Ngành BHXH Việt Nam: Thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”
02/07/2021 09:04 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, 2 đợt dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN cũng như đời sống, việc làm của nhiều NLĐ. Đây cũng là những khó khăn trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành BHXH Việt Nam, nhất là trong công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT.
Diện bao phủ BHXH, BHYT gia tăng
Theo BHXH Việt Nam, dự kiến 6 tháng đầu năm 2021, toàn quốc phát triển được 16,507 triệu người tham gia BHXH (tăng 1,364 triệu người so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 344.000 người so với cuối năm 2020), chiếm 33,16% lực lượng lao động trong độ tuổi. Để đạt kết quả này, BHXH Việt Nam đã tích cực phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH xây dựng kế hoạch tổ chức Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân năm 2021; phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, triển khai kế hoạch truyền thông về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Trong đó, chú trọng truyền thông về Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về an sinh xã hội; truyền thông trọng tâm, trọng điểm về các vấn đề đang được xã hội quan tâm như: Sửa đổi Luật BHXH; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu; triển khai cài đặt ứng dụng VssID; hệ lụy của việc nhận BHXH một lần…
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, toàn ngành BHXH Việt Nam đã tập trung, quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hoàn thành chỉ tiêu thu, thu nợ; sửa đổi, đơn giản hóa các quy định, quy trình liên quan đến công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Hàng tháng duy trì tổ chức Hội nghị trực tuyến công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương; mở rộng hệ thống đại lý thu; phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng xác định số NLĐ chưa tham gia BHXH để đôn đốc, yêu cầu chủ SDLĐ tham gia đầy đủ theo quy định.
Toàn Ngành cũng tập trung đôn đốc BHXH các tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh và phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT; rà soát, phân loại các nhóm đối tượng chưa tham gia để tập trung khai thác, phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Bên cạnh đó, phân công cán bộ chuyên quản đôn đốc đơn vị SDLĐ thu nộp BHXH, BHYT kịp thời, không để xảy ra nợ; tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với đơn vị nợ, chậm đóng; giao chỉ tiêu cụ thể hàng tuần, hàng tháng cho từng đại lý thu…
Quyền lợi của NLĐ được đảm bảo
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các tỉnh bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra phù hợp với diễn biến dịch bệnh COVID-19. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trên môi trường điện tử.
Tính đến ngày 15/5, toàn Ngành đã thanh tra, kiểm tra tại 2.641 đơn vị (thanh tra chuyên ngành 1.672 đơn vị, kiểm tra 1.970 đơn vị, thanh tra liên ngành 375 đơn vị). Qua thanh tra chuyên ngành đã phát hiện 4.116 NLĐ chưa được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền truy đóng 23,864 tỷ đồng; 11.085 NLĐ đóng thiếu mức quy định với số tiền truy đóng 16,612 tỷ đồng. Các đơn vị đã khắc phục được 451,818 tỷ đồng nợ BHXH, BHYT, trong đó khắc phục trong quá trình thanh tra là 200,102 tỷ đồng.
Trong gần 6 tháng đầu năm, BHXH các cấp đã giải quyết cho 39.972 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng; 535.688 lượt người hưởng trợ cấp một lần (492.780 người nhận BHXH một lần); 4.635.983 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DS-PHSK; trên 77,945 triệu lượt người KCB BHYT; 350.936 người hưởng BH thất nghiệp. Số tiền chi trả các chế độ trong 6 tháng lên tới 178.576 tỷ đồng (chi từ quỹ BHXH 120.380 tỷ đồng, chi từ quỹ BH thất nghiệp 7.703 tỷ đồng và chi KCB BHYT 50.493 tỷ đồng).
BHXH Việt Nam cũng đã phối hợp với các bộ, ngành giải quyết những tồn tại, vướng mắc về chế độ, chính sách cho NLĐ, đặc biệt là các trường hợp có thời gian công tác trước năm 1995; đề xuất và tham gia xây dựng chính sách hỗ trợ NLĐ mất việc làm, đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ giải quyết vướng mắc trong thực hiện BHXH bắt buộc đối với Phó Chỉ huy trưởng Quân sự xã, Phó Trưởng Công an xã và người làm việc theo HĐLĐ tại UBND cấp xã. Kiến nghị giải quyết một số vướng mắc cho người nghỉ hưởng chế độ hưu trí do không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ. Ngoài ra, rà soát các trường hợp hưởng BHXH một lần, trợ cấp thất nghiệp không đúng quy định; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BH thất nghiệp…
Tiếp tục đề xuất tháo gỡ vướng mắc
Trong 6 tháng qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH khảo sát việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đến các thành viên HTX tại Hà Nội, TP.HCM và Quảng Nam; đồng thời đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định số 134/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện. Theo đó, đề xuất tăng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại. Phối hợp với Bộ Y tế xây dựng chỉ tiêu phát triển người tham gia BHYT giai đoạn 2021-2025; đề xuất Chính phủ tăng mức hỗ trợ tiền đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình làm nông- lâm- ngư- diêm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% lên 50%.
Cùng với đó, BHXH Việt Nam luôn chủ động phối hợp với các bộ, ngành tham gia xây dựng, sửa đổi các dự luật liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện các dự thảo Nghị định, Thông tư để cụ thể hóa, triển khai thực hiện các dự án luật liên quan đến BHXH, BHYT. Chủ động, kịp thời nắm bắt diễn biến dịch bệnh để chỉ đạo BHXH các tỉnh thực hiện các biện pháp phòng chống dịch song song với đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT...
Nhận định tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nên từ nay đến hết năm, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia, đôn đốc thu, thu nợ; đồng thời đổi mới phương thức phục vụ, đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt; chủ động kiểm soát chi phí KCB BHYT và đảm bảo đúng, đủ quyền lợi cho người tham gia BHYT. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bất cập liên quan cơ chế chính sách cho phù hợp thực tiễn cũng như đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT như: Xử lý nợ BHXH, BHYT tồn đọng, kéo dài; quy trình kỹ thuật, phác đồ điều trị và xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản theo quy định của Luật BHYT.
Theo http://baobaohiemxahoi.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...