Phát triển BHXH ở Việt Nam: Những bước tiến vững chắc

15/02/2020 09:45 AM


TS.Bùi Sỹ LợiPhó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, công tác BHXH đã đạt được những bước tiến quan trọng. Từ chỗ còn đan xen với chính sách ưu đãi xã hội, cứu trợ xã hội… đến nay BHXH đã thực hiện đúng chức năng là góp phần ổn định đời sống của NLĐ trong quá trình lao động, khi nghỉ hưu hoặc gặp rủi ro…

Bước ngoặt quan trọng

BHXH Việt Nam được thành lập ngày 16/2/1995, đánh dấu bước tiến quan trọng trong lộ trình cải cách và tổ chức thực hiện chính sách BHXH ở Việt Nam. Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, BHXH Việt Nam không ngừng đổi mới, tạo nên những dấu ấn quan trọng đảm bảo ASXH; đồng thời tạo ra những động lực đóng góp vào công cuộc đổi mới đất nước.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ, phối hợp của các bộ, ban, ngành, địa phương cùng sự nỗ lực của mình, ngành BHXH đã đạt được những bước tiến vững chắc, với những kết quả khá toàn diện và nổi bật. Nếu như năm 1995, ngành BHXH chỉ mới quản lý 2,2 triệu lao động, thì đến cuối năm 2019 đã tăng lên 15,76 triệu người (gồm cả BHXH tự nguyện), bằng 32,3% lực lượng lao động tham gia BHXH. Đặc biệt, số người tham gia BHYT chiếm tỉ lệ bao phủ gần 90% dân số. Tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng là khoảng 3,1 triệu người, trong đó có tới hơn 2,5 triệu người hưởng lương hưu.

Chính sách BHXH từ chỗ chỉ thực hiện cho CBCNVC Nhà nước đã chuyển sang thực hiện cho mọi NLĐ theo 2 hình thức: BHXH bắt buộc đối với NLĐ có quan hệ lao động và BHXH tự nguyện đối với NLĐ làm việc tự do, lao động làm nông- lâm- ngư nghiệp… Từ đó, tiến tới đảm bảo bình đẳng cho mọi NLĐ trên cơ sở quan hệ đóng- hưởng.

Bên cạnh đó, việc giải quyết chế độ BHXH, BH thất nghiệp đã được ngành BHXH tạo điều kiện thuận lợi; công tác quản lý đối tượng hưởng BHXH và quản lý, lưu trữ hồ sơ đảm bảo khoa học, an toàn, chặt chẽ.

Đáng chú ý, từ kết quả giám sát hàng năm cho thấy, chỉ tiêu phát triển đối tượng; dự toán thu BHXH, BHYT được giao năm sau cao hơn năm trước, đã góp phần tăng diện bao phủ BHYT lên gần 90% vào năm 2019. Tốc độ phát triển đối tượng tham gia BHXH tăng bình quân 5,8%; nợ đọng giảm từ 4,8% (năm 2015) xuống còn dưới 3% so với kế hoạch giao. Ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý và đẩy mạnh cải cách TTHC được đặc biệt quan tâm, một số dự án CNTT đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả như: Đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với 19 TTHC; Trung tâm Điều hành hệ thống CNTT và Trung tâm Dịch vụ khách hàng đã thực hiện tiếp nhận thông tin 2 chiều giữa BHXH Việt Nam và người dân; Hệ thống thông tin giám định BHYT đã từ chối gần 4.800 tỉ đồng chi phí KCB BHYT không đúng quy định.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số nộp thuế và BHXH tại Việt Nam năm 2018 xếp thứ 86/190, tăng 81 bậc so với báo cáo năm 2017. Tổ chức đấu thầu thuốc tập trung quốc gia đối với 21 mặt hàng thuốc sử dụng trong lĩnh vực BHYT năm 2018, giảm 252,92 tỉ đồng (21,1%) so với giá thuốc trúng thầu của các cơ sở y tế, các BV trên toàn quốc năm 2017; tổ chức chi trả đầy đủ, kịp thời các chế độ BHXH cho người hưởng, không để xảy ra rủi ro mất tiền trong chi trả; đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH bảo đảm an toàn và hiệu quả, lãi suất đầu tư bình quân đạt 7,25%- cao hơn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tốc độ tăng trưởng kinh tế...

