BHYT toàn dân để người bệnh không bị nghèo hóa

16/05/2016 09:27 AM


Một nền y tế tiên tiến là phải hướng đến việc giảm chi trả tiền mặt của người dân và BHYT tự nguyện toàn dân là một giải pháp căn cơ, bền vững, không chỉ thực hiện được mục tiêu nói trên, mà còn góp phần giảm nghèo hóa của người dân. 


BHYT giúp người dân có nguồn kinh phí tích lũy để dự phòng khi ốm đau, bệnh tật và cả để chăm sóc sức khoẻ thường xuyên. Ảnh: VGP/Thanh Thủy

Theo GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, dân số ở Việt Nam đang tăng với tốc độ trung bình mỗi năm khoảng 1 triệu người, trong khi đó diễn biến của bệnh tật ngày càng phức tạp do biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của môi trường sống.

Bên cạnh đó, giá các dịch vụ y tế ngày càng cao do mức sống và nhu cầu của người khám chữa bệnh (KCB) ngày càng cao, cũng như do áp dụng các công nghệ mới để nâng cao chất lượng KCB, nên nếu không có các chính sách vĩ mô đi kèm kịp thời và tương ứng sẽ làm nghèo hóa người dân.

Lý do, các đối tượng là người nghèo, vì không có nhiều điều kiện chăm sóc sức khoẻ thường xuyên, nên khi phát sinh bệnh tật thường bị bệnh nặng, dẫn đến chi phí KCB và điều trị cao ngoài khả năng chi trả, buộc phải vay nợ. Sau khi khỏi bệnh họ lại phải “kéo cày trả nợ”, nên luôn trong tình trạng nghèo khó.

Chính vì vậy, BHYT không chỉ là một giải pháp quan trọng để bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khoẻ toàn dân, như mang tính chia sẻ giữa người giàu và người nghèo, giữa người trẻ và người già, giữa người khoẻ và người ốm đau, giữa lúc trẻ với lúc già nua, ốm yếu… mà còn giúp người dân, nhất là các đối tượng người lao động, người nghèo có nguồn kinh phí tích lũy để dự phòng khi ốm đau, bệnh tật và cả để chăm sóc sức khoẻ thường xuyên.

Đặc biệt, để giải quyết vấn đề lâu dài, bền vững và bảo đảm sự phân bổ an sinh xã hội giữa người nghèo và người giàu, thì hình thức BHYT tự nguyện toàn dân sẽ dần xóa bỏ sự mất cân bằng, dung hòa giữa quyền lợi và trách nhiệm của những người tham gia BHYT, từ đó mới thực hiện tốt chức năng chăm sóc sức khỏe cho toàn dân và tạo sự cân bằng giữa người giàu và người nghèo về an sinh xã hội.

Tuy nhiên, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng cho rằng, cần phải xác định BHYT chỉ là một nguồn thu cơ bản của kinh phí chăm sóc sức khoẻ, là giải pháp mang tính hỗ trợ quan trọng trong khi Nhà nước không thể bao cấp toàn bộ, chứ không phải là toàn bộ kinh phí KCB.

Theo đó, để thúc đẩy quá trình BHYT bắt buộc toàn dân, Nhà nước sẽ tăng nguồn ngân sách để hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng, giảm mức đóng khi mọi thành viên trong gia đình tham gia nhóm và đặc biệt phải nâng cao chất lượng KCB hơn nữa.

Kinh nghiệm từ Thái Lan cho thấy, Chính phủ yêu cầu toàn dân tham gia BHYT bắt buộc, riêng với người nghèo sẽ được hỗ trợ toàn phần. Tuy nhiên, để có được thẻ BHYT, mỗi người bắt buộc phải bỏ tiền túi của mình ra 30 bạt (THB). Việc bỏ tiền túi này là để mỗi cá nhân, dù là người nghèo, thấy được trách nhiệm, ý thức của mình trong việc chăm sóc sức khoẻ và KCB.

Để triển khai các điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, ông Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, các chính sách sẽ tập trung vào mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân và quy định bắt buộc tham gia BHYT; thực hiện tham gia BHYT theo hộ gia đình; mở rộng đối tượng, số lượng tham gia BHYT; bảo đảm quan hệ đóng hưởng để bảo đảm tính bền vững của quỹ; bảo đảm sự bình đẳng người lao động trong khu vực Nhà nước và ngoài lao động Nhà nước; bảo đảm bình đẳng giới.

Trong đó, tập trung tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích, tính nhân văn của  hình thức tham gia BHYT theo hộ gia đình mà Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang triển khai là một giải pháp mang tính căn cơ, bền vững để bảo đảm an sinh, xã hội cho mọi người dân. Bởi vì, mô hình hộ gia đình tham gia BHYT có tính chia sẻ ngay từ trong gia đình, như cha mẹ chia sẻ cho con, người có tuối lao động chia sẻ cho người mất sức lao động, người trẻ chia sẻ cho người già.

Bên cạnh đó, cần truyền thông rộng rãi trong cộng đồng để người dân hiểu rằng BHYT bắt buộc không phải là chỉ bắt buộc với người dân, mà phải bắt buộc với Nhà nước.

Các doanh nghiệp là những người phải chủ động tham gia BHYT nói riêng và BHXH nói chung cho người dân, người lao động, bởi vì các đối tượng này là người chủ sở hữu phải chi ra tới 2/3 chi phí tham gia BHXH, BHYT.

Theo baohiemxahoi.gov.vn