Báo chí - Cầu nối quan trọng đưa chính sách BHXH, BHYT vào cuộc sống
20/06/2020 08:28 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Là chính sách trụ cột trong hệ thống An sinh xã hội quốc gia, BHXH, BHYT có mối quan hệ mật thiết với công tác truyền thông, trong đó, báo chí được xem là một trong những "kênh" quan trọng nhất. Thông qua báo chí, chính sách BHXH, BHYT ngày càng được xã hội biết đến nhiều hơn. Sự chia sẻ, đồng tình ủng hộ của Nhân dân, cùng với sự tuyên truyền của các cơ quan báo chí là tiền đề quan trọng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của chính sách BHXH, BHYT, góp phần tích cực vào việc ổn định xã hội, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Tạp chí BHXH xin trân trọng giới thiệu bài viết của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhân dịp Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/06/1925 - 21/06/2020).
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh
Đóng góp quan trọng bảo đảm An sinh xã hội
Nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân được đặt ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Cải cách chính sách BHXH, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ ngành, cơ quan đoàn thể và sự cố gắng, nỗ lực của Ngành BHXH, việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong năm 2019 của Ngành BHXH tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tính đến hết năm 2019, số người tham gia BHXH trong cả nước đã đạt trên 15,7 triệu người; số người tham gia BHYT đạt trên 85,9 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ gần 90% dân số… Năm 2019, cùng với việc mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, số thu về quỹ BHXH, quỹ BHYT cũng không ngừng gia tăng với tổng số thu đạt trên 368.000 tỷ đồng. Quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT được bảo đảm với trên 180 triệu lượt người được chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT; trên 10 triệu lượt người được hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp với tổng số tiền chi trả lên tới gần 308.228 tỷ đồng. Đặc biệt, chính sách BHXH, BHYT đã bảo đảm cuộc sống, sức khỏe cho gần 3,2 triệu người nghỉ hưu. Những tháng đầu năm 2020, hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn do dịch bệnh Covid-19; việc làm, thu nhập của người lao động, nhất là nhóm lao động phi chính thức bị sụt giảm. Trong bối cảnh đó, ngành BHXH đã chủ động có những biện pháp thiết thực hiệu quả, vượt khó vươn lên, đặc biệt là công tác phục vụ và đảm bảo quyền lợi cho người cho người tham gia BHXH, BHTN, BHYT. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ trong 01 thời gian rất ngắn (chưa đầy 03 ngày làm việc), với lợi thế mỗi người dân có một mã số BHXH duy nhất và hệ thống cơ sở dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế triển khai việc khai báo y tế điện tử, đảm bảo mọi người dân có thể tiếp cận và thực hiện khai báo y tế điện tử một cách thuận tiện nhất; đồng thời, hỗ trợ việc tra cứu và cung cấp lịch sử khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT khi cần thiết, vừa phục vụ công tác khám chữa bệnh, vừa trợ giúp việc rà soát, khoanh vùng và khống chế sự lây lan của dịch bệnh.
Để đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh cho người tham gia BHYT trong bối cảnh dịch bệnh, BHXH Việt Nam cũng sớm có Công văn hướng dẫn BHXH các địa phương, các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trong cả nước việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho những trường hợp nghi nhiễm Covid-19; dự trù kinh phí khám, chữa bệnh BHYT bổ sung do dịch bệnh; bảo đảm nguồn cung thuốc và các vật tư y tế, phục vụ công tác khám, chữa bệnh BHYT; cấp đơn thuốc ngoại trú lên tới 02 tháng/đơn cho các bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, đang có hồ sơ điều trị định kỳ tại các bệnh viện nhằm giảm thiểu việc bệnh nhân phải ra – vào bệnh viện, giảm nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm dịch bệnh. Công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cũng được triển khai hết sức linh hoạt, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Cùng với việc tổ chức chi trả gộp 02 kỳ lương hưu, trợ cấp BHXH của tháng 4, tháng 5, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các địa phương phối hợp với Bưu điện thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong công tác chi trả; tuyên truyền, vận động để tăng số đối tượng nhận lương hưu, trợ cấp qua tài khoản; tổ chức chi trả tại nhà với những đối tượng khó khăn, già yếu. Những địa phương nằm trong vùng dịch nguy cơ cao, thực hiện chi trả tại nhà tới 100% đối tượng đăng ký nhận lương hưu bằng tiền mặt.