Khi nguồn chi trả từ quỹ BHXH, BHYT không ngừng tăng lên, thì nguồn chi từ NSNN cho lương hưu và trợ cấp BHXH… đang ngày một giảm dần. Điều này giúp Nhà nước có điều kiện tập trung nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế- xã hội khác. Ngoài ra, từ nguồn quỹ BHXH tồn tích đã được dùng để đầu tư tăng trưởng, là nguồn vốn quan trọng để Nhà nước đầu tư vào các dự án phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, dân sinh, tạo việc làm cho hàng triệu lao động, qua đó đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH đất nước.

Hiện đại hóa để phục vụ người dân

Qua quá trình theo dõi và giám sát việc thực hiện chính sách BHXH cho thấy, việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về cải cách TTHC, rút ngắn quy trình nhằm giảm thời gian, chi phí cho DN, NLĐ và người tham gia BHXH, BHYT thời gian qua đạt nhiều kết quả tốt, được DN, người dân ghi nhận. Bên cạnh đó cũng cho thấy, công tác tổ chức thực hiện BHXH, BHYT còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo Nghị quyết 28, phấn đấu đến năm 2021 đạt khoảng 35%; đến năm 2025 đạt khoảng 45% và đến năm 2030 đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH… Hiện nay, tỉ lệ lao động tham gia BHXH là trên 32% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Về BHYT, hiện đã đạt gần 90% so với dân số tham gia BHYT. Như vậy, trong điều kiện quỹ thời gian thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 28 còn rất ngắn cũng như điều kiện kinh tế- xã hội, tình hình việc làm như hiện nay, thì nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT là một thách thức.

Bên cạnh đó, nguồn dữ liệu ngành BHXH là một trong 6 CSDL quốc gia, nên cần thiết phải bảo đảm an toàn tuyệt đối. Mặt khác, CNTT được ứng dụng trong CCHC đang phát triển rất nhanh, sự cập nhật, tự đào tạo của từng cán bộ phải tiếp tục được nâng lên thêm một bước. Ngành BHXH đã có sự quan tâm nhưng vẫn chưa lấp đầy được khoảng cách theo yêu cầu công việc. Đồng thời, Hệ thống thông tin giám định BHYT hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích vô cùng to lớn; song cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ phía đối tác (cơ sở y tế, ngành y tế).

Để vượt qua thách thức, nỗ lực vươn lên phục vụ người dân, BHXH Việt Nam phải thường xuyên, liên tục có biện pháp để quản lý và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Đồng thời, chú ý quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ ứng dụng CNTT cho tất cả cán bộ, đặc biệt là cán bộ vận hành hệ thống, trực tiếp thực hiện công việc CNTT, cán bộ CNTT ở địa phương; nâng cao nhận thức cho người dùng cuối, bởi nguy cơ mất an toàn thông tin xuất phát từ chính người dùng cuối. BHXH Việt Nam cũng cần tiếp tục đầu tư công nghệ theo hướng chuẩn, để có hệ thống thông tin hiện đại và đảm bảo an toàn. Cần có sự quan tâm toàn diện về ứng dụng CNTT, hiện đại hoá ngành BHXH để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chính sách BHXH, đáp ứng nhu cầu của người dân và DN.

Cùng với đó, cần tiếp tục mục tiêu xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung vào các nhiệm vụ nghiên cứu, hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ. Kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT. Tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung, hình thức theo hướng chuyên nghiệp, đúng trọng tâm, trọng điểm. Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tinh gọn đầu mối gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ CCVC theo tinh thần Nghị quyết 39/NQ-TW về tinh giản biên chế; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội. Cải cách trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, nhằm củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người tham gia hệ thống BHXH...

Ngoài ra, BHXH Việt Nam phải đẩy mạnh hơn nữa công tác CCHC, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực BHXH, BH thất nghiệp; hoàn thiện, đẩy mạnh kết nối CSDL có liên quan, nhằm phục vụ tốt công tác thực hiện chính sách và nghiên cứu hoạch định chính sách. Tiếp tục hiện đại hoá quản lý BHXH, đầu tư phát triển công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến trong thực hiện BHXH, BH thất nghiệp. Kiến tạo và nâng cao niềm tin trong nhân dân, DN về hoạt động của ngành BHXH, về tính ưu việt, nhân văn của các chính sách BHXH, BHYT, vì mục tiêu bảo đảm ASXH bền vững cho mọi người dân.

 

 

 

Theo http://baobaohiemxahoi.vn