Vừa ứng phó dịch bệnh, vừa vận động phát triển BHXH, BHYT hiệu quả
12/05/2021 08:04 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 11/5, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT tháng 5/2021. Cùng tham dự Hội nghị tại điểm cầu BHXH Việt Nam có lãnh đạo Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; đại diện các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ, tính đến hết ngày 30/4, cả nước có 16,07 triệu người tham gia BHXH, đạt 90,9% kế hoạch được giao và đạt 32,3% lực lượng lao động; tăng 104,8 nghìn người so với tháng 3/2020 và tăng 1,1 triệu người so cùng kỳ năm trước. Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 1,12 triệu người, đạt 64,5% kế hoạch năm và tăng 23,4 nghìn người so với tháng 3...
Phó Tổng Giám đốc Trần Đình liệu phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Mặc dù đang gặp không ít khó khăn, nhưng một số địa phương đang có kết quả phát triển BHXH tương đối tốt. Cụ thể: 31 BHXH tỉnh, thành phố có số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tăng so với năm 2020 và tăng so với tháng 3 như: Thanh Hóa, Trà Vinh, Thái Bình, Nghệ An…; 38 BHXH tỉnh, thành phố có số tham gia BHXH tự nguyện tăng so với năm 2020 và tăng so với tháng 3/2020 như: Nghệ An, Thái Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa… Cả nước có 87,3 triệu người tham gia, đạt 97,1% kế hoạch năm và tăng 412 nghìn người so với tháng 3. Có 31 BHXH tỉnh, thành phố có số tham gia BHYT tăng so với năm 2020 và tăng so với tháng 3 như: Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình…
Tổng số thu BHXH, BHYT toàn Ngành đạt 29,4% kế hoạch, tăng 7.696 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước; có 37 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ thu cao hơn bình quân chung toàn quốc như: Điện Biên, Bắc Kạn, Nghệ An, Sơn La, Tuyên Quang… Tỷ lệ nợ BHXH, BHYT bằng 5,2% so với số phải thu, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước; có 34 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nợ thấp hơn tỷ lệ nợ bình quân chung toàn quốc như: Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Trà Vinh…
Trên cơ sở đánh giá tình hình chung về công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đã biểu dương một số đơn vị có thành tích nổi bật như: BHXH huyện U Minh (Cà Mau) đã đạt và vượt kế hoạch năm về số tham gia BHXH tự nguyện; BHXH tỉnh Nghệ An có số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 86,6% kế hoạch, tương ứng 86.773 người tham gia mới.
Giám đốc BHXH huyện U Minh (Cà Mau) Phan Văn Rí phát biểu từ điểm cầu địa phương
Chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị, ông Phan Văn Rí- Giám đốc BHXH huyện U Minh (Cà Mau) cho biết, hiện nay, BHXH huyện đã phát triển mới được khoảng 800 người tham gia BHXH tự nguyện, nâng tổng số người đang tham gia trên địa bàn lên khoảng 3.000 người, đạt 103% kế hoạch năm. Theo ông Rí, cách làm của BHXH huyện U Minh là phối hợp chặt chẽ với chính quyền cấp xã, bám sát đối tượng để vận động; yêu cầu đội ngũ đại lý thu quản lý và vận động người dân tham gia liên tục. Đang là thời điểm mùa khô, thời tiết tốt, người dân trên địa bàn hiện đang có nguồn thu nhập mùa vụ, nên công tác vận động BHXH tự nguyện có nhiều thuận lợi. Dù vậy, BHXH huyện cũng phải hết sức chủ động, thường xuyên làm việc trực tiếp với chính quyền các xã, huy động sự tham gia của Bí thư Chi bộ từng thôn; giám sát, kiểm tra hoạt động của các đại lý một cách thường xuyên…
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã lắng nghe kinh nghiệm phát triển BHXH tự nguyện của BHXH tỉnh Nghệ An, phát triển BHYT hộ gia đình của BHXH tỉnh Nam Định… Bên cạnh đó, Hội nghị cũng dành thời gian đánh giá những khó khăn, chia sẻ những giải pháp tăng cường công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT...
Trao đổi tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Thanh- Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, công tác thu và phát triển đối tượng trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn; hiện đơn vị đã tăng cường rà soát dữ liệu do cơ quan Thuế và KH-ĐT cung cấp để tăng số tham gia mới. Về BHXH tự nguyện, các đơn vị trực thuộc sẽ tích cực rà soát, đôn đốc, vận động người dân tham gia; huy động sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, BHXH TP.HCM cũng tích cực triển khai các biện pháp thu như: Gửi thông báo trực tiếp đến đơn vị, đăng danh sách đơn vị nợ đọng trên phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường thanh kiểm tra… nhằm tăng nhanh số người tham gia và giảm nợ đọng BHXH, BHYT.
