Thực hiện nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử ở Phú Yên: Chuyển biến bước đầu
08/06/2018 02:44 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bộ phận “một cửa” của xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân - Ảnh: CTV
Thuận lợi, tiện ích
Từ đầu năm đến nay, tỉ lệ văn bản trao đổi giữa các đơn vị thuộc bộ, ban ngành, địa phương dưới dạng điện tử và song song với văn bản giấy: 78,9%; tổng số văn bản điện tử: 10.146; tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 là 7.542...
Ông Trần Quốc Nhanh ở huyện Đông Hòa, cho biết: “Bây giờ đến làm thủ tục tại bộ phận một cửa của hệ thống chính quyền địa phương rất thuận lợi. Cán bộ bộ phận này chỉ cần vài thao tác trên máy tính là có đầy đủ thông tin”. Còn theo ông Ngô Văn Thao ở TP Tuy Hòa, khi muốn tham gia thủ tục hành chính nào và muốn biết nó thuộc thẩm quyền của ai, ông chỉ cần lên trang thông tin thủ tục hành chính của UBND tỉnh hoặc cổng thông tin điện tử của thành phố tìm hiểu rồi làm rất nhanh. Bây giờ lấy số thứ tự cũng tự động, phản ánh ý kiến qua mạng được…
Theo ông Võ Ngọc Kha, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, UBND thành phố đã triển khai ứng dụng CNTT tại các cơ quan hành chính, việc quản lý văn bản đi, đến được ứng dụng và cập nhật trên phần mềm hệ thống quản lý văn bản, giúp quá trình gửi, nhận văn bản giữa các cấp, ngành thuận lợi, nhanh chóng. Đồng thời tạo điều kiện cho việc quản lý, tra cứu hồ sơ, tài liệu dễ dàng, đáp ứng kịp thời, hiệu quả trong việc khai thác thông tin.
Bên cạnh đó, 100% đơn vị, cơ quan hành chính thành phố và UBND các phường, xã kết nối mạng internet; khoảng 95% cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng công nghệ thông tin, hệ thống thư điện tử trong công việc; tỉ lệ văn bản, tài liệu chính thức được trao đổi giữa các cơ quan hành chính được thực hiện dưới dạng thư điện tử đạt trên 60%; đã xây dựng cổng thông tin điện tử của UBND thành phố để cung cấp thông tin, giải quyết các thủ tục hành chính trực tuyến thông qua mạng internet, tạo lập trang facebook để tiếp nhận phản ánh về vệ sinh môi trường, trật tự đô thị trên địa bàn thành phố; tiếp tục tiếp nhận thông tin, góp ý xây dựng TP Tuy Hòa qua hộp thư điện tử của chủ tịch UBND thành phố và cổng thông tin điện tử.
“Đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của thành phố đã ứng dụng phần mềm một cửa và trang bị hệ thống lấy số tự động, cơ bản đáp ứng nhu cầu công việc; tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích, tạo thói quen để cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ bưu chính công ích và dịch vụ công trực tuyến, từng bước nâng cấp, hoàn thiện phần mềm để đảm bảo các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ trực tuyến được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân giải quyết thủ tục hành chính”, ông Kha cho biết thêm.
Góp phần hiện đại hóa nền hành chính
Đồng chí Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt đến các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước năm 2018, gắn với việc thực hiện Kế hoạch hành động 97/KH-UBND của UBND tỉnh. Đồng thời thường xuyên đánh giá, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực triển khai kế hoạch; chỉ đạo Sở TT-TT phối hợp với các đơn vị triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành; xây dựng trục liên thông văn bản của tỉnh; xây dựng cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Ngoài ra, các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành chương trình, kế hoạch và phân công cán bộ lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi việc ứng dụng công nghệ thông tin của đơn vị và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao”.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã ban hành một số văn bản về quy chế quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa điện tử liên thông của tỉnh; quy định về phương án ứng phó khẩn cấp sự cố an toàn thông tin mạng trên địa bàn Phú Yên góp phần hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao dịch, giải quyết hồ sơ cho tổ chức, cá nhân. Qua đó từng bước nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp về mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; xây dựng một nền hành chính điện tử đồng bộ, hiện đại từ cấp tỉnh đến cơ sở…
Theo UBND tỉnh, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động phối hợp với bộ, ngành Trung ương và các cơ quan, đơn vị có liên quan ở địa phương đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước tại cơ quan, đơn vị mình, nhất là giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến đối với những lĩnh vực quan trọng, liên quan đến người dân và doanh nghiệp có hiệu quả rõ rệt, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tỉnh hiện đã kết nối, vận hành ổn định trục liên thông văn bản nội bộ của tỉnh với trục liên thông văn bản quốc gia. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thiện khung kiến trúc Chính phủ điện tử tỉnh Phú Yên, đảm bảo hoạt động các cơ quan của tỉnh cơ bản thực hiện trên môi trường mạng và cung cấp 100% dịch vụ hành chính công trực tuyến…
Theo baophuyen.com.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình