Bình Dương: Lại xuất hiện đối tượng giả danh chuyên viên BHXH để lừa đảo
22/02/2023 08:20 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Mới đây, bà N.T.A (ngụ phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đã gọi điện cho BHXH tỉnh Bình Dương cung cấp thông tin về việc một đối tượng thường xuyên gọi điện thoại cho bà, xưng là chuyên viên BHXH tỉnh Bình Dương nhằm mục đích lừa đảo.
Theo thông tin từ bà N.T.A, tuần qua bà nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là “nhân viên BHXH” và yêu cầu bà xác nhận, cung cấp thông tin để nhận tiền chế độ trợ cấp TNLĐ. Nghĩ mình không bị TNLĐ và cũng không nộp hồ sơ hưởng BHXH, nên bà đã gọi điện thoại cho BHXH tỉnh Bình Dương và được biết trong tuần qua không có ai ở BHXH tỉnh Bình Dương gọi điện cho bà.
Trao đổi về vụ việc này, bà Phạm Hương Tuyền- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương cho biết, trong bối cảnh nhiều DN trên địa bàn ngừng hoạt động, sắp xếp lại hoạt động sản xuất, nên có nhiều NLĐ bị mất việc, rơi vào tình cảnh khó khăn trong cuộc sống, nên chỉ còn biết dựa vào chế độ BHXH là “phao cứu sinh” duy nhất để vượt qua khó khăn. Lợi dụng tâm lý của NLĐ khi mất việc làm, một số đối tượng xấu đã gọi điện thoại, nhắn tin giả danh “nhân viên BHXH” nhằm lợi dụng lấy thông tin cá nhân của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo.
“Nhận thấy đây là trường hợp giả danh nhằm mục đích lừa đảo người tham gia BHXH, BHXH tỉnh Bình Dương đã đề nghị NLĐ, người dân luôn đề cao cảnh giác những trường hợp tương tự xảy ra. Nếu người dân nhận được cuộc gọi nghi có dấu hiệu giả danh thì không nên cung cấp thông tin cá nhân ngay, mà liên hệ ngay cho cơ quan BHXH tỉnh, huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bình Dương để xác nhận và nắm rõ hơn về hồ sơ hưởng chế độ BHXH, tránh rơi vào tình cảnh tiền mất tật mang”- bà Tuyền lên tiếng cảnh báo.
Trước đó, giữa năm 2022, BHXH huyện Cần Giờ (TP.HCM) cũng nhận được thông tin phản ánh từ chị N.T.T (trú tại huyện Cần Giờ) về việc chị bị một người tự xưng là chuyên viên của BHXH Việt Nam lừa đảo chiếm đoạt tiền. Theo lời kể của chị T, hơn một năm trước, chị có tham gia BHXH nhưng sau đó nghỉ việc để sinh con. Sinh con xong, chị đến cơ quan BHXH hỏi thủ tục nhận trợ cấp thai sản và nhận được giải thích là: “NLĐ phải đóng đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh mới đủ điều kiện nhận trợ cấp. Vì thế, trường hợp của chị không được giải quyết”.
Tuy nhiên, vài tháng sau, lúc chị T. truy cập Facebook thấy có trang BHXH Việt Nam, cùng những dòng chữ “cung cấp dịch vụ giải ngân trước hạn; làm lại sổ BHXH; hỗ trợ giải ngân hồ sơ quá hạn”. Nghĩ trường hợp của mình có thể được giải ngân hồ sơ trợ cấp thai sản quá hạn, nên chị T. đã kích vào mục “gửi tin nhắn” và nhận được tin nhắn qua ứng dụng Messenger với nội dung đề nghị “liên hệ với chuyên gia về bảo hiểm qua Zalo để được tư vấn”. Nhận được tin nhắn trên, chị T. đã kết bạn với tài khoản Zalo của một người tự xưng là chuyên viên của BHXH Việt Nam.
Sau đó, người tự xưng là chuyên viên BHXH đã yêu cầu chị T. cung cấp thông tin cá nhân, chụp ảnh CCCD và tài khoản ngân hàng để “cơ quan BHXH chuyển 17.706.000 đồng tiền giải quyết chế độ thai sản” cho chị. Thế nhưng, cũng theo người này, số tiền trên chị T. sẽ không được nhận một lần, mà phải chia thành 5 lần. Mỗi lần giải ngân, chị T. phải chuyển khoản cho chuyên viên BHXH giả mạo này số tiền là 820.000 đồng phí giải quyết hồ sơ.
Chị T. làm theo hướng dẫn và đã chuyển tiền lần giải ngân thứ nhất qua tài khoản. Khoảng 10 phút sau khi chuyển tiền, chị T. nhận được tin nhắn yêu cầu kiểm tra lại thông tin cá nhân đã đúng chưa để chuyển tiền. Sau khi chị T. xác nhận thông tin đã đúng, thì người này lại tiếp tục yêu cầu chị chuyển thêm vào tài khoản đã cung cấp 4 lần phí chuyển tiền (mỗi lần 820.000 đồng) để được nhận toàn bộ số tiền ngay trong ngày. Thấy khả nghi, chị T. đã tìm đến BHXH huyện Cần Giờ nhờ tư vấn và biết mình đã bị lừa.
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình