Tạo dựng trụ cột an sinh xã hội bền vững
21/02/2022 09:07 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trải qua 27 năm xây dựng và phát triển, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự cố gắng nỗ lực của tập thể công chức, viên chức qua nhiều thế hệ, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, từng bước khẳng định chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh kiểm tra việc hỗ trợ người lao động tại Công ty TNHH TOTO Việt Nam. (Ảnh TRUNG TÂM)
Những năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế liên tục được hoàn thiện, theo hướng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và mở rộng quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách. Chính vì vậy, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục tăng qua các năm; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW; số người tham gia bảo hiểm y tế vượt mục tiêu đề ra, tiệm cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân và đối tượng tham gia ngày càng tập trung vào nhóm yếu thế.
Lưới an sinh xã hội được củng cố và mở rộng
Diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng ngay cả trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng từ 2,3 triệu người năm 1995 và đạt 15,1 triệu người vào năm 2021 (gấp 1,25 lần so với năm 2015). So với năm 1995, đến nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 12,8 triệu người (gấp gần 6,6 lần), bình quân mỗi năm tăng 0,5 triệu người.
So với năm 2008, năm đầu tiên thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, từ 218 nghìn người tham gia đến hết năm 2021 đã đạt 1,45 triệu người tham gia, tăng 1,4 triệu người (gấp 241,7 lần), bình quân mỗi năm tăng hơn 100 nghìn người. Số người tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên 70 triệu người vào năm 2015 (gấp 9,86 lần so với năm 1995); đạt 88,8 triệu người vào năm 2021 (gấp 1,27 lần so với năm 2015), đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% số dân. So với năm 1995, đến nay, số người tham gia bảo hiểm y tế tăng 81,7 triệu người (gấp 12,5 lần), bình quân mỗi năm tăng hơn 3 triệu người...
Đồng thời, Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất, được quản lý, sử dụng đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch dưới sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Tỷ lệ chi từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội ngày càng tăng, theo đó, tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước cho bảo hiểm xã hội ngày càng giảm, khẳng định quan điểm đúng đắn của Đảng trong việc khuyến khích người dân nâng cao năng lực tự bảo đảm an sinh xã hội.
Cùng với đó, công tác giải quyết chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Đặc biệt, thời gian qua, phương thức hoạt động của hệ thống ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam được đổi mới theo hướng phục vụ, đẩy mạnh giao dịch điện tử, tăng cường sử dụng các dịch vụ công ích, rút ngắn thời gian giải quyết, giảm phiền hà, bảo đảm quyền lợi cho người lao động và nhân dân.
Bảo đảm tốt nhất quyền lợi người tham gia
Năm 2020, 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn theo sát diễn biến thực tế, thích ứng nhanh, linh hoạt với tình hình dịch bệnh để triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi người tham gia. Với sự vào cuộc quyết liệt, toàn ngành đã tập trung mọi nguồn lực sẵn có để đẩy nhanh tiến độ giải ngân; phát huy lợi thế của hệ thống công nghệ thông tin, rút gọn tối đa các công đoạn, thủ tục và thời gian chi trả.
Theo đó, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã được ngành Bảo hiểm xã hội triển khai đạt kết quả tốt, góp phần hỗ trợ hàng chục triệu người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Kết quả, tổng số tiền ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai hỗ trợ theo các gói hỗ trợ của Chính phủ được quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 154/2020/NQ-CP; Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP từ các Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp tới người lao động và người sử dụng lao động là gần 44.786 tỷ đồng. Trong đó, nguồn hỗ trợ từ: Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là hơn 38 nghìn tỷ đồng; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp là 4.322 tỷ đồng; Quỹ Hưu trí và Tử tuất là 1.905 tỷ đồng.
Những kết quả nêu trên cho thấy quyết tâm chính trị của toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong mọi giai đoạn là luôn ưu tiên đặt công tác bảo đảm quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách làm trung tâm, thay đổi căn bản phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, trên cơ sở nguyên tắc đóng-hưởng; theo đó, quyền lợi an sinh của người tham gia luôn được quan tâm kịp thời, đúng quy định và càng được bảo đảm tốt hơn trong đại dịch, góp phần củng cố, tạo thêm niềm tin vững chắc của người dân, người lao động đối với các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta.
Theo https://nhandan.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...