Dù phải đối mặt với không ít khó khăn và thực hiện giãn cách xã hội, Ngành BHXH đã đảm bảo hiệu quả quyền lợi BHXH, BHYT của người dân. Trong 04 tháng đầu năm đã giải quyết trên 264.000 lượt hồ sơ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng; giải quyết trên 3,7 triệu lượt hồ sơ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Giải quyết quyền lợi BHYT cho khoảng 50,38 triệu lượt người và chi trả đầy đủ tới 3,18 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng.
Đặc biệt, Ngành BHXH đã đồng hành chia sẻ, tháo gỡ, giải quyết khó khăn với cộng đồng các doanh nghiệp, chỉ đạo triển khai thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất đối doanh nghiệp gặp khó khăn theo đúng quy định của pháp luật. Tính đến 20/5, có 51 BHXH tỉnh, thành phố đã nhận được hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất của đơn vị, doanh nghiệp; theo đó: Tổng số đơn vị đã được phê duyệt hồ sơ tạm dừng đóng là 1.074 đơn vị, tương ứng với 96.546 lao động và số tiền ước khoảng 366,5 tỷ đồng.
Để đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho người dân, trong bối cảnh thực hiện cách ly xã hội, một mặt triển khai hình thức làm việc online, mặt khác BHXH Việt Nam cũng đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các hình thức giao dịch điện tử, kê khai BHXH trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam, thực hiện giao dịch qua dịch vụ bưu chính công ích; linh hoạt tạo điều kiện để người dân thực hiện các thủ tục về BHXH, BHYT nhanh chóng hơn, nhất là các thủ tục cấp, đổi thẻ, gia hạn tham gia BHYT,… không để quyền lợi BHXH và đặc biệt là quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT bị ảnh hưởng.
Từ trong dịch bệnh, hơn lúc nào hết, người dân đã và đang thấy được sự cần thiết, vai trò của BHXH, BHYT trong đời sống và chính sự đồng hành của Ngành BHXH với người dân, doanh nghiệp trong khó khăn đã góp phần củng cố niềm tin vào hai chính sách trụ cột An sinh xã hội của Nhà nước.
Vai trò của các cơ quan báo chí truyền thông
Để thực hiện thành công mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, những năm qua, BHXH Việt Nam luôn coi công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là công tác phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông. Công tác phối hợp tuyên truyền giữa BHXH Việt Nam với các cơ quan thông tấn báo chí ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của toàn Ngành. Như một người bạn đồng hành, một "đối tác" quan trọng, báo chí đã tích cực truyền tải các thông điệp về BHXH, BHYT một cách rõ ràng, góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển biến nhận thức, khẳng định vị trí, vai trò của chính sách BHXH, BHYT trong đời sống xã hội. Có thể nói, mối quan hệ giữa cơ quan báo chí và người làm công tác BHXH, BHYT ngày càng trở nên mật thiết, gắn bó hơn bao giờ hết. Thông qua các cơ quan báo chí, công tác truyền thông về BHXH, BHYT được tiến hành mạnh mẽ với độ bao phủ rộng khắp, tần suất ngày một tăng với nhiều hình thức và nội dung phong phú; thông điệp chuyển tải tới người dân ngày một đi vào chiều sâu, đúng trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là việc chú trọng đến các nhóm đối tượng chuyên biệt. Nhờ sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí, không những làm chuyển biến nhận thức của người dân, người lao động và doanh nghiệp về chính sách BHXH, BHYT mà còn góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, báo chí đã bám sát thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, kịp thời biểu dương các nhân tố mới, các đơn vị và cá nhân đã thực hiện tốt các chế độ một cách minh bạch, rõ ràng; lên án những tổ chức và cá nhân lợi dụng kẽ hở trong chính sách và trong quản lý để thực hiện các hành vi tiêu cực trong thực hiện các chế độ đối với người tham gia. Các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương cũng có nhiều bài viết phản ánh và phê bình tình trạng một số chủ doanh nghiệp ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh lợi dụng kẽ hở trong chính sách, trong cơ chế quản lý để trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động, thiếu trách nhiệm chăm lo lợi ích chính đáng và hợp pháp của người lao động. Đặc biệt, các cơ quan báo chí còn đóng vai trò là người hướng dẫn, giới thiệu chính sách, nêu bật trách nhiệm của người sử dụng lao động phải quan tâm đến lợi ích hợp pháp của người lao động, góp phần quan trọng trong việc phổ biến các kiến thức pháp luật về lao động, về Luật BHXH, Luật BHYT, về nghĩa vụ và quyền lợi hợp pháp của người lao động khi tham gia BHXH, BHYT.
