nghiên cứu bổ sung các quyền lợi ngắn hạn (trước mắt), tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút tạo điều kiện để người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;  Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng  giảm dần số năm đóng bảo  hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.

Tổng quan về chính sách BHYT 

BHYT - Chính sách quan trọng trong chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân

BHYT là hình thức bảo hiểm mang tính cộng đồng chia sẻ sâu sắc được áp dụng trong lĩnh vực khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho mọi người, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và các đối tượng có trách nhiệm tham gia theo quy định của Luật BHYT (Luật này đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14-11-2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2009). Về cơ bản, đó là một cách dành dụm một khoản tiền trong số tiền thu nhập của mỗi cá nhân hay mỗi hộ gia đình để đóng vào quỹ do Nhà nước đứng ra quản lý, nhằm giúp mọi thành viên tham gia quỹ có ngay một khoản tiền trả trước cho các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khi người tham gia không may ốm đau phải sử dụng các dịch vụ đó, mà không phải trực tiếp trả chi phí khám chữa bệnh. Cơ quan BHXH sẽ thanh toán khoản chi phí này theo quy định của Luật BHYT. BHYT là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng, là cơ chế tài chính vững chắc giúp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Thực chất của BHYT là chế độ khám chữa bệnh nằm trong chính sách BHXH, nhưng do lịch sử hình thành và phát triển ở nước ta có sự khác biệt và theo thói quen nên chúng ta thường gọi là chính sách BHYT. Năm 2002, Chính phủ ban hành Quyết định 20/2002/QĐ-TTg chuyển BHYT Việt Nam sang BHXH Việt Nam. Kể từ đây, hòa trộn 2 chính sách an sinh xã hội quan trọng là BHXH, BHYT thống nhất thực hiện từ trung ương xuống địa phương, theo mô hình một quỹ quốc gia.

Trước năm 1992: Nhìn lại bối cảnh đất nước giai đoạn đầu đổi mới, từ năm 1986, công cuộc đổi mới cơ chế kinh tế đã tạo những tác động lớn tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Mặc dù đầu tư của Nhà nước cho y tế tăng nhanh, song trước nhu cầu sử dụng thuốc và các dịch vụ y tế của người dân không ngừng gia tăng, số chi từ ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 50%. Thực tế đó đòi hỏi cơ chế tài chính y tế phải có những thay đổi nhằm tạo thêm nguồn kinh phí hoạt động ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho hoạt động y tế. 

Trước yêu cầu khách quan đó, ngày 24-4-1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 45/HĐBT cho phép các cơ sở khám, chữa bệnh được thu một phần viện phí để cải thiện điều kiện phục vụ bệnh nhân. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, việc thực hiện chính sách này cũng đã ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của một bộ phận không nhỏ những người không có khả năng chi trả, nhất là người dân ở khu vực nông thôn, người nghèo, người sống ở những vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn… Đây chính là bối cảnh ra đời chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) - chính sách nhằm huy động sự đóng góp tài chính từ cộng đồng để tăng cường và nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, dựa trên nguyên tắc “lấy số đông bù số ít”.

Ngày 26-10-1990, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Công văn số 3504/KG đồng ý để một số địa phương thực hiện thí điểm BHYT. Thí điểm thực hiện BHYT được triển khai tại một số địa phương với nhiều hình thức khác nhau, như bảo hiểm sức khỏe tại Hải Phòng; BHYT tự nguyện ở huyện Mỏ Cày (Bến Tre); BHYT tự nguyện ở Quảng Trị; Quỹ Khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đường sắt; Quỹ khám, chữa bệnh BHYT ở Vĩnh Phú; Quỹ Bảo trợ y tế tại Bệnh viện Bưu điện...

Ngày 15-4-1992, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được Quốc hội khóa VIII thông qua, lần đầu tiên khái niệm BHYT được đề cập tới tại Điều 39 trong Hiến pháp. Đây là nền tảng hiến định quan trọng làm cơ sở cho việc hình thành, phát triển hệ thống pháp luật BHYT và việc thực hiện chính sách BHYT ở nước ta.

