Không để người bệnh BHYT phải tự mua thuốc, vật tư y tế trong phạm vi quyền lợi được hưởng
04/04/2023 08:01 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đây là chỉ đạo của Sở Y tế Hà Nội đối với tất cả các cơ sở KCB cả công lập và ngoài công lập trên địa bàn về việc tăng cường quản lý, kiểm soát chi phí KCB BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT.
Theo Công văn số 1345/SYT-NYY của Sở Y tế Hà Nội,thực hiện chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội tại Công văn số 653/UBND-KGVX ngày 14/3/2023 về tăng cường quản lý, kiểm soát chi phí KCB BHYT trên địa bàn, Sở Y tế Hà Nội đề nghị các cơ sở KCB trên toàn địa bàn xây dựng kế hoạch, giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả chi phí KCB BHYT; hằng tháng, quý chủ động phân tích số liệu, đánh giá tình hình KCB BHYT, dữ liệu chi phí KCB BHYT của đơn vị, từ đó kịp thời có các giải pháp để kiểm soát chi phí, đặc biệt đối với các chi phí gia tăng bất thường.
Đặc biệt, phải rà soát, đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, dịch truyền, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật... để phục vụ việc KCB cho người bệnh; không để người bệnh BHYT phải tự mua các thuốc, vật tư y tế trong phạm vi quyền lợi được hưởng nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT.
Đồng thời, các cơ sở KCB phải nâng cao tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và trục lợi BHYT trong các khâu chỉ định người bệnh nhập viện điều trị nội trú, chỉ định xét nghiệm, sử dụng dịch vụ kỹ thuật KCB, thuốc điều trị, chú ý đối với việc chỉ định dịch vụ kỹ thuật và thuốc điều trị bệnh đắt tiền. Không để xảy ra tình trạng kê đơn thuốc quá mức cần thiết; ghi tên dịch vụ kỹ thuật, tên chẩn đoán không đúng với tình trạng bệnh nhằm thanh toán với giá dịch vụ cao hơn. Tuyệt đối không lập hồ sơ bệnh án khống, kê thuốc khống, cấp thuốc không đầy đủ cho người bệnh để chiếm dụng thuốc, tiền của quỹ BHYT.
Các BV phải kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị; tăng cường hoạt động của dược lâm sàng, kiểm soát việc kê đơn, sử dụng thuốc, chỉ định xét nghiệm, chỉ định dịch vụ kỹ thuật, quy trình chăm sóc người bệnh.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cải cách TTHC trong KCB nhằm nâng cao chất lượng KCB nói chung, KCB BHYT nói riêng theo đúng quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 Thông tư số 48/2017/TT-BYT của Bộ Y tế. Các cơ sở KCB phải nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND Thành phố tại Kế hoạch số 54/KH-UBND; đảm bảo 100% cơ sở KCB BHYT trên địa bàn có đủ phương tiện, nhân lực, quy trình chuyên môn để triển khai hoạt động KCB BHYT bằng CCCD gắn chip.
Sở Y tế Hà Nội cũng đề nghị các cơ sở KCB tiếp tục phổ biến, quán triệt sâu rộng đến toàn thể đội ngũ lãnh đạo, cán bộ y tế của đơn vị nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-BYT ngày 9/9/2019 của Bộ Y tế; Chỉ thị số 25/CT-BYT ngày 21/12/2020 của Bộ Y tế; Kế hoạch số 193/KH-UBND ngày 26/8/2021 của UBND Thành phố.
Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ phối hợp với BHXH Thành phố và các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật và việc kiểm soát chi phí KCB tại các cơ sở KCB BHYT; đề xuất biện pháp xử lý nếu phát hiện đơn vị có vi phạm quy định về lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT...
Theo BHXH TP.Hà Nội, hết tháng 2/2023, Hà Nội có trên 7,66 triệu người tham gia BHYT, tăng 25.058 người so với tháng trước, đạt tỷ lệ bao phủ 92,9% dân số. Chỉ tính trong tháng 2/2023, Hà Nội đã có 780.444 lượt KCB BHYT với chi phí 1.162,8 tỷ đồng. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, toàn thành phố có 1.596.997 lượt KCB BHYT với chi phí 2.446,9 tỷ đồng (bằng 123,5% so với cùng kỳ 2022). Trung bình mỗi lượt KCB BHYT ngoại trú là 544.768 đồng (bằng 100,7% so với tháng 1/2023), còn chi phí trung bình mỗi lượt KCB BHYT nội trú là 7.634.211 đồng (bằng 94,2% so với tháng 1/2023).
Châu Anh
https://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình