Ngành BHXH chung tay phòng chống dịch Covid-19: Đặt sức khỏe người dân lên hàng đầu
26/03/2020 11:22 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19 ngày 13/3/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thống nhất với kiến nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 về việc NSNN chi trả các chi phí điều trị đối với người mắc bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra không có BHYT, còn quỹ BHYT chi trả đối với người mắc bệnh có tham gia BHYT. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp quyết liệt cũng đã được ngành BHXH chủ động triển khai để chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch.
Chia sẻ với Báo BHXH, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định: Ngành BHXH đã và luôn sẵn sàng tạo điều kiện tối đa cho người dân đi KCB, sẵn sàng nguồn kinh phí cho giai đoạn “chống dịch như chống giặc”, góp phần đảm bảo cuộc chiến với dịch Covid-19 đạt kết quả cao nhất, nhất là phải đặt sức khỏe người dân lên hàng đầu.
* PV: Theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, quỹ BHYT đã trở thành nguồn lực tài chính quan trọng trong chẩn đoán, điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, hiện nay việc chi trả cho bệnh nhân BHYT đang theo cơ chế đồng chi trả. Vậy việc chuyển đổi nguồn tài chính chi trả chi phí điều trị Covid-19 sang quỹ BHYT có ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị bệnh dịch, thưa ông?
- Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn: Trước khi có chỉ đạo của Thủ tướng, chi phí cho người bệnh liên quan đến dịch bệnh này được thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 505/BYT-BH ngày 6/2/2020 của Bộ Y tế. Cụ thể, các trường hợp ca bệnh phải thực hiện cách ly y tế do nghi ngờ nhiễm, có thể nhiễm và ca bệnh xác định nhiễm SARS-CoV-2 đều được miễn phí toàn bộ chi phí KCB và các chi phí phát sinh trong thời gian thực hiện cách ly y tế. Các chi phí này cũng được quy định cụ thể tại Thông tư số 32/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chế độ, quản lý và sử dụng kinh phí đối với người áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Theo đó, nguồn tài chính chi trả được lấy từ NSNN cùng nguồn vận động, đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19 ngày 13/3/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thống nhất với kiến nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 về việc quỹ BHYT sẽ chi trả chi phí điều trị đối với người mắc bệnh tham gia BHYT, NSNN chỉ chi trả chi phí điều trị đối với người mắc bệnh không có BHYT. Hiện Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang phối hợp hoàn thiện văn bản hướng dẫn thực hiện chỉ đạo này.
Phải khẳng định, về nguyên tắc chung, quyền lợi của người bị cách ly sẽ vẫn được đảm bảo theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và các văn bản hướng dẫn liên quan, như được miễn phí toàn bộ chi phí chẩn đoán, điều trị và các chi phí phát sinh khác theo quy định. Quỹ BHYT sẽ chi trả chi phí thuộc danh mục được Bộ Y tế ban hành trong phạm vi quyền lợi mà Luật BHYT quy định; còn các chi phí khác vẫn được NSNN đảm bảo 100%.
* Vậy người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế sẽ được quỹ BHYT thanh toán những chi phí KCB và dịch vụ kỹ thuật y tế nào?
- Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trường hợp được miễn chi phí KCB đã được quy định tại Thông tư số 32/2012/TT-BTC, gồm: Ca bệnh nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2; ca bệnh có thể nhiễm SARS-CoV-2; ca bệnh xác định nhiễm SARS-CoV-2. Các ca bệnh nêu trên được xác định theo hướng dẫn của Bộ Y tế, danh mục thiết bị y tế, thuốc, vật tư y tế tiêu hao để chẩn đoán, điều trị thực hiện theo hướng dẫn của Cục Quản lý KCB.
Đối với bệnh nhân đang trong thời gian cách ly y tế tại các cơ sở KCB, quỹ BHYT sẽ chi trả các chi phí chẩn đoán và điều trị như chi phí thuốc, hóa chất, máu, tiền khám bệnh, giường bệnh, chi phí thở máy, chi phí phẫu thuật, thủ thuật, xét nghiệm… theo danh mục được Bộ Y tế ban hành. Điểm khác biệt là người bệnh sẽ được miễn phí 100% chi phí này, không phải thực hiện đồng chi trả như thông thường. Riêng các chi phí đặc trị Covid-19 chưa có trong danh mục thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT sẽ do NSNN đảm bảo.