Với việc duy trì mối quan hệ phối hợp cung cấp thông tin tới hơn 80 cơ quan báo chí ở tất cả các loại hình (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử), hướng tới các nhóm đối tượng độc giả, khán - thính giả trong cả nước, chỉ trong năm 2019, đã có trên 13.000 tin, bài, phóng sự, toạ đàm, chuyên trang, chuyên mục, chương trình... phản ánh về việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN được đăng tải trên các cơ quan báo chí (tăng hơn 30% so với năm 2018, bình quân mỗi ngày có từ 30 đến 50 tin, bài được các cơ quan báo chí phản ánh). Trong 05 tháng đầu năm 2020, đã có 4.227 tin, bài, phóng sự truyền thông về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cũng như hoạt động của hệ thống BHXH trong cả nước được các cơ quan báo chí đăng tải. Các cơ quan báo chí truyền thông đã chú trọng xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chương trình riêng biệt về BHXH, BHYT. Nhiều đơn vị tổ chức tuyên truyền sâu, rộng về chính sách BHXH, BHYT.
Bên cạnh các loại hình truyền thông truyền thống, các loại hình truyền thông mới cũng được các cơ quan báo chí đưa vào ứng dụng hết sức hiệu quả với các thông tin về BHXH, BHYT: dưới dạng đồ họa (Infographic), bài viết theo hình thức mega story, video clip, đối thoại, tọa đàm trực tuyến, clip tin tức… được thực hiện công phu mang tính trực quan, dễ dàng tác động trực tiếp tới độc giả, thể hiện rõ hiệu quả trong việc đổi mới các sản phẩm báo chí truyền thông về BHXH, BHYT.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, thực hiện giãn cách xã hội trong đại dịch Covid-19 vừa qua, khi mà các phương thức truyền thông trực tiếp bị hạn chế, truyền thông qua báo chí càng khẳng định vị trí quan trọng. Điển hình như, khi thực hiện gộp chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng tháng 4 và tháng 5/2020 cùng một kỳ trong bối cảnh thực hiện cách ly xã hội, phòng chống dịch bệnh, nếu thông tin về việc này không được đăng tải trên báo chí truyền thông rộng rãi, kịp thời sẽ gây tác động rất lớn đến tâm lý người hưởng; quá trình thực hiện cũng vì vậy có thể gặp nhiều khó khăn. Tương tự như vậy, những thay đổi về thực hiện thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện cách ly xã hội của cơ quan BHXH cũng được các cơ quan báo chí thông báo rộng rãi, kịp thời tới người dân trong một khoảng thời gian ngắn và đã có tác động hết sức tích cực. Một trong những sự kiện nổi bật trong hoạt động truyền thông của 06 tháng đầu năm 2020 là sự kiện Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân. Đây là năm đầu tiên thực hiện Tháng vận động nên hầu như toàn xã hội chưa có ý niệm gì nhiều về sự kiện này.Các cơ quan báo chí, bằng công cụ của mình, đã truyền thông rộng rãi để các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân bằng hàng loạt các tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục… được tổ chức ngay từ đầu tháng 5/2020. Đặc biệt, đối với hoạt động tạo điểm nhấn của Tháng vận động là Lễ ra quân vận động BHXH do Ngành BHXH Việt Nam phối hợp cùng Ngành Bưu điện tổ chức đồng loạt tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đã được các cơ quan báo chí hết sức quan tâm, dành thời lượng truyền thông trước, trong và sau sự kiện với hàng trăm tin, bài, phóng sự, góp phần mang lại hiệu quả của hoạt động ra quân với kết quả khả quan là 24.704 người tham gia BHXH tự nguyện chỉ trong 01 ngày ra quân.
Định hướng thời gian tới
Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị khóa XI và Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã xác định mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân với những định hướng chính trị mạnh mẽ và có nhiều đổi mới. Theo đó, việc thực hiện BHYT toàn dân vừa là động lực, vừa là giải pháp hoàn thiện cơ chế tài chính y tế quốc gia, bảo đảm để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe và không bị rơi vào "bẫy nghèo" vì chi phí y tế nếu chẳng may bị ốm đau trọng bệnh; BHXH toàn dân là thực hiện lưới an sinh bao phủ toàn xã hội vì mục tiêu ”không để ai bị bỏ lại phía sau”. Từ những định hướng chính trị này, đòi hỏi công tác truyền thông BHXH, BHYT nói chung và hoạt động báo chí tuyên truyền về BHXH, BHYT cần có những đổi mới mạnh mẽ hơn nữa.