Từ năm 1992:  Để cụ thể hóa Điều 39 Hiến pháp 1992, ngày 15-8-1992, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 299-HĐBT ban hành Điều lệ BHYT, tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện chính sách BHYT ở Việt Nam. Điều lệ BHYT quy định BHYT là hình thức bắt buộc đối với cán bộ, công nhân viên chức tại chức, hưu trí, nghỉ mất sức lao động, chủ sử dụng lao động và người lao động; đồng thời quy định các đối tượng khác tham gia BHYT theo hình thức tự nguyện.

Từ năm 1992 đến năm 2008:  Điều lệ BHYT đã 3 lần được sửa đổi, thay thế để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách cũng như công tác quản lý, điều hành (Nghị định số 47/CP, ngày 06-6-1994, của Chính phủ sửa đổi một số điều của Điều lệ BHYT ban hành theo Nghị định số 299 ngày 15-8-1992; Nghị định số 58/1998/NĐ-CP, ngày 13-8-1998, của Chính phủ ban hành Điều lệ BHYT thay thế Điều lệ ban hành theo Nghị định 299 ngày 15-8-1992 và Điều lệ sửa đổi ban hành theo Nghị định số 47/CP ngày 06-6-1994; Nghị định số 63/2005/NĐ-CP, ngày 16-5-2005, của Chính phủ ban hành Điều lệ BHYT mới thay thế Điều lệ ban hành kèm theo Nghị định số 58/1998/NĐ-CP).

Từ năm 2009 đến nay: Nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển BHYT trong tình hình mới, tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân, ngày 14-11-2008, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật BHYT (có hiệu lực từ ngày 01-7-2009). Luật BHYT quy định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia, trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan quản lý đối với chính sách xã hội quan trọng này. Luật BHYT đã xác định rõ 5 nguyên tắc của BHYT là: Bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT; mức đóng BHYT được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức lương tối thiểu của khu vực hành chính theo quy định của Chính phủ; mức hưởng BHYT theo mức độ bệnh tật, nhóm đối tượng trong phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT; chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT do quỹ BHYT và người tham gia BHYT cùng chi trả; Quỹ BHYT được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, bảo đảm cân đối thu chi và được Nhà nước bảo hộ.

Để ghi dấu mốc quan trọng này trong quá trình phát triển, hoàn thiện chính sách, pháp luật BHYT, ngày 16/6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg lấy ngày 01/7 hằng năm là “Ngày BHYT Việt Nam” để tuyên truyền Luật BHYT; khuyến khích, động viên nhân dân tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân; động viên và nâng cao ý thức trách nhiệm của những người làm công tác BHYT và cán bộ, nhân viên ngành Y tế.

Sau quá trình triển khai thực hiện, Luật BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp trong lựa chọn chính sách tài chính y tế thông qua BHYT. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả cơ bản đã đạt được vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc do thực tế nảy sinh, do một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn cần phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung. Ngày 13-6-2014, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (có hiệu lực từ ngày 01-01-2015). Các điểm mới quan trọng trong Luật sửa đổi là quy định “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc”; khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình; mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT và mức hưởng BHYT; mở thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT theo lộ trình; sử dụng kết dư Quỹ BHYT để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong thực hiện chính sách BHYT. 

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, BHYT đã khẳng định tính đúng đắn của một chính sách xã hội của Nhà nước, phù hợp với tiến trình đổi mới đất nước. BHYT còn góp phần bảo đảm sự công bằng trong khám chữa bệnh, người lao động, người sử dụng lao động và người dân nói chung ngày càng nhận thức đầy đủ hơn về sự cần thiết của BHYT cũng như trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội. Đông đảo người lao động yên tâm hơn khi ốm đau vì đã có chỗ dựa khá tin cậy là BHYT.

Có thể thấy, nhìn lại chặng đường phát triển đất nước từ khi có Đảng thì Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước; thể hiện tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Chính sách BHXH, BHYT đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, là sự bảo đảm thay thế, hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ gặp phải những rủi ro trong cuộc sống. Cho đến hôm nay, chính sách BHXH, BHYT thực sự đã trở thành sự bảo đảm chắc chắn cho người lao động bởi sự bảo hộ, quản lý bằng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước khác hẳn hoàn toàn với các loại hình bảo hiểm thương mại khác, BHXH, BHYT vì mục tiêu an sinh xã hội không vì mục đích lợi nhuận. Quỹ BHXH, BHYT đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất, hoạt động theo nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ giữa những người lao động cùng thế hệ và giữa các thế hệ tham gia BHXH, BHYT./.  

Kim Oanh