Đối với người có thẻ BHYT bị áp dụng biện pháp cách ly, đang trong thời gian cách ly mà mắc phải các bệnh khác phải khám, điều trị hoặc đang điều trị bệnh khác mà bị áp dụng biện pháp cách ly, thì sẽ được quỹ BHYT thanh toán chi phí điều trị các bệnh khác trong phạm vi quyền lợi như đối với trường hợp cấp cứu, kể cả khi điều trị tại cơ sở không có hợp đồng KCB với cơ quan BHXH. Còn người không có thẻ BHYT phải tự thanh toán chi phí điều trị bệnh khác. Quy định này đã được hướng dẫn rõ tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.
* Trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan nhanh, thậm chí dễ lây lan ngay trong thời gian ủ bệnh, khiến nhiều người dân có nhu cầu khám bệnh, chẩn đoán phát hiện sớm bệnh tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, nhiều người tham gia BHYT e ngại rằng, quy định phân tuyến kỹ thuật trong KCB BHYT sẽ hạn chế họ tiếp cận các dịch vụ này?
- Ngay từ ngày 31/1/2020, khi dịch bệnh mới xuất hiện, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 280/BHXH-CSYT gửi BHXH các địa phương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân về việc phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở KCB trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ BHYT được kịp thời KCB hoặc chuyển tuyến KCB BHYT khi nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2; đồng thời thực hiện tạm ứng kinh phí cho các cơ sở KCB để chi trả cho việc điều trị bệnh này...
Theo đó, trường hợp tự đi khám khi có triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở, được cơ sở y tế kết luận không phải áp dụng biện pháp cách ly y tế thì người có thẻ BHYT vẫn được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB theo quy định của Luật BHYT. Tinh thần chỉ đạo của BHXH Việt Nam là các chi phí liên quan đến khám sàng lọc Covid-19 thuộc danh mục do quỹ BHYT chi trả, sẽ được cơ quan BHXH thanh toán theo phạm vi và mức hưởng của người tham gia, không phân biệt trái tuyến, vượt tuyến.
* Với gần 86 triệu người dân tham gia BHYT, ông có thể cho biết mức độ sẵn sàng và sự chủ động của ngành BHXH trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19?
- Như tôi đã nói, để ứng phó với dịch Covid-19, BHXH Việt Nam có tinh thần chủ động rất cao, cũng như tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân đi KCB. Ngoài thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, BHXH Việt Nam cũng có văn bản chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thống nhất với ngành Y tế về nguồn kinh phí đặc thù cho chống dịch bệnh.
Ngày 20/3/2020, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, sau khi thống nhất với Bộ Y tế, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 902/BHXH-CSYT hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân thống nhất với các cơ sở KCB BHYT từ tuyến huyện trở lên thực hiện cấp phát thuốc điều trị ngoại trú cho các trường hợp mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp… Thay vì cấp phát theo tháng thì nay chuyể̉n sang cấp thuốc đủ dùng trong 2 tháng và hẹn khám lại cho người bệnh 2 tháng một lần nếu vẫn đảm bảo an toàn cho người bệnh và không ảnh hưởng tới liệu trình điều trị bệnh.
BHXH Việt Nam cũng chủ động đề xuất phương thức kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu với Bộ Y tế để phục vụ cho công tác khai báo y tế điện tử của người dân. Hiện BHXH Việt Nam đã triển khai dịch vụ tin nhắn thông báo mã số BHXH, BHYT đến người tham gia, phục vụ cho việc khai việc khai báo y tế điện tử; đồng thời hướng dẫn người dân có thể chủ động tra cứu mã số này qua kênh truyền thông của các cơ quan báo chí, Cổng Thông tin điện tử, Trung tâm Dịch vụ khách hàng của BHXH Việt Nam. Qua đó, với trường hợp mắc Covid-19, cơ sở y tế sẽ kịp thời có phác đồ điều trị phù hợp.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Theo http://baobaohiemxahoi.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...