Ngày 21/11/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1676-QĐ/TTg phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH, theo đó, một trong những chỉ đạo trong Đề án của Chính phủ là tăng cường hình thức tuyên truyền hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ. Chuyển tải thông tin trên báo chí là một hình thức tương đối mang tính truyền thống, dù vậy, với sự tác động mạnh mẽ của công nghệ, hoạt động của các cơ quan báo chí đang ngày càng được đổi mới, cho ra đời những sản phẩm báo chí hiện đại. Yêu cầu với những tác phẩm báo chí về BHXH, BHYT cũng phải đảm bảo tính hiện đại, đa phương tiện, phát hành trên các nền tảng mới như mạng xã hội, ứng dụng trên smart phone, sử dụng công nghệ chat bot... qua đó tăng cường khả năng tiếp cận đến các nhóm độc giả tiềm năng một cách chủ động, tích cực hơn.
Đề án đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH nêu định hướng: Kết hợp hài hòa giữa tuyên truyền thường xuyên và tuyên truyền theo chiến dịch. Ưu tiên tuyên truyền theo chiến dịch trong giai đoạn thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách BHXH. Tăng cường tuyên truyền đa chiều, kết hợp, dựa trên bằng chứng thay vì một chiều đơn lẻ. Đây là nhóm nhiệm vụ cần được chú trọng trong tất cả các hình thức tuyên truyền, tuy nhiên, các cơ quan báo chí có nhiều thế mạnh trong việc cụ thể hóa nội dung này. Dù là tuyên truyền thường xuyên hay theo chiến dịch, các cơ quan báo chí có đội ngũ biên tập viên, phóng viên chuyên nghiệp; ấn phẩm phát hành thường kỳ cùng mạng lưới phát hành tương đối ổn định... sẽ dễ dàng chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai ở từng thời điểm. Để phát huy những thế mạnh này, chúng tôi mong rằng các cơ quan báo chí sẽ có sự chủ động cao hơn. Yêu cầu tuyên truyền thường kỳ và nhất là theo chiến dịch không chỉ thuần túy là tăng cường về số lượng tin, bài về BHXH, BHYT được đăng tải. Quan trọng hơn là chiều sâu nội dung, tính đa dạng trong các vấn đề được phản ánh, đúng như yêu cầu đã được nêu trong Đề án của Chính phủ: đa chiều, kết hợp, dựa trên bằng chứng thay vì một chiều đơn lẻ.
BHXH Việt Nam rất mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục có sự đầu tư nhất định với nội dung thông tin về BHXH, BHYT; thể hiện qua việc xây dựng đội ngũ biên tập viên, phóng viên chuyên trách về BHXH, BHYT, có tư duy, am hiểu sâu chính sách. Đây là tiền đề để có sự đào sâu, sáng tạo trong quá trình tác nghiệp, tạo dấu ấn khác biệt cho mỗi tác phẩm báo chí về BHXH, BHYT. Cần nhấn mạnh rằng, các nội dung cải cách chính sách BHXH hay các vấn đề liên quan đến BHYT rất phức tạp, đòi hỏi mỗi nhà báo cần có sự nghiên cứu kỹ mới có thể am hiểu từ đó viết bài, chuyển tải thông điệp một cách khoa học, chuẩn xác, bám sát đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, mong rằng mỗi cơ quan báo chí sẽ có những giải pháp riêng để đảm bảo sự đa dạng hóa trong nguồn tin về BHXH, BHYT. Sự chủ động cung cấp thông tin của cơ quan BHXH là yêu cầu mang tính tất yếu, song khó có thể đảm bảo tính đa chiều nếu các cơ quan báo chí chỉ trông chờ vào một nguồn tin này. Thực tiễn trong thời gian qua cũng cho thấy, mặc dù có sự tăng đáng kể về số lượng tin, bài BHXH, BHYT, tuy nhiên dễ thấy được tình trạng: cùng một sự kiện, một vấn đề được đăng tải nội dung gần như giống nhau giữa các cơ quan báo chí; chưa có sự đào sâu về chất lượng, đa dạng hóa trong cách tiếp cận và khai thác nguồn tin.
Về phía cơ quan BHXH, sớm xây dựng bộ chỉ số giám sát, đánh giá kết quả tuyên truyền BHXH theo chỉ đạo tại Đề án của Chính phủ với các hoạt động, hình thức tuyên truyền về BHXH nói chung trong đó có công tác tuyên truyền BHXH, BHYT trên báo chí nói riêng. Đó sẽ là căn cứ thực tiễn để BHXH Việt Nam xác định trọng tâm, trọng điểm cung cấp thông tin, góp phần cùng các cơ quan báo chí nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, phục vụ ngày càng tốt hơn quyền được bảo đảm An sinh xã hội của mỗi công dân, vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Đào Việt Ánh
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...