Tại Đồng Nai, ông Phạm Long Sơn- Phó Giám đốc BHXH tỉnh chia sẻ, số tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn có sự biến động, do một số DN thay đổi hoạt động kinh doanh, cắt giảm lao động hoặc chuyển địa bàn sản xuất. Do đó, BHXH tỉnh Đồng Nai đang tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan nắm bắt chặt chẽ số lao động tại các DN, nhằm đảm bảo đôn đốc thu đúng, thu đủ…
Trong bối cảnh nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bà Đàm Thị Hòa- Phó Giám đốc BHXH TP.Hà Nội cho biết, thời gian qua, BHXH TP.Hà Nội đã và đang cố gắng phát triển số tham gia BHXH, BHYT. Đặc biệt, đã có nhiều giải pháp phát triển số người cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID, trong đó chú trọng vào các sở, ngành, nhóm đối tượng HSSV; cũng như tăng cường hướng dẫn bằng các hình thức trực tuyến. Trong kỳ chi trả gộp lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng mới đây, BHXH Thành phố cũng đã triển khai tuyên truyền và cài đặt VssID. Thời gian tới, đơn vị sẽ tham mưu cho UBND Thành phố chỉ đạo tăng cường kế hoạch phát triển số người tham gia và thu BHXH, BHYT trên địa bàn…
Ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ phát biểu tại Hội nghị
Để hoàn thành kế hoạch thu, ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường các giải pháp như: Thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền; chủ động rà soát dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra… Bên cạnh đó, phải tranh thủ thời gian triển khai các biện pháp nhằm tăng cường thu, phát triển đối tượng phù hợp với tình hình thực tế. Với các địa bàn không bị ảnh hưởng dịch, phải đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa, phấn đấu sớm đạt các chỉ tiêu được giao. "Có thể thời gian tới còn nhiều khó khăn hơn; do đó phải tranh thủ, linh hoạt, phát huy tối đa hiệu quả ở thời điểm chưa có dịch, chưa phải thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn"- ông Hào lưu ý.
Góp ý kiến tại Hội nghị, bà Chu Thị Lan Hương- Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đề xuất BHXH Việt Nam tổ chức truyền thông, vận động nhóm nhỏ từ 3-5 người phù hợp hơn với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến khá phức tạp. Bên cạnh đó, đề nghị BHXH các địa phương phối hợp với Bưu điện rà soát, kịp thời vận động số lao động mất việc làm tại các DN tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu ghi nhận, biểu dương những đơn vị làm tốt công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT cũng như công tác vận động cài đặt ứng dụng VssID. Đồng thời, Phó Tổng Giám đốc cũng chỉ rõ một số hạn chế, trong đó có những hạn chế do nguyên nhân chủ quan. "BHXH Việt Nam đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch các nội dung công tác, đặt mục tiêu cho từng tháng; yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố bám sát kế hoạch, sâu sát từng địa bàn, địa phương, phân công trách nhiệm đến từng cá nhân, đảm bảo tiến độ thực hiện. Có những khó khăn mang tính thực tế chung, các đơn vị cần tăng cường nghiên cứu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, nhân rộng các giải pháp hiệu quả"- Phó Tổng Giám đốc lưu ý.
Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cũng chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành cũng như Bưu điện các cấp phải khắc phục ngay tâm lý chủ quan, trông chờ, ỷ lại. Theo Phó Tổng Giám đốc, có một số khó khăn, vướng mắc khách quan về cơ chế chính sách; tuy nhiên cần linh hoạt, vận dụng các biện pháp sáng tạo ngay từ cơ sở; đặc biệt cần phát huy hơn nữa vai trò tham mưu của cơ quan BHXH, huy động sự tham gia của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn.
Nhấn mạnh tình hình dịch bệnh có thể kéo dài và phức tạp, Phó Tổng Giám đốc quán triệt các đơn vị phải xác định rõ tâm lý đối diện với khó khăn một cách thường xuyên; nâng cao hơn nữa việc dự báo trước những biến động ở từng quý, từng năm, giai đoạn 3 năm…; xác định chi tiết các nhóm đối tượng tiềm năng, nhận diện các đặc điểm một cách cụ thể; từ đó có kế hoạch và cách tiếp cận, cách làm hợp lý, hiệu quả. Phải quyết liệt chỉ đạo, giao việc, sau đó là giám sát, kiểm tra và đánh giá; ở các khâu nghiệp vụ đều phải tăng cường hơn nữa tính chuyên nghiệp. Tuyên dương, khen thưởng ngay các đơn vị, cá nhân có thành tích tốt; qua đó nhân rộng hơn nữa các cách làm hay, hiệu quả. Ngoài ra, tăng cường hơn nữa hiệu quả đội ngũ đại lý thu, chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức một cách thường xuyên.
Đặc biệt nhấn mạnh vai trò công tác truyền thông, Phó Tổng Giám đốc chỉ đạo cần xây dựng kịch bản cho riêng từng nhóm đối tượng, với nội dung, hình thức truyền thông cụ thể, phù hợp với đặc điểm tâm lý, mức thu nhập… Đáng chú ý, bên cạnh linh hoạt, chủ động phòng dịch Covid-19, cần tránh bị động trong quá trình thực hiện công tác thu, vận động phát triển đối tượng, quyết tâm phấn đấu sớm đạt chỉ tiêu 6 tháng đầu năm, tạo nền tảng hoàn thành nhiệm vụ cho cả năm 2021.
Theo http://baobaohiemxahoi.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...